Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng kế hoạch thích nghi với biến đổi khí hậu

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, về việc xây dựng kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực này, đã có nhiều giải pháp được đề xuất, cả những giải pháp cứng và những giải pháp mềm; tuy nhiên, biến đổi khí hậu còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Một đoạn đê bị sóng đánh vỡ tại xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Ngày 21/7, tại thành phố Cần Thơ, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Hội thảo Xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và ngập lụt, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, để xây dựng kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực này, đã có nhiều giải pháp được đề xuất, cả những giải pháp cứng và những giải pháp mềm; tuy nhiên, tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, cần có những nghiên cứu căn cơ, xây dựng được những bản đồ cụ thể.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Cục Trồng trọt mong muốn xây dựng một bản đồ cơ cấu cây trồng cho Đồng bằng sông Cửu Long. 

Tuy nhiên, nếu chỉ có một bản đồ cứng là rất khó vì còn phụ thuộc vào thời vụ, do vậy cần có một bản đồ thứ hai là bản đồ bố trí thời vụ, xây dựng kế hoạch thời vụ với 3 yếu tố chính là nguồn nước; biến đổi khí hậu và dịch bệnh; năng lực đầu tư, tổ chức sản xuất, sử dụng cơ sở hạ tầng, logistics, thị trường.

Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Hồng Sơn, những bản đồ này không thể xây dựng chi tiết cho từng tiểu vùng nhỏ được mà chỉ định hình cho những tiểu vùng lớn, chịu tác động lớn của nguồn nước và biến đổi khí hậu như: vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, vùng ven biển và bán đảo Cà Mau, vùng phù sa ngọt.

Tiến sĩ Bùi Tân Yên, Chương trình Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và An ninh lương thực khu vực Đông Nam Á cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn, mặn và ngập lụt. 

Có nhiều kết quả nghiên cứu về nguy cơ thiên tai cho vùng nhưng chưa được khai thác thích hợp. Bên cạnh đó, cũng đã có cảnh báo thiên tai sớm nhưng thiếu hướng dẫn ứng phó cụ thể.

Mặt khác, theo Tiến sĩ Yên, do điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất và cơ sở hạ tầng của các địa phương khác nhau nên cần áp dụng các biện pháp thích ứng khác nhau. Cùng với đó vẫn còn tồn tại một số khó khăn như kiến thức thực tế của cán bộ địa phương chưa được sử dụng tối ưu; thiếu sự phối hợp liên tỉnh trong ứng phó và xây dựng kế hoạch thích ứng dài hạn…

Do vậy, cần xây dựng bản đồ nguy cơ thiên tai và biện pháp thích ứng bằng kiến thức bản địa. Có nhiều cách hiểu về nguy cơ khác nhau tùy theo kiến thức và chuyên ngành của cán bộ địa phương (theo cường độ, thời gian, thiệt hại, đối tượng cây trồng,…).

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Để làm được điều này, Tiến sĩ Bùi Tân Yên cho rằng nên kết hợp nhiều yếu tố trong đánh giá nguy cơ, cần phối hợp đa ngành (thủy lợi, trồng trọt, khí tượng thủy văn), đơn giản hóa các mức nguy cơ theo khả năng thiệt hại đối với lúa, gồm 4 mức: Nguy cơ cao: giảm năng suất trên 70%; nguy cơ trung bình: giảm năng suất 30-70%; nguy cơ thấp: giảm năng suất dưới 30%; không bị ảnh hưởng: vùng an toàn hoặc cơ cấu, mùa vụ an toàn. Sử dụng 2 kịch bản: năm bình thường và năm cực đoan.

Ông Lương Quang Xô, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết, Viện đang phối hợp với Cục Trồng trọt xây dựng bản đồ rủi ro, phòng chống thiên tai, trên cơ sở đó các địa phương bố trí lại lịch thời vụ xuống giống vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu để giảm chi phí, tránh rủi ro.

Để thích ứng với biến đổi khí hậu thì cần có các giải pháp khác nhau; trong đó, giải pháp trữ nước mưa trong hệ thống kênh rạch, trong đồng ruộng để phục vụ cho mùa khô cần được quan tâm. Ngoài ra, một số giải pháp khác như chuyển sang các loại cây trồng sử dụng ít nước, tập trung vào biện pháp phi công trình, vận hành hệ thống công trình hiện có để tích nước cho đồng ruộng...

“Cần tăng cường truyền thông ở Đồng bằng sông Cửu Long để nông dân biết được rằng hạn hán sẽ xảy ra và thường xuyên xảy ra, tránh trường hợp có một số năm thuận lợi dẫn đến chủ quan sẽ ảnh hưởng rất lớn”, ông nhấn mạnh.

Một điểm sạt lở nghiêm trọng tại xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với 6 nguy cơ gồm: biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển thủy điện trên sông Mekong; gia tăng dân số và di dân; lạm dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên; thay đổi sử dụng đất; ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.

Nông dân gặp nhiều hiểm họa và khó khăn cùng lúc, họ cần một gói giải pháp để thích nghi theo từng điều kiện cụ thể mà hiện tại vẫn còn thiếu một gói chính sách có liên quan đến cải thiện thích nghi sản xuất lúa và sinh kế nông dân.

Thanh Liêm (TTXVN)
Tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu
Tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) viện trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN