Để bảo đảm sức khỏe cho công nhân và người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ”.
Theo quyết định này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn, thực hiện “3 tại chỗ” để sản xuất với mức 1 triệu đồng/người, hỗ trợ 1 lần.
Thời điểm thực hiện hỗ trợ được tính từ ngày 24/8/2021, với cách thức triển khai như sau: Công đoàn cơ sở báo cáo số lượng đoàn viên, người lao động được doanh nghiệp huy động thực hiện “3 tại chỗ” duy trì sản xuất với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Với doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn nhưng chưa có tổ chức công đoàn thì Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở làm việc với doanh nghiệp kiểm tra, xác định số lượng đoàn viên, người lao động thực hiện “3 tại chỗ” duy trì sản xuất để hỗ trợ.
Công đoàn cơ sở thống nhất với chủ doanh nghiệp về phương thức tổ chức, khẩu phần bữa ăn, chuyển kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp để tổ chức bữa ăn theo chính sách chung của doanh nghiệp; giám sát việc tổ chức thực hiện bữa ăn và công khai tới đoàn viên, người lao động.
Bên cạnh việc triển khai phương án “3 tại chỗ” ở nhiều nơi rất thuật lợi, nhưng cũng có nơi gặp trở ngại bởi một số người lao động không đồng ý với phương án lưu trú theo yêu cầu "3 tại chỗ" mà doanh nghiệp đưa ra.
Trước những vướng mắc này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã có văn bản hướng dẫn trong việc thực hiện chính sách đối với người lao động trên cơ sở người lao động và doanh nghiệp cần thống nhất để xác định theo một trong các cách sau:
Một là, doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc và trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định. Khi đó, người lao động được hỗ trợ chính sách ngừng việc khi đáp ứng đủ các điều kiện theo Quyết định 23.
Hai là, thống nhất với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc hai bên thỏa thuận nghỉ không hưởng lương.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định của địa phương, doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất thuộc các trường hợp sau đây thì được xem là phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống COVID-19 và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định, gồm: Doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện "3 tại chỗ" và phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian thực hiện quy định đó của địa phương. Doanh nghiệp nằm trong khu cách ly y tế nên khó khăn về cung ứng nguyên liệu, xuất hàng.