Gần 3.000 hộ dân vùng bãi ngang Ninh Thuận 'khát' nước sạch

Bài toán tìm nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng bãi ngang xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) đã được UBND tỉnh Ninh Thuận tính đến và thực hiện, tuy nhiên, đã hơn 1 năm nay vẫn chưa được giải đáp cụ thể và không biết đến bao giờ người dân vùng bãi ngang này mới hết “khát”.

Hệ thống cấp nước Sơn Hải xây xong rồi "đắp chiếu". Ảnh: Công Thử/TTXVN

Chỉ cách trung tâm hành chính tỉnh khoảng 20 cây số, đường bằng, nhưng đã rất nhiều năm nay, gần 3.000 hộ dân, với hơn 11.200 nhân khẩu ở xã bãi ngang Phước Dinh, huyện Thuận Nam, vẫn phải sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. Tình trạng người dân mua nước để sinh hoạt hàng ngày vẫn tiếp diễn, trong khi Phước Dinh là vùng bãi ngang, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Bà Huỳnh Thị Mạnh ở thôn Sơn Hải 2, xã Phước Dinh, cho biết xưa nay người dân vùng bãi ngang Phước Dinh rất cần cù làm ăn, không lo thiếu đói, nhưng rất sợ “khát”. Trước giờ người dân chỉ dựa vào nguồn nước từ giếng khoan, mùa hạn nước biển xâm thực làm nước giếng mặn theo, không dùng để sinh hoạt được. Nhiều năm nay, người dân phải bỏ tiền ra để mua nước sinh hoạt, rất tốn kém.

Gia đình bà Huỳnh Thị Mạnh, ở thôn Sơn hải 2, xã Phước Dinh vẫn phải mua nước để sinh hoạt.

Bà Mạnh kể: Nước giếng khoan bây giờ chỉ dùng để tắm, giặt giũ, còn nước để nấu ăn, nước uống thì phải mua. Ở đây ngày nào cũng có xe chở nước đến để dân mua, nước nấu ăn bán với giá 20.000 đồng/can loại 100 lít, nước uống bình 20 lít mua với giá 10.000 đồng/bình. Ở nhà có 4 nhân khẩu, trung bình cứ 5 ngày phải tốn 30.000 đồng để mua nước sạch sinh hoạt, một tháng phải chi tới 180.000 đồng để mua nước. Nếu cứ đà này thì không biết chừng nào gia đình tôi, người dân thoát được cái nghèo?.

Để đưa nước sinh hoạt đến với người dân vùng bãi ngang Phước Dinh, đầu năm 2016, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư gần 99 tỷ đồng để xây dựng công trình hệ thống cấp nước Sơn Hải, công suất hơn 1.000 m3 nước/ngày đêm, phục vụ nước sinh hoạt và cho sản xuất tại địa phương.

Công trình do Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư, gồm các hạng mục như: Tuyến đường ống dẫn nước sạch được xây dựng từ tuyến đường ống cấp nước sạch của hệ thống nhà máy nước thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước về tới khu trạm bơm tăng áp với chiều dài hơn 4.197 m; khu trạm bơm tăng áp gồm nhà quản lý, nhà trạm bơm, bể chứa, hệ thống thoát nước, trạm hạ áp…

Cách đây nửa năm, hầu hết các hạng mục công trình của dự án đã hoàn thành, thậm chí hơn một tháng nay, đồng hồ nước cũng đã được ngành chức năng lắp đặt, đường ống dẫn nước được đấu nối tận nhà cho người dân, nhưng không hiểu sao vẫn không có nước cho người dân sử dụng?

Ông Võ Văn Tâm ở thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, bức xúc: "Dự án thi công đã hoàn thành khá lâu, mới đây ngành chức năng cũng rất nhiệt tình lắp đặt đồng hồ nước, đấu nối đường ống cho từng hộ dân, nhưng… để phơi nắng. Gia đình tôi đến giờ vẫn phải mua nước để uống, sử dụng nước giếng khoan không hợp vệ sinh, mặn để sinh hoạt".

Gia đình ông Võ Văn Tâm, ở thôn Sơn Hải 2, xã Phước Dinh, được lắp đồng hồ nước nhưng không có nước sinh hoạt.

Ông Võ Ngọc Minh, Phó Giám đốc Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngày 7/6/2017, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 2144, trong đó giao Công ty Cổ phần cấp nước Ninh Thuận quản lý, vận hành hệ thống cấp nước này; đồng thời giao Ban Xây dựng năng lực cùng với Sở Tài chính xây dựng phương án về xã hội hóa trong vận hành hệ thống cấp nước.

Hiện nay, Công ty Cổ phần cấp nước Ninh Thuận đang khẩn trương triển khai kế hoạch cấp nước cho hộ dân. Ban Xây dựng năng lực cũng sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Công ty Cổ phần cấp nước Ninh Thuận sớm đưa nước về phục vụ cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Do tác động của hạn hán, thời gian qua khoảng 90% hộ dân vùng bãi ngang phải đối mặt với cảnh thiếu nước sinh hoạt kéo dài. Hầu hết các giếng nước mà người dân khoan bơm sử dụng đều bị nhiễm mặn, không sử dụng được, phải bỏ tiền mua nước từ nơi khác chuyển về.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Dinh cho biết, vấn đề nước sạch sinh hoạt cử tri Phước Dinh rất bức xúc và nhiều lần kiến nghị. Chính quyền địa phương đề nghị UBND tỉnh, ngành chức năng sớm quan tâm đưa nước về cho người dân sinh hoạt, qua đó có cơ sở phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới.

Công Thử (TTXVN)
Cảnh báo sẽ khan nước sạch do nguy cơ mất nguồn sinh thủy
Cảnh báo sẽ khan nước sạch do nguy cơ mất nguồn sinh thủy

Đợt nắng nóng lịch sử 4 ngày vừa qua khiến một số địa phương ở Quảng Ninh bị thiếu nước cục bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN