Giải quyết vướng mắc trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Ngày 19/10, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị "Giải quyết vướng mắc trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế".

Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ trì đối thoại chính sách Bảo hiểm Y tế với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tập trung vào 3 vấn đề chính là tiền khám bệnh; tiền các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán hình ảnh, nội soi tai mũi họng; tiền giường bệnh. Nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trên là do các đơn vị chưa thực hiện nghiêm qui định về nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Cụ thể là số người điều trị nội trú tăng nhanh trong khi cơ sở hạ tầng, nhân lực tăng chưa tương xứng; tỷ lệ chỉ định xét nghiệm, dịch vụ chẩn đoán hình ảnh cao; tỷ lệ chỉ định người bệnh điều trị nội trú cao...; cách tính, cách hiểu giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám chữa bệnh chưa thống nhất. Đồng thời, nhiều yếu tố tác động làm tăng chi Quỹ Bảo hiểm y tế như: Tính tiền lương vào giá làm tăng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; thông tuyến và quyền lợi tăng (tỷ lệ đồng chi trả giảm ở một số đối tượng) trong khi mức đóng bảo hiểm y tế chưa điều chỉnh (vẫn ở mức 4,5%  lương từ năm 2009 đến nay)...

Ông Nguyễn Nam Liên nhấn mạnh: Giải pháp giải quyết những vướng mắc nêu trên phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa quyền lợi của người bệnh theo qui định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Bệnh viện có kinh phí để thực hiện các dịch vụ cho người bệnh và có khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế, đặc biệt là trong giai đoạn chưa được điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế. Cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám chữa bệnh cần thống nhất để giải quyết, thanh toán dứt điểm các khoản còn treo, chưa thống nhất quyết toán và thanh toán để bệnh viện cân đối tài chính thực hiện tự chủ. Các vướng mắc từ khi cơ sở khám chữa bệnh thực hiện giá có tiền lương đến thời điểm 30/9/2017 sau khi thống nhất sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán...

Theo báo cáo của Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 9 tháng năm 2017 là trên 71.325 tỷ đồng; đã có 122,9 triệu lượt khám chữa bệnh, trong đó ngoại trú là 111,69 triệu lượt và nội trú là 11,22 triệu lượt. Tình hình sử dụng quỹ năm 2017 cho thấy: 35 tỉnh vượt trên 100%, 13 tỉnh chi trên 90%, 8 tỉnh chi trên 80%.

Cụ thể một số vướng mắc trong thực hiện khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế là: Gia tăng lượt khám bệnh, tách nhỏ các đợt điều trị; chỉ định vào nội trú bất thường, kéo dài ngày nằm viện, tính cả ngày giường khi bệnh nhân đã ra viện; mua sắm, sử dụng thuốc, vật tư y tế chưa hợp lý; chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết, thanh toán sai qui định.

Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đề xuất: Thời gian tới cần tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và bảo hiểm xã hội; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm y tế và tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh. Mặt khác, hai bên cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát công tác khám chữa bệnh; mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư y tế tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế...

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Ngành y tế và bảo hiểm xã hội đã cơ bản giải quyết những tồn đọng mà bảo hiểm y tế chưa thanh toán cho các cơ sở khám chữa bệnh. Bộ Y tế đã đưa ra các giải pháp về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức điều hành, kỹ thuật; đột phá về công nghệ thông tin để tiến tới triển khai bệnh án điện tử.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tích cực phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tiếp tục giải quyết các vướng mắc trong thanh toán, quản lý quỹ bảo hiểm, xử lý các khó khăn vướng mắc hiện nay. Bộ Y tế cũng sẽ điều chỉnh Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc để giảm giá dịch vụ y tế cho phù hợp hơn với thực tiễn; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm về lạm dụng kỹ thuật, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế…

Thu Phương (TTXVN)
Tự đi khám trái tuyến, mức hưởng bảo hiểm y tế là bao nhiêu?
Tự đi khám trái tuyến, mức hưởng bảo hiểm y tế là bao nhiêu?

Bạn đọc hỏi: Tôi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình, đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu ở quê. Tôi lên lao động làm việc tại Hà Nội. Nay ốm đau khám luôn tại bệnh viện ở Hà Nội có được thanh toán BHYT không? Mức hưởng thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN