Giải quyết căn bản, trọn vẹn hồ sơ người có công tồn đọng tại các địa phương

Ngày 17/2, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/2/1947- 27/2/2017) và công tác giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng tại địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước còn khoảng 3.900 hồ sơ người có công chưa được giải quyết . Nguyên nhân tồn đọng là các hồ sơ đã hoàn thiện nhưng chưa giải quyết và hồ sơ vẫn thiếu một số giấy tờ cần xác minh để hoàn thiện.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Năm tỉnh là Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Long An, Đà Nẵng đã triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ của người có công còn tồn đọng với tổng số 739 hồ sơ. Theo kinh nghiệm từ các đơn vị làm điểm này cho thấy, dù giải quyết vấn đề hồ sơ tồn đọng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xác minh chứng từ gốc, tìm nhân chứng song nếu ngành lao động, thương binh và xã hội cùng các đơn vị liên quan quyết tâm vẫn có thể triển khai hiệu quả.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Bình Nguyễn Văn Bái cho biết, trước khi triển khai thí điểm, Thái Bình có 1.342 hồ sơ yêu cầu xác định chế độ người có công. Đến thời điểm này, Thái Bình chỉ còn 348 hồ sơ. Để giải quyết hồ sơ tồn đọng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo. Sau đó, Thái Bình tiến hành làm điểm tại 2 huyện là Quỳnh Phụ và Hưng Hà.

Trong quá trình xác minh hồ sơ, nếu còn nhân chứng, Ban chỉ đạo giải quyết hồ sơ người có công của tỉnh đôn đốc người thực thi triển khai nhanh chóng để tránh trường hợp nhân chứng mất hoặc không minh mẫn do tuổi càng ngày càng cao. Đối với các xác minh khác, những người làm công tác xác minh sẽ tìm các minh chứng liên quan từ lịch sử đảng bộ, từ nhân dân hoặc hồ sơ của những người có công khác. Khi đã xác minh đầy đủ, hồ sơ của người có công sẽ được đăng tải trên Đài Truyền hình Thái Bình, báo Thái Bình. Nếu không có ý kiến phản hồi, hồ sơ người có công đó chính thức được công nhận.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thăm, tặng quà gia đình mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Sâm tại phố Đà Nẵng (Hải Phòng). Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Hải Phòng là đơn vị duy nhất của cả nước cho đến thời điểm này không còn hồ sơ tồn đọng người có công liên quan đến các cựu thanh niên xung phong và nạn nhân chất độc da cam. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho hay, có kết quả này là do Hải Phòng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm bên cạnh các vấn đề phát triển kinh tế. Để giải quyết hồ sơ cho 4.000 người có công, thành phố đã chia làm 6 đợt rà soát. Sau khi rà soát, hồ sơ được niêm yết tại chính các địa phương đề nghị công nhận chế độ cho người có công để tránh trường hợp duyệt sót, lọt hoặc, nhầm hồ sơ.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung yêu cầu ngành lao động, thương binh xã hội các cấp trong năm 2017, cần tập trung và giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến hồ sơ tồn đọng.

Đồng thời, kiên quyết, dứt điểm nhưng không qua loa, hời hợt, tránh trường hợp tiêu cực. Đối với 34 tỉnh, thành phố chỉ còn dưới 50 hồ sơ, ngành lao động và các ban, ngành liên quan cần giải quyết trọn vẹn, triệt để. Các tỉnh, thành phố còn trên 50 hồ sơ phấn đấu giải quyết căn bản. Khi triển khai phải thí điểm tại 2 - 3 huyện và cần lắng nghe tiếng nói của nhân dân, của báo chí trong quá trình thực hiện.


Trong quá trình giải quyết, cần nhận thức rõ hồ sơ tồn đọng có 2 loại gồm: hồ sơ được thiết lập nhưng do thay đổi chính sách nhưng chưa cập nhật, triển khai được ; hồ sơ được thiết lập nhưng thiếu giấy tờ. Trước mắt tập trung giải quyết hồ sơ đã được thống kê do ngành lao động, công an, quân đội quản lý .

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc giải quyết chính sách đối với người có công, nhiệm vụ trọng tâm của ngành lao động, thương binh và xã hội chính là hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ. Đây là dịp toàn đảng, toàn dân, toàn quân tôn vinh, tri ân anh hùng liệt sĩ, thương binh - những người cống hiến hy sinh xương máu bảo vệ cách mạng, bảo vệ hạnh phúc nhân dân.

Các cấp, ngành cần xây dựng kế hoạch chi tiết, sáng tạo, có nhiều hình thức hoạt động, phấn đấu mỗi người, mỗi ngành đều thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp chặt chẽ với bộ Công an, quân đội, báo chí trong thực hiện công tác này.
Minh Thu (TTXVN)
Tặng quà hộ nghèo, người có công và trẻ em khó khăn tỉnh Hà Nam
Tặng quà hộ nghèo, người có công và trẻ em khó khăn tỉnh Hà Nam

Chiều 15/2, đoàn công tác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã về thăm, tặng 200 suất quà cho hộ nghèo, gia đình người có công và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi tại xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam nhân dịp đầu xuân 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN