Hồ thủy điện Trị An lại bị 'xẻ thịt'

Hàng trăm ha mặt nước bị chắn lưới tạo thành một vùng rộng lớn nuôi thả cá trái phép trên mặt nước mà đơn vị chủ quản và chính quyền địa phương chưa thể xử lý.

Môi trường nước hồ đang bị đe dọa ô nhiễm, nguồn thủy sản tự nhiên đang cạn kiệt dần, người mưu sinh trên hồ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn... Đó là thực trạng đáng buồn đang diễn ra trên hồ thủy điện Trị An, Đồng Nai ngày nay.

Đập thủy điện Trị An. Ảnh: baodongnai.com.vn


* Lại “xẻ thịt” lòng hồ

Năm 2002- 2004, vụ “xẻ thịt” lòng hồ Trị An, ngăn chặn các eo ngách trên lòng hồ làm ao nuôi, đầm nuôi thả cá trái phép là tâm điểm chú ý của dư luận cả nước. Hàng loạt cán bộ quản lý từ cấp tỉnh trở xuống đến xã đã bị kỷ luật vì liên quan đến sự vụ này. Sau đó các hồ, ao trái phép đã phải phá dỡ, trả lại mặt nước hồ.

Gần 10 năm sau, việc lấn chiếm lòng hồ lại bị tái diễn, tuy hình thức có sự thay đổi, quy mô ở mức độ nhỏ hơn nhưng tính chất thì chẳng có gì khác so với lần vi phạm trước.

Các cơ quan chức năng vẫn đang “loay hoay” chưa biết xử lý vấn đề này ra sao, trong khi mỗi ngày người đăng chắn, nuôi thả cá trái phép vẫn xả hàng tấn thức ăn chăn nuôi, thuốc kháng sinh xuống hồ gây ô nhiễm nguồn nước tự nhiên.

Theo con tàu của lực lượng Kiểm lâm thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, chúng tôi phải mất gần 2 tiếng mới tới được địa điểm người dân đăng chắn lưới trái phép trên hồ, đó là địa bàn xã La Ngà, huyện Định Quán.

Hiện ra trước mắt chúng tôi là hàng chục eo ngách trên vùng bán ngập hồ Trị An đã bị người dân đăng chắn, đón lõng cá vào sinh sản và thả nuôi trong những tháng nước hồ đầy.

Chỉ tay về hướng cái chòi nhỏ trên mặt hồ, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn nói, toàn bộ khu này có đến cả trăm ha đã bị người dân địa phương mua lưới mắt nhỏ về đăng chắn khoảng 3 năm nay mà chúng tôi vận động họ tháo dỡ chưa được. Việc đăng chắn này là hoàn toàn tự phát, khi chúng tôi phát hiện thì một vùng nước lớn đã bị vây kín bởi lưới rồi.

Theo ông Phước, đăng chắn có tác hại là không cho cá sau khi sinh sản ở vùng eo ngách bán ngập lọt ra ngoài hồ, nên lượng cá tôm trong hồ bị giảm đáng kể, dẫn đến mất tính đa dạng sinh học của hồ Trị An. Thêm vào đó là một lượng phân, thức ăn chăn nuôi đổ xuống hồ do một số hộ thả thêm cá vào nuôi trong đăng chắn, gây ô nhiễm môi trường nước.

Trong lúc thả neo để quay lại hình ảnh lưới đăng trái phép, chúng tôi bắt gặp vài thuyền nhỏ lấp ló, dò xét phía trong bờ, mà theo các anh kiểm lâm là những người bảo vệ cho chủ đăng chắn trái phép.

Gặp hai anh em Nguyễn Niên, Nguyễn Dũng (hộ có hợp đồng với Khu Bảo tồn được phép đánh bắt cá trên hồ) đang trở vào bờ sau chuyến lưới cá buổi sáng, anh Nguyễn Niên cho biết gia đình anh có 6 người sống ven hồ thuộc xã La Ngà, huyện Định Quán, chuyên làm nghề lưới cá trên hồ này cả chục năm nay, nhưng lúc này kiếm cá thật sự khó khăn hơn trước rất nhiều.

Chỉ vào hai thùng xốp đựng nửa nước, anh Niên cho biết từ sáng đến 12 giờ trưa mới bắt được khoảng 4kg tôm nhỏ và khoảng 2kg cá tạp, bán hết cũng chỉ được 300.000 đồng, trừ tiền xăng dầu còn chẳng nổi 200.000 đồng.

Theo anh niên giãi bày, nhiều hộ đăng chắn quá, dẫn đến không có cả lối vào bờ mỗi khi gặp mưa, gió lớn trên hồ, rất nguy hiểm. Thêm vào đó, các anh luôn bị xua đuổi mỗi khi cho thuyền lưới lại gần đăng chắn vùng nước nông, trong khi ra giữa lòng hồ sâu rất khó bắt được cá tôm.

Ông Nguyễn Hữu Phước cho biết: Từ đầu năm 2014 chúng tôi đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính 11 trường hợp đăng chắn lưới loại mắt nhỏ bị cấm, với mỗi hộ vi phạm bị phạt 3 triệu đồng, còn việc buộc các hộ này tháo dỡ đăng chắn trả lại nguyên trạng vẫn chưa thể tiến hành.

* Loay hoay trách nhiệm

Trong cuộc họp mới đây bàn cách xử lý các hộ vi phạm đăng chắn lòng hồ Trị An của UBND huyện Định Quán mà chúng tôi được tham dự, cho thấy vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để nào được thông qua. Trong cuộc họp có đại diện các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện Định Quán, đại diện Khu Bảo tồn và các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai.

Rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề trách nhiệm ai là người ra quyết định cưỡng chế các hộ đăng chắn thả nuôi cá trái phép trên hồ Trị An, buộc tháo dỡ trả lại nguyên trạng ban đầu.

Có ý kiến cho rằng, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định giao quản lý hồ Trị An cho Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thì Khu bảo tồn phải có trách nhiệm quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm này. Đại diện Khu bảo tồn cho rằng họ mới được giao quản lý hồ mấy năm nay, trong khi các hộ dân lấn chiếm mặt nước hồ để giữ cá, thả nuôi lại nằm ở các xã La Ngà, Phú Ngọc của huyện Định Quán, nên chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm. Việc xử lý triệt để 14 hộ lấn chiếm trái phép này phải thuộc về UBND huyện Định Quán mới đúng.


Cuộc họp khá nhiều ý kiến, duy chỉ có đại diện các xã La Ngà, Phú Ngọc là không có ý kiến gì mà chỉ ngồi nghe.

"Hơn 800 hộ dân (có hợp đồng với Khu Bảo tồn) làm nghề đánh bắt cá trên hồ thì tỏ ra nóng giận, khi liên tục “tra tấn” lãnh đạo Khu bảo tồn bằng các cuộc điện thoại, có khi cả lúc nửa đêm"- ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn chia sẻ.

Dư luận ở huyện Định Quán cũng phản ánh đến lãnh đạo Khu bảo tồn, cho rằng những hộ đăng chắn trên chắc chắn không riêng gì của họ, mà phải có sự hùn hạp, đứng sau của cán bộ chính quyền địa phương.

Những nghi vấn này chúng tôi đã hỏi trực tiếp ông Phạm Quý Ngọc, Phó Bí thư Huyện ủy huyện Định Quán, ông cũng thẳng thắn: “Trước đây thì cũng có một vài cán bộ hùn hạp, nhưng nay thì rút hết rồi. Quan điểm của huyện là phát hiện cán bộ huyện, xã sai phạm là xử lý nghiêm, còn việc các hộ dân chưa chịu tháo dỡ đăng chắn, thì tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với Khu bảo tồn xử lý triệt để, đúng pháp luật”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Yên, Chủ tịch UBND huyện Định Quán thông tin trong cuộc họp, huyện đã nhận được đơn của một vài hộ xin được giữ đăng chắn một thời gian nữa để thu hồi lại vốn đầu tư. Huyện chưa có ý kiến về vấn đề này, chờ Khu bảo tồn có kế hoạch xử lý triệt để việc đăng chắn, chứ kiên quyết không cho tồn tại.

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, có hộ bỏ ra cả trăm triệu đồng mua lưới, cọc vây vùng bán ngập lòng hồ để giữ cá mùa sinh sản và thả nuôi kiếm lợi hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Vậy làm sao có chuyện chưa thu hồi lại vốn, xin được chậm tháo dỡ để tiếp tục trây ỳ?

Kết thúc cuộc họp, UBND huyện Định Quán đã thống nhất giao Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp với cơ quan chức năng huyện Định Quán để xử lý vụ việc này. Nhưng để đến khi sự việc được xử lý triệt để, đúng trình tự thủ tục pháp luật, có lẽ còn tốn nhiều thời gian nữa, trong khi hồ Trị An vẫn bị ô nhiễm, nguồn thủy sản của hồ đang dần cạn kiệt, khoảng 1.500 người đang sống nhờ vào hồ sẽ phải đối mặt với sự mưu sinh nhọc nhằn hơn.


Thái Nguyên (TTXVN)

Nhà máy thủy điện Trị An thông báo xả lũ
Nhà máy thủy điện Trị An thông báo xả lũ

Nhà máy thủy điện Trị An thông báo, vào 9 giờ 30 sáng nay, 30/9, nhà máy sẽ bắt đầu xả lũ. Dự kiến, lưu lượng nước xả qua đập tràn của nhà máy khoảng 480 m3/giây, lượng nước qua máy phát điện khoảng 600 m3/giây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN