Dù nhiều kỹ thuật mới về y học ở Việt Nam đã phát triển tương đương khu vực và các nước phát triển, thậm chí nhiều bác sỹ trong khu vực tìm đến Việt Nam để học tập kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chuyên môn của các bác sỹ trong nước nhưng hàng năm vẫn có một lượng lớn bệnh nhân ra nước ngoài khám bệnh và điều trị.
Bệnh viện trong nước quá tải, nhếch nhác, người bệnh bỏ sang nước ngoài điều trị. |
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam mất 2 tỉ USD do có tới hơn 40.000 bệnh nhân mang ra nước ngoài để khám chữa bệnh. Xu hướng ra nước ngoài khám chữa bệnh có xu hướng gia tăng. Điều đáng nói là nhiều bệnh như tim mạch, ung thư, tiêu hoá, mạch máu, thẩm mỹ… các bác sỹ tại Việt Nam có thể chữa trị rất tốt. Nhiều kỹ thuật mới trong y học cũng đã phát triển tương đương khu vực và các nước phát triển như ghép tạng, tim mạch, mắt, thẩm mỹ, nha khoa, kỹ thuật nội soi… và thậm chí còn được các bác sỹ nước ngoài học tập kinh nghiệm nhưng vẫn không được người bệnh lựa chọn khám chữa bệnh tại các bệnh viện trong nước.
Các bác sỹ cho rằng, người bệnh ra nước ngoài điều trị là do họ đang mất lòng tin vào việc điều trị trong nước. Các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành ở nước ta hầu hết trong tình trạng quá tải trầm trọng, dịch vụ kém, cơ sở vật chất thiếu tiện nghi, chật chội, trình độ bác sỹ chưa đồng bộ…
PGS. TS Võ Văn Thành, Chủ tịch Hội Cột sống TP.HCM cho biết: “Mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân đi Xinhgapo, Thái Lan và một số nước khác khám chữa bệnh. Đa số những bệnh nhân này có điều kiện kinh tế, họ không chỉ đòi hỏi về chất lượng khám chữa bệnh mà còn đòi hỏi về chất lượng dịch vụ. Trong khi đó, dù bệnh viện trong nước có bác sỹ giỏi, thực hiện được những kỹ thuật tiên tiến nhưng tình trạng bệnh viện quá tải, chật chội, nhếch nhác khiến cho các bệnh viện trong nước khó giữ được bệnh nhân”.
Ông Trương Quang Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, nhìn nhận: “Bệnh viện công có rất nhiều bác sĩ giỏi, còn bệnh viện tư thì có hệ thống dịch vụ rất tốt nhưng chúng ta chưa có sự cân bằng giữa hai loại hình bệnh viện này và giữa các chuyên khoa - cả về trình độ và cơ sở vật chất. Sự không đồng bộ này đã làm cho bệnh nhân không an tâm khi điều trị”.
Trong những năm gần đây, ngành y tế nước ta liên tục ghi nhiều dấu ấn trong nước và trong mắt bạn bè quốc tế về nhiều thành tựu nổi bật, trong đó có 26 công trình thuộc 11 lĩnh vực đã được quốc tế công nhận là thành tựu y dược nổi bật của Việt Nam. Việt Nam có thể thực hiện được rất nhiều kỹ thuật cao với chi phí rẻ hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Bác sỹ Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết: “So sánh chi phí trung bình cho việc thực hiện một ca điều trị kỹ thuật cao tại Việt Nam thấp hơn nhiều tại Xinhgapo như: ghép thận ở Việt Nam là 186 - 200 triệu đồng, trong khi đó ở Xinhgapo là 765 triệu - 1,6 tỉ đồng (có thân nhân cho thận); thay khớp háng, gối hoặc thay khớp vai 80 - 90 triệu đồng còn tại Xinhgapo là 570 triệu đồng; can thiệp mạch vành và đặt stein có thuốc 65 - 80 triệu đồng tại Việt Nam và 350 triệu đồng tại Xinhgapo… Đó là chưa tính chi phí khám, xét nghiệm và giường bệnh tại Xinhgapo cũng cao hơn nhiều”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, bệnh nhân tìm ra nước ngoài khám chữa bệnh không chỉ là do chất lượng khám chữa bệnh trong nước không đáp ứng được nhu cầu mà còn do tâm lý “sính ngoại” của một số người dân. Đa số những người này cho rằng cái gì ở nước ngoài cũng tốt, chất lượng cũng cao. Tuy nhiên, trên thực tế chưa hẳn khi ra nước ngoài bệnh nhân đã gặp được bác sỹ giỏi, đúng chuyên môn. Không ít bệnh nhân “tiền mất tật mang” khi khám bệnh ở nước ngoài trở về nước. Trong khi đó, đại đa số người dân trong nước ra nước ngoài khám đều là ở những bệnh viện tư của nước đó.
Trong khi đó, bác sỹ Lê Hành, Trưởng khoa thẩm mỹ, tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện thường xuyên phải “giải quyết hậu quả” khi bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ ở nước ngoài bị gặp biến chứng. Chưa kể nhiều trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ không đúng yêu cầu của bệnh nhân vì bất đồng về ngôn ngữ.
Thực trạng này cho thấy, nếu không phát triển đồng bộ giữa chuyên môn và chất lượng phục vụ thì khó giải quyết được tình trạng bệnh nhân đổ ra nước ngoài điều trị mặc dù phí khám chữa bệnh ở các nước có thể cao gấp chục, gấp trăm lần trong nước. “Chúng ta không thể cấm người dân ra nước ngoài điều trị bệnh, mà cốt lõi là chúng ta phải xây dựng được nền y tế mang lại niềm tin cho người dân - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định.
Đan Phương