Dự báo thiên tai khiến dân "trở tay không kịp"

Từ tháng 9 đến tháng 11 vừa qua, Quảng Trị liên tiếp phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ cơn bão số 4 và các đợt áp thấp nhiệt đới kèm theo mưa to lũ lớn, với 2 người chết, 13 người bị thương, tài sản thiệt hại hơn 200 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng huyện Cam Lộ cứu dân trong biển nước (ảnh chụp ngày 1/11). Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Hiện tình hình thời tiết đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nhưng công tác phòng, chống lụt bão trên địa bàn còn nhiều bất cập cần phải khắc phục.


Cụ thể là năng lực dự báo, cảnh báo còn nhiều hạn chế khiến cả chính quyền và người dân “trở tay không kịp” trước diễn biến đột ngột của thiên tai. Đặc biệt như trong trận lụt tại lưu vực sông Sa Lung, huyện Vĩnh Linh từ ngày 13 - 17/10; trận lụt tại huyện Cam Lộ vào ngày 30/10 - 3/11 vừa qua. Do số lượng trạm khí tượng thủy văn có mật độ quá thưa ở thượng nguồn lưu vực các sông suối, nên trước những diễn biến mưa với cường suất lớn, cục bộ thì công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng kịp thời.


Bên cạnh đó, phương châm “4 tại chỗ” ở một số địa phương vẫn thực hiện chưa được nghiêm túc, còn bị động. Nhất là phương tiện ứng cứu còn quá ít, thiếu các điểm tránh trú bão, ngập lụt chưa đáp ứng với số lượng dân sơ tán. 


Mặt khác, tính chủ động ứng phó trong từng hộ dân còn thấp, nhiều người còn chủ quan chưa hiểu rõ ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai. Một số chính quyền cấp cơ sở còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện các phương án ứng phó trong điều kiện lũ lên nhanh, lốc xoáy bất ngờ xảy ra…


Ông Lê Đa Sơn, Chi cục Trưởng Chi cục Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị cho biết: Để đảm bảo phát huy việc phòng, chống lụt bão hiệu quả, về lâu dài cần bổ sung hệ thống lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn đặc biệt tại các lưu vực sông, suối. 


Tỉnh hiện có 7 trạm khí tượng thủy văn, song hầu hết các trạm này được xây dựng ở hạ lưu, nên việc đo lượng mưa ở thượng nguồn các lưu vực rất khó khăn. Việc bố trí không hợp lý các trạm khiến việc đo lượng mưa cũng như dự báo tình hình thiên tai cục bộ tại địa phương hạn chế.


Do đó, cần đầu tư xây dựng thêm các trạm khí tượng thủy văn tại thượng lưu các con sông, suối lớn, từ đó nắm bắt kịp thời tình hình thời tiết cũng như đưa ra những dự báo cục bộ một cách chính xác để triển khai các phương án ứng phó kịp thời. 


Mặt khác, để đảm bảo trong công tác phòng chống lụt, bão, nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để người dân cũng như chính quyền các địa phương hiểu rõ tầm quan trọng thực hiện nghiêm túc các phương án, giải pháp triển khai có hiệu quả khi có thiên tai xảy ra.


Nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trước mắt, khắc phục hậu quả thiên tai khôi phục lại sản xuất, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có công văn đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí, gạo và giống cho người dân khôi phục sản xuất với tổng số tiền 115 tỷ đồng. 


Mặt khác, kiến nghị có chủ trương khoanh nợ vay của các tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp, hộ dân chịu thiệt hại do bão, lốc xoáy để khôi phục lại sản xuất.


Thanh Thủy (TTXVN)
Quảng Trị: Lũ về, dân không kịp trở tay, nhà chìm trong hàng mét nước
Quảng Trị: Lũ về, dân không kịp trở tay, nhà chìm trong hàng mét nước

Mưa lũ đã gây ngập lụt nhiều nhà dân, gây hư hại nhiều tài sản và ngập úng nhiều diện tích hoa màu; nhiều trường phải cho học sinh nghỉ học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN