Lào Cai:

Dự án của tổ chức UCODEP góp phần nâng cao chất lượng sống của đồng bào


Dự án Nâng cao khả năng tự chủ về dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam do UCODEP (Tổ chức đoàn kết và hợp tác vì sự phát triển con người của Italia) thực hiện tại 2 xã Mường Vi và Dền Thàng của huyện Bát Xát (Lào Cai) trong 3 năm qua, từ 2009 – 2011, đã giúp người dân thay đổi về nhận thức, nâng cao đời sống và góp phần phát triển kinh tế của nhân dân vùng dự án.

Dự án có  tổng nguồn vốn hơn 1,36 triệu Euro ( với sự đóng góp của Bộ ngoại giao Italia hơn 683.000 Euro, Hỗ trợ từ Oxpam Italia hơn 69.000 Euro…). Dự án nhằm cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; giảm tỷ lệ chết do các bệnh thường gặp thông qua việc tăng cường các nguồn lực tự nhiên và con người, kết hợp hệ thống phòng và chữa trị bệnh truyền thống với hiện đại. 

Dự án gồm 5 hợp phần, đó là mạng lưới y tế; cung cấp nước sạch và vệ sinh; giáo dục về sức khoẻ phụ nữ và trẻ em; quỹ tiết kiệm và tín dụng.

 Đối với mạng lưới dịch vụ y tế, đã tiến hành tuyển chọn tuyên truyền viên y tế tại thôn bản, tổ chức các khoá tập huấn về: đánh giá nhu cầu và lập kế hoạch; hệ thống cộng đồng quản lý dịch bệnh tại địa phương; hệ thống đánh giá và giám sát có người dân tham gia. Soạn tài liệu truyền thông, tổ chức họp tại từng thôn bản hai tháng một lần, điều tra ngẫu nhiên thực trạng một số gia đình, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu của dự án. Xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên y tế xã thôn với 18 tuyên truyền viên tại 2 xã. 

Các tuyên truyền viên đã tham gia trực tiếp vào các hoạt động lập kế hoạch, điều tra, truyền thông về vệ sinh, sức khỏe và dinh dưỡng tại cơ sở. Nâng cao kiến thức và sử dụng cây thuốc dân tộc để phòng và chữa các bệnh thông thường qua nghiên cứu, phân tích lựa chọn, sử dụng cây thuốc phù hợp tại địa phương. Tiến hành xây dựng các vườn thuốc nam tại 2 trạm y tế xã, các hộ có kinh nghiệm, xác định được 130 loài thuốc tại 2 xã, trong đó có nhiều loài đang được một số dân tộc Mông, Giáy, Dao... sử dụng. Tổ chức tập huấn nâng cao cho cán bộ xã, y tế thôn bản về sức khoẻ bà mẹ và trẻ em: phòng và chữa các bệnh phụ khoa, thiếu máu cho phụ nữ khi mang thai, sức khoẻ sinh sản; phòng và chống thiếu Vitamin A, sắt, chống giun sán đường ruột, cải thiện dinh dưỡng từ tận dụng các nguồn lực sẵn có tại địa phương. Thành lập các quỹ tín dụng và tiết kiệm nhằm đảm bảo tính bền vững, đồng bộ và tiết kiệm nguồn lực. 

Đối với hợp phần nước sạch và các công trình vệ sinh ở thôn bản: Ngay sau khi triển khai dự án đã tiến hành xây dựng và sửa chữa 14 công trình vệ sinh và nước sạch công cộng. Thông qua dự án này ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt, người dân đã biết ăn ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh. Tập tục thả rông gia súc cũng đã được thay đổi hoàn toàn, dự án tập trung xây dựng được 145 công trình chuồng gia súc và xây dựng hơn 100 nhà vệ sinh. 

Anh Vừa A Mán, xã Dền Thàng, huyện Bát Xát cho biết: “Trước khi có dự án của tổ chức UCODEP, hầu như các hộ gia đình ở thôn bản thường thả rông gia súc, vệ sinh cá nhân bừa bãi... nên các loại bệnh tật xuất hiện khắp nơi, nhất là thời gian chuyển mùa. Nhưng giờ chúng tôi được tuyên truyền và hướng dẫn cách ăn ở hợp vệ sinh và cho kinh phí làm nhà vệ sinh. Nhà nào cũng có nhà tắm, nhà vệ sinh, chuồng trại cho gia súc... từ già đến trẻ đều đã có ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho thôn bản”.

Đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Bát Xát đang được hưởng lợi từ Dự án của tổ chức UCODEP, dần xóa bỏ những tập tục cổ hủ, tiếp nhận những kiến thức mới và thực hiện đúng hướng dẫn của chương trình, bước đầu đã thay đổi bộ mặt nhận thức về dân trí, phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đặc trưng của vùng cao.

Bùi Thanh Hải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN