Giao vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai cho ngư dân quản lý

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập 86 chi hội nghề cá, thu hút trên 7.000 hội viên tham gia; trong đó, có 50 chi hội nghề cá hoạt động trên lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Đến nay, có 47 chi hội nghề cá được trao quyền khai thác thủy sản với diện tích hơn 17.000 ha, chiếm gần 73% diện tích mặt nước đầm phá; 3 chi hội nghề cá biển được giao quyền quản lý mặt nước vùng biển gần bờ. Hoạt động sinh kế của hội viên gắn liền với hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và vùng bờ ven biển.

Nổi bật, sau khi được giao quyền quản lý mặt nước, toàn tỉnh đã thành lập được 23 khu bảo vệ thủy sản với tổng diện tích là hơn 614 ha chiếm 2,79% diện tích đầm phá; trong đó, có 18 khu bảo vệ thủy sản đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện các trụ mốc ranh giới.

Khu bảo vệ thủy sản Ghềnh Lăng, phường Lộc Bình, huyện Phú Lộc thuộc vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Đây là kết quả của sự nỗ lực phối hợp của chính quyền, ban ngành địa phương và cộng đồng ngư dân, với vai trò hết sức quan trọng của hội nghề cá. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, hoạt động xây dựng các khu bảo vệ thủy sản đã góp phần gìn giữ các loài thủy sản trên hệ đầm phá có nguy cơ cạn kiệt, bảo vệ các hệ sinh thái và phục hồi các hệ sinh thái đã và đang dần biến mất trước nguy cơ biến đổi khí hậu.

Các khu bảo vệ thủy sản hình thành giao cho cộng đồng bảo vệ quản lý trên cơ sở từ sự quan tâm lớn của tỉnh, sự tài trợ kinh phí của các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước thông qua Hội Nghề cá tỉnh. Những khu bảo vệ ra đời trong thời gian ngắn đã mang lại hiệu quả, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, khoanh vùng bảo vệ thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân.

Tại Khu bảo vệ thuỷ sản Cồn Cát thuộc xã Điền Hải, huyện Phong Điền trước khi thành lập, nguồn lợi thủy sản đã cạn kiệt do lối đánh bắt tự nhiên. Trong vài năm trở lại đây, 66 hộ ngư dân thôn 8, xã Điền Hải đã chấp hành nghiêm túc những quy định về đánh bắt thủy sản trên phá Tam Giang.

Chi hội nghề cá Điền Hải được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thuỷ sản Thừa Thiên - Huế hướng dẫn về phương pháp bảo vệ, bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, trong đó có thả một lượng lớn cá dìa giống vào môi trường tự nhiên.

Việc bảo vệ nghiêm ngặt khu bảo vệ thuỷ sản tạo điều kiện các loại thảm thực vật, rong, cỏ… phát triển tốt, đây chính là nguồn thức ăn và là nơi trú ẩn của cá dìa. Kết quả sau mỗi vụ thu hoạch, cộng đồng ngư dân địa phương quanh khu bảo vệ thủy sản Cồn Cát đã thu lợi được vài trăm triệu đồng.

Ngư dân xã Điền Hải còn đứng ra thành lập đội tự quản để bảo vệ bình yên và môi trường cho phá Tam Giang, xử lý nhiều trường hợp thuyền khai thác hủy diệt thuỷ sản từ nơi khác đến hoạt động trên phá Tam Giang.

Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Lương Hiền cho biết, việc giao diện tích mặt nước vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai cho ngư dân quản lý, khai thác đã góp phần phát huy tối đa vai trò của cộng đồng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và sinh kế của ngư dân vùng đầm phá.

Thời gian tới, Hội nghề cá tiếp tục tỉnh tiếp tục phát huy là tổ chức xã hội nghề nghiệp, đóng vai trò nòng cốt trong việc tập hợp những người làm nghề cá và chủ thể bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành địa phương với chi hội nghề cá, ngư dân trong việc quản lý và huy động các nguồn lực xã hội phục vụ quản lý đầm phá.

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên - Huế có diện tích hơn 22.000 ha, lớn nhất Đông Nam Á, với hệ sinh thái đặc trưng, đa dạng các loài động, thực vật. Trong vùng hiện có hơn 300.000 người dân, chiếm 30% dân số tỉnh Thừa Thiên - Huế sinh sống và làm nghề đánh bắt thủy sản.

Tuy nhiên, lâu nay do đánh bắt theo lối tự nhiên là nguyên nhân chính làm suy thoái các nguồn tài nguyên, đe dọa tính đa dạng sinh học, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản trên đầm phá.

Đặc biệt, các ngư cụ khai thác theo lối hủy diệt vẫn được nhiều hộ ngư dân sử dụng; cộng thêm hoạt động nuôi trồng thủy sản ồ ạt và tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đã làm cho nhiều hệ sinh thái dưới nước cũng như các loài trên cạn quý hiếm đang có nguy cơ bị dần biến mất.

Gần đây, nguồn lợi thủy sản ngày càng càng kiệt, số lượng, chủng loại tôm cá các loài trên đầm phá giảm đáng kể, gây ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân có sinh kế gắn liền với hoạt động đánh bắt và khai thác nguồn lợi thủy sản trên đầm phá...

Quốc Việt (TTXVN)
Bảo vệ môi trường phá Tam Giang
Bảo vệ môi trường phá Tam Giang

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là một đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, có vai trò rất quan trọng. Ngoài vẻ đẹp của một cảnh quan tự nhiên, phá Tam Giang có những chức năng quan trọng về môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN