Giá cước vận tải “nhấp nhổm” tăng

Sau lần thứ 3 giá xăng tăng kể từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp vận tải đang “nhấp nhổm” tăng giá cước.

Cạnh tranh giá cước

Theo thông lệ, giá xăng, dầu tăng sẽ tạo sức ép trực tiếp lên các doanh nghiệp vận tải. Nhiều doanh nghiệp như: Taxi Group, Sun Taxi Ba Sao... mặc dù chưa có quyết định tăng giá cước, nhưng cũng đã có kế hoạch tăng giá. Lái xe Lê Ðức Tuấn của doanh nghiệp Taxi Morning cho biết: “Được biết, công ty đã gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước xin tăng giá cước. Tuy nhiên, các hãng vẫn đang “chờ” nhau để cùng tăng giá cước, để đảm bảo cạnh tranh. Giá xăng, dầu tăng, kéo theo việc tăng giá cước là điều tất yếu, nhưng nếu tăng giá không hợp lý, dễ mất khách hàng”.

Giá dầu tăng thêm 500 đồng/lít chưa tác động mạnh đến các doanh nghiệp vận tải hàng hóa.


Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Ðỗ Quốc Bình cho hay: Cuối năm 2014, do giá xăng dầu giảm, nên giá cước vận tải giảm 12 - 15%. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu đã tăng tới 4.700 đồng/lít, khiến các doanh nghiệp hoạt động khó khăn. Ðể bảo đảm lợi nhuận, các doanh nghiệp vận tải sẽ tính toán, cân đối lại phương án kinh doanh, trong đó giá cước vận chuyển sẽ tăng tương ứng mức tăng giá xăng, dầu.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh khẳng định: Với giá xăng tăng gần 30% trong thời gian ngắn như vậy, giá cước taxi sẽ tăng khoảng 8 - 10%, thậm chí cao hơn. Việc điều chỉnh tăng, giảm giá cước là quyền của doanh nghiệp, chỉ cần kê khai và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Hiện tại, xe khách liên tỉnh và xe tải chưa có kế hoạch tăng giá cước vận chuyển vì giá dầu tăng ít, không gây ảnh hưởng và tạo sức ép về giá lớn như taxi.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết thêm: Xăng dầu chiếm tới 45 - 50% trong chi phí hoạt động của doanh nghiệp vận tải. Các doanh nghiệp taxi sẽ là những đơn vị chịu tác động mạnh nhất và dự kiến, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc mức tăng giá cước taxi ở mức từ 4 - 5%, tương ứng 500 - 1.000 đồng/km. Hiện nay, các doanh nghiệp cũng đang tính toán cụ thể để điều chỉnh, vì các vấn đề liên quan đến thủ tục kê khai giá, thay đổi bảng giá, đồng hồ tính tiền sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ phải mất khoảng từ 10 - 15 ngày để thực hiện các thủ tục và điều chỉnh đồng hồ tính cước.

Thị trường điều chỉnh

Qua tìm hiểu của phóng viên, một số doanh nghiệp taxi hoạt động tại Hà Nội đang tính toán để có thể đưa ra mức tăng giá phù hợp, vừa đảm bảo hoạt động doanh nghiệp, vừa có thể chia sẻ khó khăn với người dân. Hiện cước taxi của nhiều hãng ở mức 10.800 đồng/km trong 20 km đầu tiên và 8.800 đồng/km từ km thứ 21 trở đi. Dự kiến, mức cước tăng sẽ vào khoảng 500 đồng/km và sẽ tăng trong khoảng 10 ngày tới.

Tại TP Hồ Chí Minh, theo ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố, cho đến ngày 25/5 phía Hiệp hội chưa nhận được thông tin từ phía các doanh nghiệp tăng giá cước vận tải. “Nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa sử dụng nguyên liệu dầu, nhưng với mức tăng thêm 500 đồng/lít thì biên độ không lớn, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp”, ông Chung nói.

Đại diện một số doanh nghiệp vận tải, bến xe trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, chưa nghe thông tin tăng giá cước từ các nhà xe. Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông khẳng định: “Giá dầu, xăng tăng sẽ tác động, nhưng không ngay lập tức, vì các doanh nghiệp còn phải tính toán chi phí và lập hồ sơ trình Sở Tài chính nếu muốn tăng giá vé, cước. Nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có doanh nghiệp vận tải nào gửi văn bản yêu cầu tăng giá cước”.

Riêng các doanh nghiệp taxi lại khá “nhạy cảm” với các đợt tăng giá xăng vừa qua. Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh, do giá xăng tăng trong thời gian qua, nên các doanh nghiệp taxi buộc phải tăng giá, để bù lỗ. Đợt tăng giá xăng ngày 20/5 vừa qua, các doanh nghiệp chưa có động thái tăng giá cước, vì đợt tăng giá xăng vào ngày 5/5 trước đó, một số doanh nghiệp taxi đã áp mức tăng giá cước từ 500 - 1.000 đồng/km. Đại diện Hãng taxi Mai Linh cho biết vẫn đang áp dụng mức giá cũ tăng 500 đồng/km cho lần tăng giá xăng dầu ngày 5/5 và hiện vẫn chưa có kế hoạch tăng giá cước.

Nhiều người dân cho rằng, mỗi khi xăng tăng giá thì các hãng taxi đều có lý do để tăng giá cước tuy nhiên lại bất công với người tiêu dùng khi giá xăng giảm. Do vậy, việc hoạt động của vận tải hành khách là theo giá thị trường nhưng cần phải tính toán hợp lý. 

Anh Đức - Tiến Hiếu


Kiểm soát giá hợp lý sau khi xăng, điện tăng giá
Kiểm soát giá hợp lý sau khi xăng, điện tăng giá

Giá xăng đã liên tục tăng tổng cộng gần 3.200 đồng/lít trong tháng 5. Độ trễ ảnh hưởng từ việc điều chỉnh giá điện 7,5% từ ngày 16/3 đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2015 tăng với mức tăng 0,16% so với tháng trước; tăng 0,95% so cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN