Đề phòng xảy ra gió lốc, lũ quét, sạt lở đất ở nhiều địa phương

*Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Trung trung bộ kết hợp với hoạt động mạnh của gió đông đến đông nam, từ đêm 9/9, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to.

Tính đến 13 giờ ngày 10/9, lượng mưa đo được phổ biến từ 50-100mm, một số nơi lớn hơn như: Cửa Đạt (Thanh Hóa): 153mm, Nam Đàn (Nghệ An): 147mm, Chu Lễ (Hà Tĩnh): 159mm. 

Lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đang lên. Mực nước lúc 13 giờ ngày 10/9, trên sông Cả tại Nam Đàn: 2,80m; sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ: 8,40m. 

Trong 24h tới, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm. 
Lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục lên, đến chiều mai (11/9), mực nước các sông có khả năng lên mức BĐ1, có nơi trên BĐ1. 

Đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

* Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh hiện có 43 xã có nguy cơ bị sạt lở với 92 điểm, cần di dời 495 hộ để đảm bảo an toàn. Các khu vực tiếp tục xảy ra sạt lở mạnh như: Long Thuận, Long Khánh A, Phú Thuận B (huyện Hồng Ngự), phường An Lạc (TX. Hồng Ngự), Tân Bình, Tân Quới (huyện Thanh Bình), Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh), Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò), xã An Hiệp (huyện Châu Thành).
 
Được biết từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 36 xã bị sạt lở bờ sông, nhiều nhất là huyện Thanh Bình, Hồng Ngự đã bị sạt lở, cuốn trôi hơn 7ha đất.

Số hộ dân nằm trong vùng có khả năng bị sạt lở có nhà cách mép sông từ 0-20 m là 2.960 hộ. Sạt lở xảy ra mạnh tại ấp Long Thạnh, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, chiều dài sạt lở 95 m, sâu vào bờ từ 3-8m và diện tích bị sạt lở 645 m 2 .
 
Trước hiện trạng trên, tỉnh đã v ận động và hỗ trợ 367 hộ dân vùng sạt lở di dời đến nơi an toàn và 605 hộ vào cụm tuyến dân cư giai đoạn II . 

Để hạn chế các vụ sạt lở, tỉnh tiếp tục thi công các công trình kè chống xói lở bảo vệ bờ sông như: Thi công Kè kênh Lấp Vò (đoạn từ rạnh Lấp Vò đến rạch Cái Dâu) và Kè Sa Đéc giai đoạn II (Phân đoạn III).

Tỉnh cũng đã lập các dự án chuẩn bị đầu tư: Kè chống xói lở bờ Sông Tiền khu vực thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (vốn đối ứng ADB), Kè bảo vệ thị xã Hồng Ngự giai đoạn 2 (vốn đối ứng ADB), Dự án khắc phục sạt lở bờ sông Tiền tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành và K è chống xói lở thị xã Sa Đéc giai đoạn 3.

* Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, sáng 10/9, một cơn gió lốc đã bất ngờ thổi tung mái và làm sập trần 5 căn nhà ở tầng 3 (tầng sát mái), đồng thời làm hư hại mái của 7 căn nhà khác tại khu tập thể khí đốt (số 183, đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, Tp.Vũng Tàu - Bà Rịa – Vũng Tàu). Cơn lốc khá mạnh đã bứt tung toàn bộ mái trước của 5 căn nhà (sát nhau), thổi văng ra xa tới gần 100 mét và rơi xuống một nhà dân khác. Rất may không có thiệt hại về người, nhưng cơn lốc xuất hiện đúng thời điểm trời đang mưa nên nhiều đồ đạc trong nhà, đặc biệt là đồ điện tử đã bị hư hại nhiều. 


TTXVN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN