Hà Nội: Trà đá vỉa hè vẫn được 'kiếm cơm' trên diện tích 2 m2

Sau khi ra quân lập lại trật tự vỉa hè từ 10/3, các quận nội thành Hà Nội đang tìm cách hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ (bán hàng ăn, trà đá…) bị ảnh hưởng.

Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhắc nhở các hộ buôn bán nhỏ không lấn chiếm vỉa hè.

Xếp chỗ cho hộ nghèo


Theo ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, việc sắp xếp công việc cho những hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi quá trình xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè là cần thiết để đảm bảo việc duy trì trật tự vỉa hè bền vững.


Trước mắt, quận cho phép một số hộ nghèo kinh doanh nhỏ lẻ (hàng nước, bán hàng mang đi không cho khách ngồi ăn uống tại chỗ) được phép tạm tồn tại trên diện tích không quá 2 m2 ở vỉa hè; những hộ còn lại nếu thuộc diện khó khăn thì sắp xếp vào kinh doanh tại phố đi bộ, khu phố cổ.


Quận Hoàn Kiếm đang tiếp tục rà soát các hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở vỉa hè để có phương án hỗ trợ. Theo thống kê ban đầu, quận có trên 190 hộ nghèo, trong đó 33 hộ nghèo, cận nghèo và hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu kinh doanh ở vỉa hè.


Sau 10 ngày cao điểm lập lại trật tự đô thị, tình hình an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và bộ mặt đô thị của quận Hoàn Kiếm đã thông thoáng, sạch gọn hơn trước. Trong thời gian này, lực lượng chức năng của quận xử phạt gần 900 trường hợp vi phạm với số tiền trên 524 triệu đồng.


Hỗ trợ chuyển đổi mô hình kinh doanh


Còn tại quận Đống Đa, trong quá trình xử lý vi phạm vỉa hè, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, quận sẽ định hướng bà con chuyển đổi mô hình kinh doanh. Đồng thời, quận sẽ tính toán, quy hoạch, sắp xếp lại các chợ tạm để bà con có chỗ làm ăn, buôn bán…


Theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Song Hào, qua khảo sát, trên địa bàn quận có trên 600 hộ bán trà đá, khoai nướng, sắn luộc... trong đó khoảng 300 hộ bán trà đá. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc khảo sát, hỗ trợ cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bán trà trên hè phố, quận đã giao cho cơ quan Công an quận phối hợp với các phường tổ chức khảo sát, điều tra ban đầu với các hộ bị ảnh hưởng.


Về giải pháp, các trường hợp ở trong ngõ có thể bố trí được chỗ thì quận sẽ tiếp tục cho kinh doanh. Các hộ khác sẽ được xem xét hỗ trợ theo hai hình thức, hoặc là hỗ trợ kinh phí để chuyển đổi mô hình kinh doanh hoặc chuyển đổi sang vị trí khác.


Còn tại quận Ba Đình, một số phường đang thống kê số hộ nghèo kinh doanh buôn bán nhỏ kinh doanh phụ thuộc vào vỉa hè. Theo đó các hộ sắp xếp gọn, không lấn chiếm vỉa hè. Còn tại các ngõ, các hộ bán trà đá, các hộ chỉ được bán khi cam kết không ảnh hưởng đến đi lại của các hộ xung quanh.


Tại Hội nghị giao ban quý I/2017 giữa Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với các quận huyện, thị xã, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: “Khi lập lại trật tự vỉa hè, cuộc sống mưu sinh của một bộ phận dân nghèo bị ảnh hưởng, gặp khó khăn, do đó, thành phố giao một số sở, ngành phối hợp với các quận rà soát, tìm giải pháp tháo gỡ”.


Tin, ảnh: Xuân Cường
Dọn vỉa hè, dọn luôn cả cây xanh
Dọn vỉa hè, dọn luôn cả cây xanh

Sự việc chính quyền xã Cẩm Yên (Thạch Thất) chặt hạ hàng loạt cây xanh khi triển khai chủ trương giải tỏa hành lang giao thông của thành phố Hà Nội chưa lắng xuống, thì người dân tiếp tục phản ánh tình trạng tương tự dọc tuyến quốc lộ 32, đoạn qua xã Đức Thượng (Hoài Đức).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN