Hạ tải tại chỗ xe quá khổ, quá tải

Từ ngày 9/4/2013, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) và Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (P6/C67) phối hợp thí điểm kiểm soát, xử lý xe vi phạm quá khổ, quá tải trọng trên QL5 từ Km 78 - Km 79 thuộc xã Lê Thiện (huyện An Dương, TP Hải Phòng) bằng hệ thống trạm cân di động. Hầu hết chủ phương tiện và lái xe ô tô tải, đầu kéo, sơ mi rơ moóc, container qua trạm đều bày tỏ: “Muốn thực hiện hiệu quả, lực lượng chức năng cần phải làm công bằng, quyết liệt từ gốc”.

 

Phải hạ tải tại chỗ


Theo kế hoạch liên ngành 1230/KHPH (ngày 28/3/2013) về phối hợp kiểm soát, xử lý hành vi xe chở hàng quá khổ, quá tải trên quốc lộ 5 Hải Phòng - Hà Nội từ ngày 9 - 28/4, lực lượng liên ngành sẽ kiểm tra, xử phạt vi phạm đối với tất cả các loại ô tô tải, đầu kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe container chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn cầu, đường qua điểm.


 

Khi được yêu cầu kiểm tra, nhiều lái xe mở thùng xe để chứng minh xe không chở quá tải.

Theo thiếu tá Phạm Quang Huy, Phó trưởng Phòng 6, Đội trưởng đội kiểm soát, xử phạt vi phạm xe quá khổ, quá tải (P6/C67), tất cả các xe vi phạm đều phải hạ tải tại chỗ theo quy định, nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp vận tải, lái xe xem thường trách nhiệm của mình đối với an toàn giao thông. Đồng thời, chủ xe vi phạm phải chịu mọi chi phí hạ tải và lưu kho hàng hóa. Sau khi hạ xuống đủ tải trọng, xe mới tiếp tục được phép tham gia giao thông.


Đây là động thái mở màn cho chiến dịch xử lý triệt để tình trạng xe quá tải, thủ phạm chính đang tàn phá hệ thống đường bộ ở khắp các địa phương hiện nay.


Theo ghi nhận của phóng viên Tin Tức tại hiện trường, ngày đầu tiên thực hiện thí điểm trạm cân di động, các xe tải trọng lớn thường xuyên “quần thảo” trên quốc lộ 5 hàng ngày nhưng hôm qua bất ngờ “vắng bóng”. Cụ thể, trong ngày hôm qua, đội kiểm soát P6/C67 không phát hiện trường hợp nào chở quá khổ, quá tải. Khi được yêu cầu kiểm tra xe, nhiều lái xe còn mở thông cửa thùng xe để chứng minh không vi phạm. Có ý kiến cho rằng, rất có thể, các doanh nghiệp vận tải đã nghe ngóng được thông tin này và đã chủ động hạ tải hàng hóa.


Cũng trong ngày đầu ra quân, nhiều doanh nghiệp vận tải và lái xe đã tụ tập rất đông tại trạm cân di động để phản ứng việc xử lý của lực lượng chức năng. Lý do họ đưa ra là cho đến thời điểm này, họ vẫn chưa nhận được thông tin tuyên truyền về kế hoạch liên ngành 1230/KHPH và cách tính tải trọng xe vi phạm trong thực tế.


Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Phòng Vũ Mạnh Hùng cho biết: “Chúng tôi đồng tình với kế hoạch xử phạt xe quá khổ, quá tải của lực lượng liên ngành, nhưng để chúng tôi “tâm phục, khẩu phục”, lực lượng chức năng cần quy định minh bạch cách tính tải trọng để các doanh nghiệp thực thi.

 

Kết hợp nhiều biện pháp mạnh


Trong Quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cả nước sẽ đầu tư xây dựng 45 trạm cân xe cố định và 142 trạm cân di động. Bộ GTVT hiện đã lập dự án đầu tư xây dựng 11 trạm kiểm tra tải trọng xe và trang bị 67 trạm cân di động giai đoạn 2013 - 2015. Trạm cân di động thí điểm trên là trạm đầu tiên hoạt động để lực lượng liên ngành rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hoạt động và hiệu quả thực thi.


Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Xuân Cường, việc xây dựng các trạm cân cố định mất nhiều thời gian, kinh phí giải phóng mặt bằng lớn, trong khi việc kiểm soát, xử lý xe quá khổ, quá tải không thể chậm trễ hơn nữa. Do vậy, các trạm cân di động sẽ được ưu tiên lắp đặt ngay trong năm nay, nhất là tại các tuyến quốc lộ có mật độ xe quá tải lớn. Trong đợt thí điểm này, lực lượng liên ngành chỉ xử lý xe quá khổ, quá tải chở quá tổng tải trọng xe cho phép, chưa xử lý các xe vi phạm quá tải trọng trục cho phép. Mặc dù hiện nay, “thủ phạm” phá hoại đường bộ chủ yếu là xe quá tải trọng trục.


Bên cạnh việc gấp rút đầu tư xây dựng các trạm kiểm tra tải trọng xe, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng một loạt biện pháp mạnh để kiểm soát xe quá tải, như kiểm soát phương tiện từ khâu đăng kiểm bằng việc bổ sung thông số “tải trọng trục cho phép tham gia giao thông” trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; kiểm soát tại nguồn hàng bằng cách quy trách nhiệm và hình thức xử lý vi phạm đối với các chủ nguồn hàng trong việc kiểm soát tải trọng trước khi xe lưu hành trên đường bộ; bổ sung thêm khung phạt ứng với mức độ quá tải như từ 20-50%, 50-100% và lớn hơn 100%. Thậm chí, lực lượng liên ngành sẽ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù đối với những đối tượng vi phạm nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng.


Bài và ảnh: Tiến Hiếu

Xe quá khổ, quá tải vẫn lưu thông trên quốc lộ 9
Xe quá khổ, quá tải vẫn lưu thông trên quốc lộ 9

Trong những ngày trước, trong và sau Tết, nhiều xe quá khổ, quá tải vẫn ngang nhiên lưu thông trên các tuyến đường từ Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo về thành phố Đông Hà, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 9, thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị, làm hư hỏng nhiều tuyến đường, gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN