Hoàn thành di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư

Tại Bình Thuận, đến cuối tháng 12/2019 đã có 10/10 địa phương hoàn thành việc di dời hoặc chấm dứt hoạt động 355/355 điểm thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận về việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm đang hoạt động trong khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp và việc di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư, các địa phương trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đến tháng 1/2020 đã cơ bản hoàn thành.

Chú thích ảnh
Một điểm kinh doanh phế liệu tại phường Hưng Long, TP. Phan Thiết. Ảnh tư liệu: baobinhthuan.com.vn

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Thuận, trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư tập trung; tăng cường tuyên truyền, vận động di dời theo chủ trương của tỉnh; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đến cuối tháng 12/2019 đã có 10/10 địa phương hoàn thành việc di dời hoặc chấm dứt hoạt động 355/355 điểm thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư.

Qua rà soát, phân loại, trên địa bàn tỉnh có 609 cơ sở hoạt động trong khu dân cư với các ngành nghề như: Hàn tiện cơ khí; chế biến hải sản; gia công, sản xuất các sản phẩm từ nhôm, sắt; mộc dân dụng; dịch vụ xay xát lúa gạo, sản xuất nước đá, chế biến hạt điều, cao su, sản xuất bún, bánh phở...

Đến tháng 1/2020, các địa phương đã thành lập các Đoàn kiểm tra về tình hình môi trường đối với 279 cơ sở; qua kiểm tra có 17 cơ sở hoạt động trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường và đã xử lý, yêu cầu chủ cơ sở có biện pháp tự khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; 262 cơ sở chưa có hành vi gây ô nhiễm môi trường, yêu cầu chủ cơ sở cam kết thực hiện bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Riêng thành phố Phan Thiết có 181 cơ sở có khả năng gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch. Ủy ban nhân dân thành phố đã xây dựng phương án và thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện di dời vào Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2. Hiện nay, các địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát để xác định các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, trên cơ sở đó yêu cầu các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục để tiếp tục sản xuất, kinh doanh hoặc đưa vào kế hoạch thực hiện di dời ra khỏi khu dân cư theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết đang tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung Dự thảo quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động trong khu dân cư thuộc đối tượng di dời trên địa bàn, phù hợp điều kiện thực tế để trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét ban hành. Trong thời gian chưa ban hành quy định này, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện liên quan, xác định cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang hoạt động trong khu dân cư theo quy định tại Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ thực hiện trình tự, thủ tục để quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi đưa vào danh mục thực hiện theo đúng quy định.

Nguyễn Thanh (TTXVN)
Chùng chình di dời các điểm thu mua phế liệu trong nội ô Bình Phước
Chùng chình di dời các điểm thu mua phế liệu trong nội ô Bình Phước

Là địa điểm tập kết lượng lớn vật liệu dễ cháy, dễ bắt lửa như bao bì, túi ni lông, bìa các tông, nhựa..., các cơ sở thu mua phế liệu không khác gì những quả bom nổ chậm nằm trong lòng khu dân cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN