Diện mạo hè phố Thủ đô - Bài cuối: Trả vỉa hè cho người đi bộ

Để hoàn thành “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014”, thành phố Hà Nội đang xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử người Hà Nội, trong đó có nội dung không lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán… Vỉa hè phải được thực hiện đúng chức năng: Dành cho người đi bộ.

 

Người dân đồng thuận


Khảo sát thực trạng vỉa hè bị lấn chiếm, khiến bộ mặt đô thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phóng viên báo Tin Tức đã nhận được nhiều ý kiến của người dân mong muốn chính quyền thành phố phải có giải pháp đòi lại vỉa hè cho người đi bộ.

 

Quán cà phê trên phố Hàng Cám nằm ngay cạnh Công an phường nhưng vẫn chiếm hết vỉa hè để xe máy.


Bác Nguyễn Văn Phú, cán bộ hưu trí ở phường Bồ Đề, quận Long Biên cho rằng: Vấn đề cần làm ngay là phải quy trách nhiệm đối với lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự đô thị hàng ngày. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã tồn tại nhiều năm nay một phần là do sự quản lý chưa sát sao của lực lượng chức năng. Do đó, cần quy trách nhiệm đối với trưởng công an phường, nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, kinh doanh trái phép. Nếu thành phố không làm quyết liệt, công an phường không tăng cường tuần tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, thì dễ khiến người dân nghi ngờ có tiêu cực trong việc xử lý các trường hợp lấn chiếm.


Bà Nguyễn Thị Bích ở phường Nguyễn Trãi, Hà Đông, bức xúc: Chưa bao giờ tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại nhức nhối như hiện nay. Bất cứ tuyến đường nào, dù lớn hay nhỏ, thậm chí cả ngõ, ngách chật hẹp cũng bị người dân chiếm dụng để bán hàng, trông giữ xe… Hệ lụy của việc này là nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra, ùn tắc giao thông chưa được giải quyết triệt để.


Còn anh Nguyễn Đức Thịnh, phường Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, kiến nghị: Lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm các điểm nóng trước. Vì nếu những trường hợp vi phạm với diện tích lớn mà không được xử lý, thì sẽ khó xử lý những vi phạm nhỏ.


Trong khi đó, chị Nguyễn Mai Lan (phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm) đặt vấn đề: Phải "trị" tận gốc thực tế này mới hy vọng thực hiện được “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014”. Các đơn vị chức năng nếu chỉ xử lý theo kiểu "đánh trống bỏ dùi" sẽ khiến người dân thêm trây ỳ, pháp luật mất dần tính nghiêm minh. Chị Lan kiến nghị, thành phố cần coi hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là vấn nạn của xã hội, phải kiên quyết "trị" tận gốc, để tạo lập bộ mặt văn minh cho thành phố…


Không được khai thác vì mục đích khác


GS. KTS Nguyễn Thế Bá, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Nếu vì lợi ích kinh tế mà cho phép kinh doanh trên vỉa hè thì khó có thể quản lý được vỉa hè. Vỉa hè là phần đường phục vụ người đi bộ. Việc giữ trật tự vỉa hè cần phải được làm nghiêm giống như quy định đội mũ bảo hiểm. Nếu làm kiên quyết thì sẽ vào quy củ.


Trao đổi vấn đề này, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Đức Bình, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân nhận định: Để giải bài toán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, cần phải xác định rõ vai trò quản lý nhà nước đối với vỉa hè, lòng đường. Hiện Sở GTVT thành phố có nhiệm vụ tổ chức giao thông ở lòng đường, còn việc quản lý hoạt động trên vỉa hè quận, huyện quyết định. Thực tế này gây mâu thuẫn ở chỗ, muốn người dân đóng thuế trên vỉa hè thì chính quyền cơ sở phải để họ kinh doanh trên vỉa hè. Khi vỉa hè, lòng đường bị biến thành hàng quán và bãi đỗ xe thì lại mâu thuẫn với việc tổ chức giao thông của Sở GTVT.


Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông nhận định: Việc cấm kinh doanh trên vỉa hè không hẳn là giải pháp khả thi, bởi thành phố thiếu không gian dành cho giao thông tĩnh. Nếu thành phố cấm được chỗ này thì vi phạm sẽ phát sinh ở chỗ khác. Do đó, mấu chốt của việc giải bài toán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là phải xây dựng, quy hoạch cho được không gian giao thông tĩnh, nhất là tại các quận trung tâm.


Muốn người đi bộ chấp hành tốt luật giao thông thì vỉa hè phải được trả lại cho họ. Vẫn biết ở Hà Nội vỉa hè là "vỉa vàng", thế nhưng, có những giá trị còn lớn hơn vàng, đó là một Hà Nội văn minh thanh lịch.


Bên cạnh những tuyến phố có vỉa hè bị chiếm dụng, vẫn còn một số tuyến phố phong quang, sạch đẹp, như phố Tràng Thi, Hàng Bông, Hàng Bài. Đó là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền các phường sở tại và sự tự giác của người dân. Mặc dù ở các tuyến phố này vẫn có trung tâm thương mại, các cửa hàng kinh doanh, nhưng không có bóng dáng xe máy, xe đạp của khách dừng đỗ trên vỉa hè. Hàng rong, hàng nước, hàng ăn… cũng hầu như vắng bóng.


Bà Phạm Thanh Hòa, nhà ở phố Tràng Thi cho biết, hầu như ngày nào bà cũng duy trì thói quen ngày 2 lần đi bộ tập thể dục trên vỉa hè. “Ở trung tâm thành phố mà hàng ngày được tản bộ trên phố như vậy là điều vô cùng quý giá”, bà Hòa cho biết.


Để có được không gian vỉa hè đích thực cho tuyến phố, ông Hoàng Dương Lai - Chủ tịch UBND phường Hàng Bông chia sẻ: “Đối tượng khó xử lý nhất là những người bán hàng rong. Bởi họ sẵn sàng mua lại đồ mới để tiếp tục kinh doanh nếu bị lực lượng chức năng thu giữ. Vì thế, phường đã tổ chức họp bàn, ký kết giao ước với các tổ dân phố, duy trì tổ tự quản ở khu dân cư để nhắc nhở những người bán hàng rong. Còn những hộ kinh doanh vi phạm sẽ bị nêu tên trên loa phát thanh phường, hàng hóa bị sung công quỹ…”.


Tiến Hiếu - Thu Hồng (thực hiện)

Diện mạo hè phố Thủ đô - Bài 2: Quản lý chồng chéo
Diện mạo hè phố Thủ đô - Bài 2: Quản lý chồng chéo

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán kinh doanh đang diễn ra tràn lan có một phần nguyên nhân do việc quản lý chồng chéo giữa chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, mức tiền phạt đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè quá cao cũng khiến cho việc xử phạt khó khả thi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN