Gỡ vướng vụ người dân chặn xe chở đá vào đường dân sinh ở Đồng Nai

Từ giữa tháng 8/2017 đến nay, người dân ấp Tân Cang, xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) nhiều lần kéo ra chặn đường, ngăn sự lưu thông của xe tải ben chở đá từ mỏ Tân Cang theo đường Đinh Quang Ân ra quốc lộ.

Người dân dùng các vật dụng ngăn xe chở đá lưu thông trên đường Đinh Quang Ân. Ảnh: Công Phong/TTXVN

Việc người dân chặn không cho xe tải chở đá đi vào đường Đinh Quang Ân khiến 5 doanh nghiệp phải ngừng khai thác đá vì không có đường ra.

Trước tình hình trên, mới đây 5 doanh nghiệp khai thác đá tại mỏ đá Tân Cang đã làm đơn kiến nghị các cơ quan chức năng Đồng Nai.

Các doanh nghiệp khai thác đá cho rằng năm 2008, UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) đề xuất xây dựng tuyến đường chuyên dùng chở vật liệu xây dựng từ mỏ đá Tân Cang ra Quốc lộ 51. Hình thức đầu tư được đề xuất là các doanh nghiệp khai thác đá tại mỏ Tân Cang bỏ tiền đầu tư.

Tuy nhiên, đến năm 2010, khi xã Phước Tân sáp nhập vào thành phố Biên Hòa, việc đầu tư tuyến đường chuyên dùng từ hình thức góp vốn chuyển sang hình thức BOT. Năm 2013, tỉnh Đồng Nai đã giao cho Hợp tác xã An Phát làm chủ đầu tư với tổng số tiền xây dựng là 130 tỷ đồng với thời gian thu phí hoàn vốn 12 năm 4 tháng.

Ngày 15/9/2017, đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng mỏ đá Tân Cang khánh thành giai đoạn 1 và buộc xe tải từ mỏ đá phải lưu thông vào đường chuyên dùng. Tuy nhiên, sau ngày thông xe, có 5 doanh nghiệp khai thác đá tại mỏ Tân Cang lại chưa được đấu nối từ mỏ vào đường chuyên dùng, dẫn đến không có đường ra.

Trong khi đó, theo chủ trương của UBND tỉnh Đồng Nai sau khi thông xe tuyến đường chuyên dùng, xe tải phải đi vào tuyến này và không được đi vào đường dân sinh Đinh Quang Ân như từ trước đến nay vẫn đi.

Do không có đường ra, xe tải của 5 doanh nghiệp trong mỏ đá Tân Cang cho xe lưu thông vào đường Đinh Quang Ân, dẫn đến việc người dân bức xúc và kéo ra chặn đường không cho xe lưu thông vì cho rằng gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Khoảng 10 ngày nay, người dân vẫn lập chốt để chặn xe. Trước tình hình trên, các doanh nghiệp khai thác đá do không có đường vận chuyển nên phải ngưng hoạt động.

Ông Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Liên hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai cho biết, việc ngừng vận chuyển vật liệu từ mỏ đá Tân Cang làm ảnh hưởng đến khoảng 1.000 lao động của hợp tác xã. Không những chỉ lái xe và bộ phận khai thác mỏ phải ngừng việc mà hàng loạt các bộ phận khác tại công trình san lấp mặt bằng và nhân viên điều hành phải ngừng việc.

Hàng loạt xe tải chở đá "nằm bất động" trên đường Đinh Quang Ân. Ảnh: Công Phong/TTXVN

Đại diện một số doanh nghiệp khai thác đá tại mỏ Tân Cang cho biết, do giai đoạn 1 của đường chuyên dùng mới chỉ làm xong từ đoạn Quốc lộ 51 vào mỏ, trong khi các tuyến nhánh đấu nối vẫn chưa thực hiện, vì vậy những điểm khai thác phía trong không có đường ra. Trong khi đó, Phòng đô thị TP. Biên Hòa lại cắm biển cấm xe trên 2,5 tấn lưu thông qua đường Đinh Quang Ân dẫn đến các doanh nghiệp khai thác đá phải ngừng hoạt động, gây thiệt hại do đã ký kết các hợp đồng vận chuyển trước đó, mặt khác hàng ngàn lao động bị mất việc làm.

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp khai thác đá tại mỏ Tân Cang mới đây, ông Từ Nam Thành, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cho biết, đường chuyên dùng chuyên chở vật liệu xây dựng được đầu tư theo chủ trương của tỉnh Đồng Nai. Đường chỉ phục vụ mục đích chuyên chở vật liệu xây dựng, không sử dụng cho mục đích dân sinh.

Theo ông Thành, Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng chia sẻ vơi những khó khăn trên của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế có một số doanh nghiệp không đồng ý để các mỏ đá bên trong đi qua đất của doanh nghiệp rồi đấu nối với đường chuyên dùng. Vấn đề này, sắp tới Sở Giao thông Vận tải sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai cùng các sở ngành liên quan tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Thành cũng đề nghị các doanh nghiệp điều động xe lưu thông vào đường chuyên dùng để Sở Giao thông Vận tải làm cơ sở đánh giá về lưu lượng và khả năng đáp ứng của tuyến đường này. “Nếu lưu lượng xe lớn, đường chuyên dùng không đáp ứng được thì chúng tôi cũng sẽ có phương án thứ hai là thương lượng với dân để người dân chia sẻ cùng doanh nghiệp”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp khai thác đá lại cho rằng, đáng lẽ việc đánh giá mật độ lưu thông và khả năng đáp ứng vận tải của tuyến đường phải được làm trước khi khởi công xây dựng dự án chứ không phải bây giờ. Ngoài ra, việc áp dụng hình thức thu phí theo lượt, không bán vé tháng và thời gian thu phí là 12 năm 4 tháng 28 ngày là không phù hợp.

Doanh nghiệp cho rằng, với số tiền đầu tư 130 tỷ đồng, mức thu phí trung bình 120.000 đồng/lượt, với lưu lượng xe lưu thông mỗi ngày lớn như hiện nay thì khoảng sau hơn 1 năm là có thể hoàn vốn.

Tại buổi làm việc, ông Từ Nam Thành cũng cho rằng thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân rõ việc chặn xe trên đường là sai và đề nghị người dân ngừng việc làm này và hợp tác với cơ quan chức năng.

Ông Thành cho biết, tất cả những kiến nghị của doanh nghiệp khai thác đá tại mỏ Tân Cang đều được Sở Giao thông Vận tải ghi nhận và sẽ báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai để tìm phương án giải quyết, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và nhà nước.

Khu vực mỏ đá Tân Cang có diện tích hơn 400 ha, với trữ lượng hơn 160 triệu m3 đá, hiện hiện nay có 10 doanh nghiệp đang khai thác.

Sỹ Tuyên (TTXVN)
Bức xúc xe ô tô vượt ẩu, người dân chắn đường vào mỏ đá
Bức xúc xe ô tô vượt ẩu, người dân chắn đường vào mỏ đá

Khoảng 7 giờ ngày 20/8, người dân ấp Hương Phước, xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã lập rào chắn trên đường Đinh Quang Ân, ngăn không cho xe chở đá ra vào mỏ đá Tân Cang (nằm trên địa bàn xã Phước Tân). Sự việc khiến hàng trăm xe tải nối đuôi, xếp hàng dài, giao thông ách tắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN