Giải tỏa khách đi các tuyến miền Tây và miền Đông Nam Bộ

Sáng 22/2 (mồng 4 Tết), tại Bến xe khách Cà Mau có rất đông hành khách mua vé đi các tuyến miền Tây và miền Đông Nam Bộ.


Các bến xe đều trong tình trạng quá tải ngày Tết. Ảnh:laodong.


Lượng hành khách tăng đột biến so với ngày thường, nhiều hành khách không tìm được ghế ngồi chờ đến lượt xe khởi hành nên phải chen chân tìm chỗ đứng với hành lý vứt ngổn ngang dưới nền nhà chờ của bến xe. Ngoài hành khách là cán bộ, học sinh, sinh viên, công nhân trở lại cơ quan, trường học, công ty học tập, làm việc sau thời gian nghỉ Tết, còn cả người già và phụ nữ bế theo con nhỏ trông mệt mỏi vì phải ra bến từ sáng sớm để mua vé kịp trở về quê.


Ông Phạm Văn Hồng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, cho biết:  Ông đặt mua vé xe Tuấn Hưng chạy tuyến Cà Mau-TP Hồ Chí Minh từ ngày 29 Tết. Sợ không mua được vé đưa con dâu và cháu nhỏ về quê ở Vĩnh Long, cho nên từ sáng sớm ông đã ra bến mua vé. Mồng bốn Tết, giá cước từ Cà Mau đi TP Hồ Chí Minh là 280.000đồng/vé, hành khách đặt mua vé từ 29 Tết trở về trước giá cước giảm 15.000đồng/vé.


Một số người dân mua vé tuyến Cà Mau đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ cho rằng giá cước quá đắt đỏ. Bà Lê Kim Pha, xã Lý Văn Lâm. thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau bức xúc nói: "Xăng dầu liên tục giảm nhưng giá cước trong dịp Tết lại quá cao. Ngày thường tôi mua vé của doanh nghiệp xe Hòa Hiệp chạy tuyến Cà Mau- Thủ Đức chỉ 180.000đồng/vé, nhưng trong ngày mồng bốn Tết giá cước tăng lên đến 384.000đồng/vé".


Theo ghi nhận của phóng viên trong buổi sáng, một số doanh nghiệp hành nghề vận tải hành khách tuyến cố định chở hành khách sai tuyến đăng ký hoặc hành khách ngồi trên xe không có vé. Nhân viên bến xe và thanh tra giao thông cũng đã kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng lộn xộn này. Điều đáng mừng, hành khách không còn phải mua vé chợ đen, hành khách nào cũng mua được vé đúng theo giá cước niêm yết.

Từ 1 giờ sáng đến 10 giờ trưa ngày 22/2, tại Bến xe Cà Mau đã điều động 130 xe tham gia giải tỏa gần 5.500 hành khách đi các tuyến miền Tây và miền Đông Nam Bộ. Hai doanh nghiệp chạy tuyến cố định Cà Mau- TP Hồ Chí Minh là Tuấn Hưng và Phương Trang có số lượng xe tham gia giải tỏa hành khách đông nhất tại Cà Mau.


Dự kiến đến chiều và tối mồng bốn Tết, lượng hành khách sẽ tăng cao hơn. Ông Phạm Văn Phương, Trưởng Bến xe khách Cà Mau nhận định: Tết năm nào cũng vậy, bắt đầu từ mồng 4 Tết kéo dài cho đến mồng 10 Âm lịch là thời điểm nhân viên bến xe phải túc trực suốt ngày đêm để kịp thời điều hành giải tỏa ứ đọng hành khách.


Trong những ngày tới, nếu số lượng hành khách tăng lên 13.000-14.000 người/ngày thì dễ xảy ra tình trạng ứ đọng hành khách tại bến. Ban điều hành bến xe đã chủ động phương án, điều động hết số lượng xe dự phòng để tham gia giải tỏa ứ đọng hành khách. Hiện Bến xe Cà Mau đã dự phòng 15 xe từ 46 chỗ ngồi trở lên và hàng chục xe buýt để tham gia giải tỏa ứ đọng hành khách đi các tuyến miền Tây và miền Đông Nam Bộ.

Kim Há

Nhộn nhạo 'cò' tại bến xe khách Hà Nội
Nhộn nhạo 'cò' tại bến xe khách Hà Nội

Tại bến Xe khách Phía Nam, hầu hết các xe vào bến đều trong tình trạng nhồi nhét khách, thậm chí gần gấp đôi quy định, trong khi giá vé đều tăng gấp rưỡi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN