Hà Nội bùng phát sốt xuất huyết - Bài 4: Sở Y tế nói gì?

Dịch sốt xuất huyết đã có dấu hiệu lan ra khu vực ngoại thành Hà Nội. Nếu không quyết liệt phòng chống, dịch bệnh này sẽ còn diễn biến rất phức tạp, nhất là vào thời điểm học sinh tựu trường tới đây.

Diệt bọ gậy, hóa chất chưa triệt để


Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tin Tức về việc tại sao Hà Nội luôn nói vào cuộc sớm, chủ động phòng chống từ đầu năm nhưng dịch sốt xuất huyết càng ngày lại càng nóng, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận: Bên cạnh nguyên nhân khách quan về thời tiết, ô nhiễm môi trường, mật độ dân cư... thì có yếu tố chủ quan do cấp cơ sở chưa triệt để trong diệt bọ gậy và phun hóa chất.


Theo đại diện ngành Y tế Thủ đô, mọi năm, tới tháng 5 - 6 thì ngành y tế mới ra quân phòng chống dịch sốt xuất huyết, nhưng năm 2017, ngay từ đầu năm đã có kế hoạch và các hoạt động được triển khai mạnh hơn từ tháng 4/2017. Có thể nói chưa bao giờ các cấp lãnh đạo của Hà Nội vào cuộc mạnh đến vậy, các văn bản của Thành ủy, UBND, Sở Y tế về hướng dẫn phòng chống sốt xuất huyết được ban hành rất đầy đủ.


Thế nhưng, kiểm tra thực tế cho thấy việc phun hóa chất, diệt bọ gậy tại nhiều xã, phường chưa triệt để. Chỉ khoảng 80% số hộ trong diện phun hóa chất được phun, trong đó nhiều hộ chỉ phun tầng 1 chứ không phun từ tầng 2 trở lên. Đặc biệt, chỉ số bọ gậy còn cao do công tác này phụ thuộc chủ yếu vào cộng đồng.

Nhiều ổ bọ gậy được phát hiện tại các hộ gia đình. Ảnh: TH

Trước thực trạng đó, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị thành lập Đội xung kích tại cơ sở để hướng dẫn người dân diệt muỗi, bọ gậy. Tiêu chí đặt ra là mỗi Đội gồm 2 - 3 người khỏe mạnh, thạo địa hình và chỉ phụ trách từ 30 - 50 hộ dân. Các đội viên Đội xung kích phải vào từng hộ gia đình để hướng dẫn và trực tiếp tìm diệt bọ gậy, thu gom dụng cụ phế thải, lật úp/đậy kín dụng cụ, thả cá vào bể chứ nước sinh hoạt, bể cảnh...; sử dụng bảng kiểm ghi chép kết quả thực hiện ở từng hộ gia đình...


Để đảm bảo hiệu quả hoạt động của Đội xung kích, Sở Y tế cũng đề xuất thành lập các Tổ giám sát để hướng dẫn hoạt động cho các tổ viên. Mỗi Tổ giám sát gồm 1 cán bộ có chuyên một và một phụ trách cơ sở (tổ trưởng, bí thư).


Yêu cầu là cả hai Tổ, Đội này phải tiến hành giao ban hàng ngày, báo cáo kết quả về Trạm Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch và trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn. Đây cũng là một biện pháp nhằm rút kinh nghiệm, tập huấn thường xuyên theo kiểu cầm tay chỉ việc cho các đội viên Đội xung kích.


Hướng dẫn rõ ràng là thế, nhưng khi đi kiểm tra, Sở Y tế phát hiện ra nhiều xã, phường "biến tấu" theo kiểu có tới 5 người/Đội xung kích; thay bằng theo dõi 30 - 50 hộ dân thì có Đội theo dõi 100 hộ, thậm chí đến 192 hộ. Do mới thành lập nên chỉ khoảng 60% Tổ, Đội hoạt động hiệu quả.


Đáng nói, tại các trường học, hộ gia đình vẫn còn nhiều bọ gậy. Nhiều nhà dân chỉ phun hóa chất tầng 1, và có trường hợp sai về cách phun như phóng viên báo Tin Tức đã phản ánh.

Phát hiện bọ gậy trong bể nước của Trường Tiểu học thị trấn Chúc Sơn B, huyện Chương Mỹ. Ảnh: KH

Trước thực trạng này, Thành phố Hà Nội đã chủ động đề xuất Bộ Y tế thành lập 6 Đoàn giám sát nhằm đánh giá độc lập hiệu quả của Đội xung kích và Giám sát trong việc diệt bọ gậy tại cộng đồng. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng thành lập riêng 2 Đội giám sát do Thanh tra Sở Y tế chủ trì để xuống kiểm tra trọng điểm tại 6 quận, nhằm đánh giá thực chất hoạt động diệt bọ gây và phun hóa chất.


Kết quả đánh giá độc lập của Đoàn chuyên gia thuộc Bộ Y tế vừa công bố chiều 24/8 cho thấy: Còn 10% gia đình đóng cửa không tiếp cận được vào nhà, 35% các hộ gia đình không chấp nhận phun hết các tầng, tỷ lệ hộ chỉ cho phun tầng 1 còn cao khoảng 50 - 60%...


"Gõ" trách nhiệm người đứng đầu

Tuyên truyền, vận động người dân chủ động diệt muỗi, bọ gậy được coi là một biện pháp căn cơ trong phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: TH


"Sở Y tế xác định diệt bọ gậy là át chủ bài trong phòng chống sốt xuất huyết, nếu các cấp chính quyền quyết liệt, người dân tích cực tham gia diệt bọ gậy thì muỗi sẽ hết, dịch bệnh sẽ giảm. Nhưng như bây giờ, muỗi còn, bọ gây còn, người bệnh còn nên sốt xuất huyết đã chững nhưng vẫn ở mức cao", ông Hoàng Đức Hạnh khẳng định.

"Sở Y tế cũng đã tiếp nhận một số thông tin người dân "biếu tiền" để được phun toàn bộ các tầng. Chúng tôi đã cho kiểm tra tại tuyến cơ sở, nếu phản ánh là đúng, sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo như quy định".

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.


Theo Đại diện Sở Y tế Hà Nội, biện pháp căn cơ thời gian tới vẫn là chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền để từng người dân biết về bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng chống. Qua đó, mỗi người dân tự tìm diệt bọ gậy tại gia đình và áp dụng các biện pháp phòng bệnh.


Để đạt được mục tiêu này, ngành Y tế sẽ tăng cường tập huấn, yêu cầu Đội Xung kích, Tổ giám sát "sục" sâu hơn nữa vào các hộ dân. Các xã, phường, thị trấn rà soát lại thành phần Đội xung kích, đảm bảo đúng tiêu chí về số lượng, thành phần và số hộ gia đình phụ trách. Yêu cầu các thành viên Đội xung kích phải vào từng hộ gia đình để hướng dẫn và trực tiếp tìm diệt bọ gậy với phương châm “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dụng cụ chứa nước”.


Bên cạnh đó, Thành phố đang tiếp nhận hơn 100 sinh viên các trường Đại học Y, Đại học Y tế công cộng, để "cắm" vào các Tổ Giám sát, nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các Tổ, Đội xung kích tại những địa bàn trọng điểm về sốt xuất huyết.


Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nếu không thực hiện tốt công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết theo chỉ đạo của Thành phố. Đồng thời, cương quyết xử lý, xử phạt các cá nhân, đơn vị không hợp tác/không tuân thủ quy định phòng chống dịch.


"Bản thân Chủ tịch UBND xã, phường phải chịu trách nhiệm về tình hình dịch bệnh trên địa bàn quản lý. Tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động phòng chống dịch chính là không còn muỗi, bọ gậy giảm, bệnh nhân giảm. Nếu cứ nói làm tốt mà bệnh nhân tăng lên thì lãnh đạo địa phương phải là người chịu trách nhiệm chính", ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.


Từ đầu năm đến ngày 23/8, Hà Nội ghi nhận 19.962 ca sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong. Số mắc tại một số quận nội thành đã giảm nhẹ nhưng một số quận, huyện ngoại thành lại có xu hướng tăng như: Hà Đông, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Thanh Oai.


Phương Liên/Báo Tin Tức
Hà Nội bùng phát sốt xuất huyết - Bài 3: Trị bệnh 'trên nóng, dưới lạnh'
Hà Nội bùng phát sốt xuất huyết - Bài 3: Trị bệnh 'trên nóng, dưới lạnh'

Hà Nội đang đứng đầu cả nước về số ca mắc sốt xuất huyết và dự báo tình hình dịch sẽ còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu do công tác phòng chống dịch đang thực hiện theo kiểu "trên nóng, dưới lạnh".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN