Điều trị tâm lý cho nạn nhân nạn mua bán người - Bài 3: Gian nan đường về

Những hạn chế về kinh phí, nhân lực và ngay cả trong cách tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân bị mua bán trở về... khiến công tác này gặp nhiều khó khăn, và quá trình hòa nhập cộng đồng của các nạn nhân còn gặp nhiều trở ngại.

 

Theo các thông tư liên tịch giữa Bộ Lao động – Thương binh và xã hội và Bộ Công an, sau khi các nạn nhân của nạn buôn bán người được giải cứu trở về nước, họ sẽ được hỗ trợ nhiều mặt, trong đó có chăm sóc sức khỏe (y tế) và tâm lý.

 

Ít mô hình bền vững

 

Để có thể hỗ trợ điều trị về tâm lý cho các nạn nhân bị mua bán trở về, cần cả một quá trình dài. Tại Ngôi nhà bình yên (Hà Nội), các nạn nhân được điều trị theo quy mô sâu, có hỗ trợ về sức khỏe, tâm lý, pháp lý, dạy nghề, vui chơi giải trí… trong thời gian 18 tháng. Tuy nhiên, tại đây, số lượng phụ nữ và trẻ em gái được điều trị thường chỉ duy trì con số trên dưới 10 trường hợp, quá ít ỏi so với số nạn nhân cũng như số được giải cứu trở về. (Theo Bộ Công an, đến năm 2010, Việt Nam có khoảng hơn 20.000 phụ nữ và trẻ em vắng nhà lâu ngày không rõ lý do, nghi bị mua bán. Con số nạn nhân bị mua bán được giải cứu hàng năm khoảng 800 người).

 

Tại các trung tâm của Nhà nước, theo Tổ chức di cư thế giới (IOM), khi mà có tới 90%  nạn nhân được giải cứu gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần, thì cán bộ nhân viên trung tâm cũng như bệnh viện đều nhấn mạnh rằng kinh phí hiện nay dành cho việc điều trị và chăm sóc nạn nhân là không đủ để có thể giải quyết tận gốc các vấn đề sức khỏe của họ.

 

Liệu trình giúp nạn nhân nạn mua bán người hòa nhập.


Tại các tỉnh, theo ngành dọc của của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, có các mô hình can thiệp hỗ trợ cho nạn nhân bị buôn bán trở về, thường được đặt trong các Trung tâm bảo trợ xã hội. Các mô hình này được sự hỗ trợ về kinh phí và tổ chức của Chính phủ. Tuy nhiên, điều kiện vật chất  tại các trung tâm này không thực sự tốt. Ví dụ, theo khảo sát của IOM năm 2013, đến tháng 8/2010, tiền ăn tối đa cho mỗi nạn nhân mỗi ngày chỉ là 20.000 đồng (đã được nâng lên so với mức 12.000 đồng những năm trước) – thấp so với thời giá. Đây cũng là một trong những lý do ảnh hưởng tới hiệu quả hỗ trợ nạn nhân nói chung của các trung tâm.

 

Việc trị liệu tâm lý cho nạn nhân, trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, cũng là xa xỉ, khi mà các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần còn rất hiếm ở nước ta. Theo nhận định của một chuyên gia xã hội học (xin không nêu tên), trong trị liệu tâm lý, nhất là những ca sau sang chấn nặng, hiệu quả nhất là tiếp xúc trực tiếp, điều trị 1-1. Trong khi đó, tại nhiều trung tâm, nhân viên xã hội tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân có khi là sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm. Ở các quốc gia tiên tiến, các chuyên gia về tư vấn được đào tạo cơ bản, phải qua kiểm định, có đóng phí hàng năm để làm việc. Ở Việt Nam không có quy định như vậy. Thậm chí, theo nghiên cứu của IOM tại Việt Nam trước đây, tại Trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về đặt tại các địa phương, trong khi nạn nhân chủ yếu người dân tộc thiểu số thì nhiều nhân viên xã hội lại không nói được tiếng dân tộc.

 

Một trong các mô hình can thiệp hỗ trợ các nạn nhân bị buôn bán trở về là các nhóm tự quản hình thành ở các địa phương. Đây là nơi để các nạn nhân chia sẻ, trao đổi cũng góp phần giúp họ giải tỏa các vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Tô Thị Hạnh, các nhóm này thường hoạt động theo các dự án được tài trợ bởi các tổ chức phi chính phủ . Sau khi dự án kết thúc thì hoạt động của các nhòm ít được duy trì tại địa phương; và thực tế kinh phí hoạt động của các nhóm không dư dả, nên tính bền vững không cao.

 

Hỗ trợ tâm lý cho thân nhân

 

Tương lai và quá trình hòa nhập xã hội của các nạn nhân bị buôn bán, sau khi được điều trị là điều trăn trở nhất đối với các cán bộ xã hội.  “Nhiều chị em đã một lần đổ vỡ, thường có niềm tin rằng chỉ cần được ai đó yêu, và lấy làm vợ, là sẽ xóa sạch quá khứ. Chỉ cần vài lời đường mật, là các chị em hy vọng và lao theo. Đó là một trong những điểm yếu của các chị em. Đôi khi, cùng với những bế tắc của cuộc sống gia đình và khó khăn kinh tế, nhiều chị em từ nạn nhân, lại trở thành nạn nhân lần thứ hai, thứ ba, thậm chí còn quay vòng, trở thành thủ phạm của những vụ lừa bán” – chị Lê Thị Tường Vi (cán bộ xã hội tại Ngôi nhà bình yên (Hà Nội) trăn trở.  

 

Thạc sĩ giáo dục học Mai Thị Việt Thắng người từng thực hành những mô hình trị liệu cho các nhóm dễ bị tổn thương tại Việt Nam và Hoa Kỳ phân tích: Với các nạn nhân, việc hỗ trợ tâm lý cần: Hiểu rõ những tác động tiêu cực của quá khứ đến hành vi hiện tại (có thể sử dụng biện pháp phân tâm, thân chủ trọng tâm, hệ thống gia đình, hoặc nhận thức hành vi). Tùy vào mỗi người có thể phải trị liệu từ 6 buổi đến 1-2 năm. Việc hỗ trợ tâm lý cho đối tượng này cần hướng về thay đổi cách suy nghĩ, xây dựng và củng cố các hành vi mới (qua hình thức trị liệu cá nhân hoặc nhóm).

 

Theo Thạc sĩ Mai Thị Việt Thắng, để các nạn nhân nạn mua bán người trở về có thể hòa nhập được với xã hội, cần có 3 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là bản thân người cần hòa nhập: Họ cần được trị liệu tâm lý để vượt qua sang chấn; Được cung cấp để có đủ các kỹ năng sống cơ bản như yêu quý bản thân, kiểm soát căng thẳng, tức giận, quản lý thời gian, lập kế hoạch cuộc sống. Yếu tố thứ hai là gia đình: Gia đình cần hiểu rõ những khó khăn của người trở về, để có những hỗ trợ phù hợp, biểu hiện qua thái độ thông cảm, không đổ lỗi, không nhắc lại quá khứ tiêu cực… và cùng con em mình đối phó với sự kỳ thị, phân biệt của xã hội. Yếu tố thứ ba là xã hội: Cần có chính sách phù hợp (ví dụ như cho vay vốn sản xuất, tạo đều kiện làm thur tục, giấy tờ...); và phát triển nhiều loại dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp (do những người có trình độ chuyên môn thực hiện).

 

Trên thực tế, vì nhiều lý do, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các nạn nhân bị buôn bán sau khi được trả về cộng đồng đã không được trọn vẹn. Rất ít nơi có điều kiện theo dõi hậu hồi gia như Ngôi nhà Bình yên (khoảng 24 tháng sau khi ra khỏi Ngôi nhà), mà ngay bản thân Ngôi nhà cũng chỉ là theo dõi chứ khó lòng can thiệp tiếp tục. 

 

“Thường thì các nạn nhân giấu quá khứ. Thường thì họ không giải quyết được vấn đề tâm lý của mình, nhất là sự ức chế, bởi thủ phạm, đôi khi  vẫn nhơn nhơn”- chị Lê Thị Tường Vi, nhân viên xã hội nhận xét. Đó là chưa kể tới những khó khăn khi gia đình không mặn mà; thậm chí nhiều gia đình xua đuổi, hoặc người chồng ruồng rẫy vợ. Trong khi đó, việc hỗ trợ về kiến thức tâm lý cho thân nhân các nạn nhân thì còn bỏ nhỏ. Điều đó khiến cho gia đình của nạn nhân không  những không thể giúp con em, người thân của mình hòa nhập, mà còn không thể vượt qua những vấn đề của chính mình. Đường về của các nạn nhân, do đó, chưa hết những gian nan.

 

Trong quyển vở của cô bé Mua Thị S., nạn nhân của nạn buôn bán người đang được hỗ trợ tại Ngôi nhà bình yên, dòng cuối cùng là những câu, già dặn hơn tuổi 14 rất nhiều: “Lúc trẻ cứ tưởng thành người lớn là lớn. Đến khi thật sự thành người lớn thì người ta sẽ biết không bao giờ bé lại được… Lúc trẻ tưởng đóng đinh là đóng đinh, không thích thì có thể nhổ. Bây giờ cảm nhận đinh có thể nhổ nhưng vết sẹo vẫn còn”…

 

 

Thùy Hương

Điều trị tâm lý cho nạn nhân mua bán người - Bài 1: Hàn gắn những tổn thương
Điều trị tâm lý cho nạn nhân mua bán người - Bài 1: Hàn gắn những tổn thương

Sau khi được giải cứu thành công, những phụ nữ và trẻ em gái – nạn nhân chủ yếu của nạn buôn bán người - thường rơi vào tình cảnh dở dang, với nhiều biểu hiện bất thường về tâm lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN