Đến với vùng ngập lũ Pú Nhung - Điện Biên

Sau trận lũ ngày 1/8 vừa qua, nhiều nhà dân ở bản Đề Chia C, xã Pú Nhung (Tuần Giáo, Điện Biên) bị nước ngập tới nóc. Đến thời điểm hiện tại, nước vẫn chưa có dấu hiệu rút khiến người dân nơi đây phải đi lại trong bản bằng bè tre.

Con đường đi từ xã Pú Nhung vào bản Đề Chia C vẫn đang trong tình trạng ngập nước, có đoạn mực nước vẫn còn ngập sâu hơn 1 mét. Nhóm phóng viên phải lội bì bõm trong nước, băng qua những con dốc cao, vượt qua đồi núi mới có thể vào được bản Đề Chia C.

Nhà cửa, phần lớn tài sản, diện tích hoa màu, chuồng trại chăn nuôi, ao cá bị ngập trong nước lũ. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN


Trước mắt chúng tôi là cảnh tượng bản làng mênh mông trong dòng nước đục, chỉ còn lộ ra những chóp mái nhà và những ngọn cây. Những lán tạm bằng bạt đã được bà con dựng lên ở những đồi cao. Nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt, diện tích hoa màu, chuồng trại chăn nuôi, ao cá... tại khu vực trung tâm bản chìm giữa biển nước mênh mông, sâu trên dưới 10 mét, cá biệt có nơi mực nước dâng cao hơn 20 mét.

Các hoạt động sản xuất bị đình trệ, giao thông chia cắt, còn người dân phải sống một cách tạm bợ. Nam giới cặm cụi gắn nhiều thân tre lại thành bè để di chuyển trong bản làng, chung sức dựng lán tạm cho bà con. Phụ nữ và trẻ em chỉ còn biết ngồi co ro trong những chiếc lán tạm và nhìn ra dòng nước lo lắng.

Ông Vừ Chờ Lành, người dân trong bản, ngậm ngùi: "Từ sáng 1/8, lũ chảy từ các khe suối về bản Đề Chia C, đến 3 giờ chiều thì ngập 10 nhà dân trong bản. Người còn kịp chạy ra được, chứ vật dụng, của cải thì đã bị ngập trong lũ. Chỉ cách đây mấy ngày, nơi đây vẫn đang là bản làng mà bây giờ đã như hồ nước".

Bà con dựng lán tạm để có chỗ trú trong những ngày tiếp theo. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN


Chỉ tay về phía một mái tôn đỏ lộ trên mặt nước, ông Vừ Chờ Lành cho biết: Ngôi nhà đó vừa mới làm xong mà bây giờ đã ngập trong nước. Trận lũ đã qua mấy ngày nhưng nước vẫn chưa hề có dấu hiệu rút mà thậm chí còn dâng cao hơn do nước từ các khe suối vẫn tiếp tục đổ về.

Ông Vừ Sáy Sùng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Pú Nhung, cho biết: Trong đợt lũ vừa qua, địa bàn xã Pú Nhung có 4 bản bị ngập gồm Co Bua, Đề Chia A, Đề Chia B và Đề Chia C; 57 nhà bị ngập trong nước, trong đó 40 nhà bị ngập nặng.

Đến thời điểm hiện tại, 10 nhà dân của bản Đề Chia C, cùng với trên 70 ha lúa và hoa màu vẫn đang ngập sâu trong nước. Bản Đề Chia C là khu vực lòng chảo nên nước rất khó rút. Nếu dứt mưa thì ít nhất 20 ngày nữa khu vực này mới có thể cạn được. Hiện chính quyền địa phương cùng huyện Tuần Giáo đã báo cáo tỉnh để nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho bà con nơi đây.

Trong thời gian mưa lũ, chính quyền xã Pú Nhung đã huy động các lực lượng dân quân, công an và thanh niên trong xã xuống vùng mưa lũ hỗ trợ các hộ di chuyển tài sản đến nơi an toàn và đảm bảo tính mạng cho người dân. Sau mưa lũ, xã cũng đã huy động các lực lượng đến cùng người dân khắc phục hậu quả. Đến thời điểm hiện tại, tuy chưa có thiệt hại về người nhưng ước tính thiệt hại về tài sản của xã Pú Nhung là hơn 1 tỷ đồng.

Ngay lúc nhóm phóng viên có mặt tại xã, đoàn cứu trợ của Công an tỉnh Điện Biên đã đến hỗ trợ các gia đình gặp nạn 5 tấn gạo, giải quyết khó khăn trước mắt về lương thực.

Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng tại Lạng Sơn đã cơ bản thông xe


Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua, từ ngày 25/7 đến ngày 4/8, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có mưa to trên diện rộng, gây lũ lớn trên lưu vực sông Kỳ Cùng, sông Thương, sông Bắc Giang. Đặc biệt, trên địa bàn các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Đình Lập và thành phố Lạng Sơn, mưa to làm ngập lụt và gây thiệt hại nghiêm trọng trên các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn, một số tuyến đường huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Văng Lãng, Tràng Định bị ngập sâu trong nước; nhiều khu vực bị cô lập do đường giao thông không đi lại được; nhiều đoạn trên các tuyến Quốc lộ 3B, 4B, 279 và nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện bị ngập, ách tắc giao thông, làm hư hỏng nền đường, sạt lở ta luy…

Toàn tỉnh có hơn 300 vị trí sạt lở ta luy dương lớn với tổng khối lượng đất đá trên 50.000 m3, trên 30 vị trí sạt lở ta luy âm, sói lở mặt đường khoảng 60.000 m3 và hàng chục ngàn mét khối đất đá có nguy cơ sạt lở cao. Tổng kinh phí cần khắc phục thiệt hại ước tính khoảng 37 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Đại, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn cho biết: Ngành giao thông tỉnh đã thực hiện ngay các công việc đảm bảo giao thông bước một gồm hót đất sạt lở từ mái ta luy dương, từ sườn dốc xuống nền đường; đắp mặt đường bằng cấp phối sỏi suối, đá dăm; đắp lại nền đường tại các vị trí sạt lở ta luy âm có nguy cơ ách tắc giao thông; làm rào chắn, cọc tiêu cảnh báo, phân luồng giao thông tại các vị trí sạt lở…

Ngành đã huy động 25 máy xúc, 33 ô tô và hơn 300 cán bộ, công nhân viên lao động tại 4 đơn vị quản lý đường bộ, 14 hạt quản lý địa bàn và phối hợp với UBND các huyện huy động lực lượng khẩn trương đảm bảo giao thông trên tuyến. Đến ngày 4/8, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng đã được xử lý cơ bản thông xe; riêng chỉ còn tuyến quốc lộ 3B hiện vẫn còn 3 vị trí ngập, giao thông vẫn bị chia cắt.

Nhằm khắc phục thiệt hại và chuẩn bị phương án ứng phó các đợt mưa bão tiếp theo, ngành giao thông vận tải tỉnh Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị huy động máy móc thi công dứt điểm các vị trí đã đảm bảo giao thông, kịp thời xử lý các vị trí phát sinh; chú trọng công tác chuẩn bị vật tư, phương án phối hợp ứng cứu đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ.


Đồng thời, tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên các hạng mục công trình như hệ thống rãnh thoát nước, khơi thông cống, gia cố mố, trụ cầu; xác định, dự báo các vị trí xung yếu có thể xảy ra sự cố khi có mưa bão…

Bên cạnh đó, ngành thực hiện nghiêm túc chế độ trực, tiếp nhận thông tin và chủ động đối phó, có phương án chỉ đạo, giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra.

Khắc phục ngập úng cục bộ, rà soát các hồ chứa ở Hòa Bình

Do mưa kéo dài trong tuần qua, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ngập úng cục bộ tại một số nơi, sạt lở đất trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xóm, liên xã, gây ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của nhân dân địa phương.

Trên địa bàn xã Phúc Sạn, huyện vùng cao Mai Châu, mưa lớn gây lở đất làm sập nhà gỗ cấp 4 ba gian nhà ông Bùi Văn Hà, xóm Suối Nhúng, đổ 10m tường bao của Trạm y tế xã.

Theo dự báo trong những ngày tới, mưa lũ trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ cao tiếp tục xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhất là những khu vực đã có hiện tượng rạn nứt ở các sườn đồi, núi, ta luy các tuyến đường giao thông qua vùng đồi, núi.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình vừa ra Công điện khẩn yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương cử cán bộ xuống kiểm tra các địa bàn vừa qua có xảy ra ngập úng, sạt lở đất để chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định sản xuất; kịp thời hỗ trợ những gia đình có nhà bị đổ, hư hỏng nặng sớm sửa chữa, khắc phục để có nơi ở và ổn định đời sống.

Đồng thời, rà soát lại tất cả các khu vực trọng điểm như các hồ chứa nước đã có sự cố, các tuyến đường đang thi công, các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đề phòng sau khi hết mưa hiện tượng sạt lở vẫn còn diễn ra để cảnh báo cho nhân dân, cần thiết phải di dời người và tài sản ra khu vực an toàn.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Xác định nguyên nhân gây lũ ống bất ngờ tại thị trấn Tuần Giáo
Xác định nguyên nhân gây lũ ống bất ngờ tại thị trấn Tuần Giáo

Nguyên nhân chính được xác định do một gia đình đắp đất ngăn khe suối Huổi Củ để làm ao nuôi cá. Khi lượng nước đổ về quá lớn, bờ ao của gia đình này bị vỡ, gây hiệu ứng cộng hưởng cho hàng chục ao cá phía sau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN