Đào đắp, đổ bê tông trên lòng suối khiến hạ nguồn khô kiệt

Hơn 6 tháng kể từ thời điểm mưa lũ gây xói lở, hư hỏng nhiều hạng mục, thiết bị tại Nhà máy thủy điện Đắk Nông 2, nơi đây đang trở thành một công trường lớn với nhiều máy móc, nhân lực đào đắp, đổ bê tông ngay giữa lòng suối cạn khô.

Chú thích ảnh
Hạ nguồn thủy điện Đắk Nông 2 cạn khô, dù quy định giá trị dòng chảy tối thiểu sau đập không nhỏ hơn 0,4m3/giây và trái ngược với hồ nước bên trên đập thủy điện.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một số ngành chức năng tỉnh và chính quyền thành phố Gia Nghĩa đều chưa nắm được thông tin hoặc được báo cáo về vụ việc.

Quan sát tại hiện trường cho thấy, hàng chục nhân công cùng nhiều máy móc, phương tiện đang đào đắp, thi công trên lòng suối Đắk Nông để nắn dòng sang phía bên trái (theo hướng từ thượng nguồn). Công nhân đang thực hiện các công đoạn để đổ bê tông với khối lượng lớn ngay giữa dòng suối. Mặt suối hoàn toàn khô kiệt trong thời gian dài.

Theo phản ánh của một số hộ dân có đất đai, nương rẫy ở hạ nguồn suối Đắk Nông, mấy tháng nay, đoạn suối này thường xuyên trong tình trạng trơ đáy. Nguyên nhân là do đập thủy điện Đắk Nông 2 chắn ngang dòng suối và chặn đứng dòng chảy. Do đó, từ vị trí đập thủy điện Đắk Nông 2 về phía hạ nguồn (tiếp giáp với suối Đắk R’tih, trên chiều dài khoảng 3 km) luôn trong tình trạng khô kiệt, không có nước.

Chú thích ảnh
Lòng suối cạn khô và phần lớn mặt suối đã bị đào đắp, đổ bê tông.

Trong khi đó, theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (tại Quyết định số 154/QĐ-BTNMT, ngày 17/1/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện), giá trị dòng chảy tối thiểu sau đập thủy điện Đắk Nông 2 không nhỏ hơn 0,4 m3/s.

Trước đó, vào tháng 8/2023, mưa lớn và dòng nước chảy xiết đổ về suối Đắk Nông đã làm xói lở nhiều hạng mục tại công trình của Nhà máy thủy điện Đắk Nông 2 (thuộc địa phận phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa). Trạm biến áp đặt cạnh dòng suối bị xói lở móng, một số đế chân bị dòng nước cuốn trôi hoặc xô đổ, nhiều thiết bị điện hư hỏng, ngập nước.

Theo một chuyên gia ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh, suối Đắk Nông có tổng chiều dài hơn 90 km và là phụ lưu cấp 1 của sông Đồng Nai. Suối khởi nguồn từ huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) và là dòng suối chính chảy qua thành phố Gia Nghĩa. Khu vực hạ nguồn cũng là hành lang thoát lũ nên. Do đó, mọi hành vi tác động vào dòng chảy tự nhiên cần phải được tính toán, thẩm định kỹ trước khi thực hiện; nhất là trong bối cảnh khu vực này vừa xảy sạt lở vào mùa mưa lũ.

Chú thích ảnh
Lòng suối Đắk Nông cạn khô.

Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với người đại diện của Công ty Cổ phần Thủy điện Á Đông, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đắk Nông 2 để trao đổi thông tin nhưng không nhận được phản hồi.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Đắk Nông, ông Võ Công Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương Đắk Nông cho biết, Sở chưa nắm được thông tin và sẽ cho kiểm tra việc đào đắp, đổ bê tông trên lòng suối.

Theo lãnh đạo UBND thành phố Gia Nghĩa, địa phương chưa nhận được thông tin hay báo cáo về việc này.

Tin, ảnh: Hưng Thịnh (TTXVN)
Phối hợp đảm bảo nguồn nước cho vùng hạ lưu Thủy điện Buôn Tua Srah
Phối hợp đảm bảo nguồn nước cho vùng hạ lưu Thủy điện Buôn Tua Srah

Theo thông tin từ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông, từ đầu vụ đến nay, để đảm bảo việc vận hành bơm tưới phục vụ sản xuất, Thủy điện Buôn Tua Srah phải xả nước về hạ lưu với lưu lượng khoảng từ 85-95m3/giây và liên tục từ 12-17 giờ/ngày. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN