Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng toán học Fields

Vào lúc 12 giờ 55 phút (giờ Hà Nội) ngày 19/8, tại Đại hội quốc tế các nhà toán học năm 2010 (ICM 2010), GS Ngô Bảo Châu giành giải thưởng Fields- giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới. Việt Nam nay đã nằm trong nhóm 11 - 12 nước trên thế giới được nhận giải thưởng Fields…

Đường đến vinh quang


Tổng thống Ấn Độ Pratibha  Patil (trái) trao Giải thưởng Fields cho
Giáo sư Ngô Bảo Châu


Giới khoa học Việt Nam, những người thầy ở bậc phổ thông và bạn bè của gia đình Ngô Bảo Châu ở Viện Toán học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đều nhận định rằng, GS Ngô Bảo Châu đã đồng thời được hưởng thụ hai quá trình đào tạo song hành và hiệu quả: Nhà trường và gia đình.

Sinh ra tại Hà Nội, Ngô Bảo Châu là người con duy nhất của GS TSKH Ngô Huy Cẩn (Viện Cơ học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và PGS TS Trần Lưu Vân Hiền (Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương). Ngô Bảo Châu là học sinh Việt Nam đầu tiên giành 2 Huy chương Vàng Olympic toán quốc tế năm 1988 (khi mới 16 tuổi) và 1989. Sau đó anh có 17 năm học tập và làm việc tại các trường nổi tiếng của Pháp như ĐH Paris 13, ĐH Paris 11, Viện Toán Max- Planck của Đức.

Theo GS TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Toán học, sau 15 năm gần như “ẩn dật”, dành toàn bộ thời gian miệt mài học tập và nghiên cứu toán học tại Pari, năm 2004, tên tuổi của Ngô Bảo Châu xuất hiện trở lại trên báo chí ngày càng dồn dập hơn, với những thành tích mỗi ngày một lớn hơn và bất ngờ hơn.

Năm 2004, Ngô Bảo Châu đã được trao Giải thưởng Toán học Clay danh giá cùng với GS G. Laumon. Năm 2006, anh được mời đọc báo cáo tiểu ban tại Đại hội toán học thế giới tại Mađrit (Tây Ban Nha). Anh là người Việt Nam thứ ba có vinh dự này. Trước anh là hai GS người Việt Nam ở nước ngoài, GS F. Phạm và GS Dương Hồng Phong.

Sau khi chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của Chương trình Langlands, anh được trao Giải thưởng Oberwolfach của Đức, Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (năm 2007). Công trình của anh đã được tạp chí đại chúng có uy tín Time (Mỹ) bình chọn là "một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009". Tháng 6/2010, công trình của anh mang tên “Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie” (Bổ đề cơ bản cho đại số Lie) dày 169 trang đã được chính thức công bố trong tạp chí Publications Mathématiques de L'IHÉS do Nhà xuất bản Springer phát hành.

Quá trình nuôi dưỡng Ngô Bảo Châu là quá trình diễn ra trong nhà trường, trên bục giảng, như với bất cứ một học sinh nào khác. Tuy nhiên, sự định hướng, hỗ trợ vô cùng đúng đắn, tận tâm của gia đình cùng với quá trình dạy dỗ của nhà trường đã khiến Ngô Bảo Châu trở thành khác biệt. Một người bạn của gia đình GS Ngô Huy Cẩn (bố của Ngô Bảo Châu), đồng thời cũng là người thầy của Ngô Bảo Châu kể lại rằng: “Chính anh Cẩn luôn lo lắng về việc tìm thầy cho con và luôn trao đổi về phương pháp dạy với thầy giáo. Bản thân anh Cẩn cũng là một nhà khoa học nên anh đã biết nuôi dưỡng những ước mơ cho con mình. Chính anh đã tạo cho Châu một khát vọng và động lực mãnh liệt vươn tới nhưng không hề gây áp lực cho con”.

Sự quan tâm của gia đình đã khiến chính những người thầy dạy cấp II- là những cán bộ khoa học trẻ cùng công tác tại Viện cơ với GS Ngô Huy Cẩn- luôn nhiệt thành. Những cái tên được nhắc tới như Phạm Ngọc Hùng (mới làm nghiên cứu sinh ở Nga về), Lê Tuấn Hoa (mới tốt nghiệp ngành tổng hợp toán ở Nga về- hiện là Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam) tiếp đó là Vũ Đình Hòa. Những người thầy này đều giữ những trọng trách trong ngành khoa học cơ bản toán học ở Việt Nam. Những người thầy ngày ấy của Ngô Bảo Châu kể lại rằng, bố mẹ Ngô Bảo Châu luôn áy náy và lo lắng không biết trả ơn những người thầy trẻ này bằng cách nào thì chúng tôi đùa lại rằng: “Đi dạy cho em có một bữa cơm ngon và no là quý lắm rồi!”.

Mẹ của Ngô Bảo Châu cũng luôn là người bên anh, theo sát từng bước đi của anh. Nhiều phóng viên Việt Nam khi tiếp xúc đều ngỡ bà là một nhà toán học. Bà nói rõ từ chương trình Langlands đến bổ đề cơ bản, kể cả bổ đề Jacquett, bà kể chuyện ăn cơm và đi nghỉ với gia đình Laumon, nói chuyện về giải thưởng của Lafforgue... như nằm lòng vậy!
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN