Để xe buýt... có văn hóa - Bài 1: “Cùng bất đắc dĩ” mới đi xe buýt

Thay vì là phương tiện công cộng thuận tiện, được đông đảo người dân lựa chọn, xe buýt ở Việt Nam chỉ dành cho những ai không có phương tiện đi lại riêng của mình, phải “cùng bất đắc dĩ” bước chân lên cái “chuồng gà khổng lồ”, cái “hung thần đường phố” này...


Âu cũng là bởi, chúng ta thiếu cái được gọi là văn hóa xe buýt.

 

Bài 1: “Cùng bất đắc dĩ” mới đi xe buýt

 

Khởi nguồn của hành trình


Đã có tuổi, không thể đi xe đạp hay xe máy, lại ngại nhờ con cái chở đi thường xuyên, nên bà Nguyễn Thị Thu (phố Tôn Đức Thắng) thường xuyên chọn xe buýt để đi lại. Đi đến nhà con chơi, đi hội họp với bạn bè, thậm chí đi lễ chùa... bà cũng chọn xe buýt. Bà bảo, đi cũng nhanh và tiện, qua 2 tuyến là tới nhà cậu con trai út ở phố Liễu Giai rồi.

 

Một điểm dừng đón khách của xe buýt.


Cũng chung một sự lựa chọn, anh Tuấn Đức (phố Kim Mã Thượng) thường đi xe buýt ra sân bay Nội Bài mỗi khi đi công tác. Anh bảo, tiện và rẻ, mất có 7.000 đồng là ra tới tận sân bay, trong khi bình thường đi taxi là mất gần 300.000 đồng, đi xe của hãng cũng mất mấy chục ngàn, mà lại phải lên tận trên Quang Trung mới có xe đi, nghĩa là thêm gần trăm ngàn tiền xe ôm nữa.


Cứ ngỡ đã lựa chọn thì đồng nghĩa với việc anh Đức, bà Thu sẽ hài lòng với dịch vụ xe buýt, nhưng xem ra lại không phải vậy. Bà Thu chia sẻ, thỉnh thoảng đi thì được và cũng vì tiếc tiền đi taxi, đi xe ôm nên mới chọn xe buýt, chứ còn đi xe buýt vất vả lắm, lên xuống chen chúc, trên xe thì chật chội, hôi hám, nhiều khi chẳng có chỗ mà ngồi. Bà vốn bị thấp khớp, nên nhiều hôm đứng về bóp chân mãi mới khỏi đau. Còn anh Đức thì kể, xe buýt cũng nhiều “nông nỗi” lắm, nào đông, nào chật, nào chen chúc, rồi chưa kể có cả chuyện mất cắp, cãi cọ, xô xát trên xe nữa. Thỉnh thoảng mới đi mà anh cũng chứng kiến đủ những chuyện này rồi. “Cùng bất đắc dĩ thì chọn thôi, chứ khi nào xông xênh là tôi cũng tính đi xe taxi, hoặc nếu đi đông là mấy anh em rủ nhau làm một cuốc taxi, đắt một tý nhưng đi thoải mái, yên ổn”, anh Đức cho biết.


Từ câu chuyện của bà Thu, anh Đức, chúng tôi quyết định trở thành một hành khách của phương tiện công cộng khá phổ biến ở Hà Nội này, cũng bởi muốn biết, vì sao dân tình đi xe buýt vẫn rất đông, sinh viên, học sinh, người già, người ngoại tỉnh... hay chọn xe buýt để đi, có những cô, cậu sinh viên cả 4 năm học là 4 năm gắn với cái thanh nắm của xe buýt, thế nhưng không mấy ai “nói tốt” cho phương tiện này cả.


Vào cuộc cùng “hung thần”


7 giờ sáng, thời điểm mọi người đổ ra đường để tới công sở, trường học, chúng tôi có mặt tại điểm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy (Hà Nội). Người chờ xe đã rất đông, dãy ghế trong nhà chờ kín đã được ngồi kín, người chậm chân thì đứng dọc vỉa hè, nửa bàn chân trên hè, nửa bàn chân đã “dợm” xuống mặt đường, chỉ chực chờ xe đến là sẽ nhao lên ngay lập tức. Ít ai có được vẻ thong dong, sự nôn nóng bồn chồn xem ra hiện rõ trên mặt mọi người. Âu cũng bởi, giờ cao điểm này, nếu không kịp bắt xe buýt, rất dễ sẽ phải đi làm muộn.

Nhà chờ xe buýt nhếch nhác.


Chính bởi vậy, chỉ vừa thấy bóng chuyến xe buýt số 32 (tuyến Giáp Bát - Nhổn) từ phía xa, đám đông ngay lập tức trở nên hỗn độn. Những người đang ngồi đứng bật dậy, những người đã ở tư thế chạy thì càng “quyết tâm” hơn. Và khi xe vừa xịch đến cũng là lúc cảnh chen lấn, xô đẩy xuất hiện. Không còn chuyện “nhường người già”, càng không còn chuyện “Lady First”, tất cả đều chỉ còn một mục tiêu: Phải lên được xe, phải chiếm được chỗ ngồi. Cuộc chiến “sinh tồn” xem ra không cần phải quá “đao to búa lớn” mà ở ngay những việc nhỏ này thôi cũng hiển hiện rõ lắm rồi!


Không có chuyện từ từ vào bến, càng không có chuyện từ tốn dừng lại, chờ mọi người lên xe. Giờ cao điểm nên xe buýt cũng phải nhanh nhanh chóng chóng nhận khách, trả khách, rồi còn kịp về bến đúng giờ, nếu chậm lại lo bị phạt. “Trọng trách” nặng nề thế nên người lái xe buýt thường lao đi như tên, ngoặt lái vào bến như thể đi trên đường không người, khiến dân tình đi xe máy, xe đạp sợ hãi gọi là “hung thần đường phố”. Và với lái xe tuyến 32 này của chúng tôi, anh cũng không ngoại lệ. Chiếc xe lao vút tới, tạt phắt vào hè. Xe chưa kịp dừng, ngay lập tức cửa trước và cửa sau cùng mở ra, hành khách trên xe ào xuống, hành khách dưới đường ào lên.

 

Ồn ào, náo nhiệt, nếu không nói là rầm rập, dữ dội. Vốn quy định của xe buýt là lên cửa trước, xuống cửa sau, nhưng đã giờ này rồi thì sau trước cũng lên tuốt. Chưa kịp chờ người trên xe bước xuống, những hành khách dưới đường đã nhao nhao chạy lên cả cửa sau, đẩy người xuống dúi dụi. Một cô gái đi giày cao gót đang dợm bước xuống, bị một thanh niên đang lao lên đâm vào, hét lên inh ỏi, vội vàng lùi lại. Tiếng của cô cũng đã bị át đi trong tiếng ầm ĩ của những người xung quanh. Rồi cô cũng kịp xuống khỏi xe, nhưng mái tóc dài đã kịp xổ tung và chiếc túi xách đeo trên vai thì lệch ngược ra trước. Cửa xe đã kịp đóng lại nhanh chóng để hành trình tiếp theo của hung thần trên đường, bỏ lại cô gái còn chưa kịp hoàn hồn với cú “chen” bật ngửa vừa rồi...


Đã kịp cùng đám đông xô đẩy lên xe, kịp bám lấy một thanh chắn trước mặt để “thủ thế” cho những cú xô lên, đẩy xuống liên tục khi xe buýt khởi hành khỏi bến, chúng tôi vẫn cố ngoái lại nhìn xem cô gái kia ra sao. Một sinh viên trẻ đứng cạnh chúng tôi ra chiều thông cảm: “Chuyện bình thường ấy mà, ai bắt còn làm điệu đi giày cao gót cơ. Đi xe buýt là phải sắm giày thể thao, lên xuống cũng tiện, mà khi cần “xuống tấn” để giữ thăng bằng cũng dễ”.


“Trời ơi, sao giống đi đánh trận vậy”, cô bạn đồng hành của tôi thốt lên. Có lẽ, cũng có phần giống thật, nhất là khi hành trình của chúng tôi giờ mới bắt đầu...

 


Nhóm phóng viên

 

Bài 2: Không chen không phải xe buýt

Hà Nội tăng giá vé xe buýt từ 1/5/2014
Hà Nội tăng giá vé xe buýt từ 1/5/2014

Tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 18/3, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh đã báo cáo chương trình điều chỉnh giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN