Hồ thủy lợi “kêu cứu”

Thông tin dự báo cơn bão mạnh, cơn bão số 7 vào Biển Đông càng làm cho người dân sống gần khu vực hồ thủy lợi phấp phỏng lo âu.
Trên 300 hồ xuống cấp cần sửa chữa


Hồ thủy lợi Hoàng Tân (Tuyên Quang) bị vỡ đập tràn cuối tháng 7/2013.

Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, theo đánh giá hiện trạng công trình của các địa phương thì cả nước có tới 317 hồ bị hư hỏng xuống cấp, cần được sửa chữa; trong số này có 120 hồ hư hỏng nhiều và đặc biệt trong số những hồ này có tới 14 hồ chứa bị hư hỏng nghiêm trọng, nếu mưa to diễn ra trong một thời gian dài thì khó đảm bảo an toàn. Những hồ này chủ yếu tập trung tại các tỉnh phía Bắc, cụ thể: các hồ Khuôn Tùng, Hua Khao, Khuôn Ping ở Lạng Sơn; hai hồ Hố Cao, Khe Áng ở Bắc Giang; hồ Trại Lốc 1 ở Quảng Ninh; Hồ Vàng và hồ Ban ở Hòa Bình…


Ngoài 317 hồ xuống cấp thì những hồ còn lại đều được các địa phương gia cố, tu sửa trước mùa mưa bão nên cơ bản đảm bảo an toàn về khả năng chứa nước. Tuy nhiên, đây chỉ là đánh giá cảm quan của các địa phương. Trong trường hợp mưa lớn kéo dài, lũ lớn ập đến một cách cực đoan, thì nhiều khi hồ khỏe cũng thành yếu. Sau bão số 5 và số 6, ngoài một số hồ bị tràn nước thì có sự cố đập dâng Phân Lân (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) bị vỡ, khiến hàng triệu mét khối nước tràn xuống nhà dân. Do vậy, Tổng cục Thủy lợi luôn khuyến cáo người dân, chính quyền các địa phương có hồ không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống lũ, đảm bảo độ an toàn cho các hồ chứa.


Sau bão, càng cần cảnh giác


Theo Tổng cục Thủy lợi, Chính phủ đã ưu tiên đầu tư rất lớn cho việc tu sửa, gia cố các công trình hồ chứa để đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai, lũ bão, bảo vệ tính mạng của nhân dân. Riêng năm 2013, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và trình Chính phủ chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa nước. Đến nay, chương trình đã sửa chữa, nâng cấp được gần 500 hồ chứa các loại, với tổng kinh phí khoảng gần 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ những hồ có dung tích trên 10 triệu m3 nước mới được ưu tiên cấp vốn tu sửa, bảo dưỡng; còn những hồ nhỏ có dung tích trữ nước dưới 3 triệu m3 chưa được sửa chữa nâng cấp kịp thời.


Hiện trường vụ vỡ đập dâng Phân Lân (Vĩnh Phúc) ngày 3/8/2013. Ảnh: Trọng Lịch- TTXVN

Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 6.648 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 16 hồ có dung tích trữ trên 100 triệu m3, 119 hồ có dung tích trữ trên 10 triệu m3, còn lại là các hồ có dung tích trung bình và nhỏ.

Theo ông Hiển, đối phó với siêu bão Utor, cơn bão số 7, các địa phương có hồ có hiện tượng thấm ở thân đập, sạt trượt, cống xả tràn sạt lở do hai cơn bão gần đây gây ra cần chủ động chuẩn bị các rọ đá phòng trừ sự cố vỡ đập. Chính quyền các địa phương cũng cần tính đến phương án khi xuất hiện mưa to kéo dài, nước dồn về nhanh thì phải tổ chức di dân ra khỏi vùng nguy hiểm. “Tâm lý của người dân là khi hết bão thì muốn nhanh chóng trở về nhà để ổn định sản xuất và sinh hoạt. Thế nhưng với những khu vực có hồ thủy lợi xuống cấp, sau bão mới là thời điểm nguy hiểm. Do vậy, chính quyền địa phương phải thường xuyên kiểm tra độ an toàn của các hồ đập và khuyến cáo người dân chấp hành nghiêm quy định của địa phương về việc di dời cũng như thời gian di dời đến nơi ở an toàn”, ông Hiển nhấn mạnh.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng vừa ký quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác bảo đảm an toàn các hồ chứa nước. Trong thời gian từ 12 - 18/8, các đoàn kiểm tra sẽ đánh giá công tác bảo đảm an toàn các hồ chứa tại 23 địa phương trong mùa mưa bão năm 2013; kiểm tra các công trình trước và sau lũ; quy trình vận hành các hồ chứa và phương án phòng chống lụt bão. Đặc biệt, các đoàn kiểm tra sẽ khảo sát thực tế tại các công trình hồ chứa hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn và các hồ chứa đang được đầu tư nâng cấp.


Cùng với việc rà soát, kiểm tra hiện trạng các công trình, Bộ cũng chỉ đạo các địa phương phải đảm bảo an toàn cho công trình, xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố khi tình huống xấu xảy ra để đảm bảo an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ 2013 và có đủ nước phục vụ sản xuất trong mùa khô 2014.

 

Sau bão, nước dồn dập đổ về; sau 10 - 15 tiếng, thân đập ngậm no nước, rất yếu nên những hồ bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng dễ xảy ra vỡ đập. Nếu sự cố này xảy ra vào ban đêm, địa phương lại không có đủ nhân lực, vật lực đối phó thì thiệt hại về người và của là rất lớn.

Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN