Cứu hạn cho Đồng bằng sông Cửu Long

Đã có hàng ngàn ha lúa bị thiệt hại và ảnh hưởng bởi khô hạn và xâm nhập mặn, hàng ngàn hộ dân ở các địa phương ven biển đang rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng.

Để giảm bớt thiệt hại và ổn định đời sống cho người dân, các địa phương đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tích cực triển khai các giải pháp cấp bách đưa nước về cứu hạn.

Lúa mất mùa, dân “khát”

Bà Phạm Thị Dung (xã Phong Tân, huyện Giá Rai, Bạc Liêu), đứng bên ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch, buồn rầu nói rằng vụ này gia đình thiệt hại rất lớn. Nguyên nhân là khi cây lúa vào kỳ trổ đòng bị thiếu nước nên không kết hạt được, đến ngày thu hoạch nhưng bông đứng thẳng như... bắp trổ cờ. “Mất cả trăm triệu đồng tiền phân, thuốc và hơn 700 lít dầu để bơm nước cứu lúa nhưng 6 ha lúa vẫn thiệt hại hơn 70%. Lúa này để vịt ăn chứ không thương lái nào mua vì chê hạt lép. Chưa năm nào thiệt hại nghiêm trọng như năm nay”, bà Dung nói. Đứng cạnh đó, ông Nguyễn Văn Vạn (ở ấp 19, xã Phong Tân) cũng cho biết: “Vụ này nhà tôi cũng thiệt hại đến 70%, vụ sau còn lo ảnh hưởng do nhiễm mặn. Một công (1.000 m2) mất từ 2 - 2,2 triệu đồng chi phí nhưng giờ chỉ thu hoạch được vài trăm ngàn”.

Ông Nguyễn Văn Vạn ở ấp 19 xã Phong Tân, huyện Giá Rai (Bạc Liêu) trên cánh đồng lúa thiệt hại nặng do thiếu nước.


Trong khi đó, người dân các xã cù lao Lợi Quan trên sông Tiền (huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang) đang phải chật vật chống “khát”. Anh Trương Hữu Quan (xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông) cho biết từ tháng 3 đến nay gia đình anh phải tiết kiệm nước sinh hoạt tối đa. “Các ao hồ trên địa bàn cạn khô đáy hết rồi. Giếng đào giờ không có một giọt nước. Còn giếng khoan thì phải khoan vài trăm mét mới có nước ngọt, nhưng đâu phải ai cũng có tiền khoan giếng. Giờ gia đình tôi phải mua từng can nước để ăn uống, tắm giặt. Giá nước ngọt cũng đắt đỏ, gần cả trăm ngàn đồng một mét khối”, anh Quan than thở.

Theo ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông, nguồn cấp nước sinh hoạt phục vụ nhân dân địa phương dựa vào các ao chứa chính là Tân Thới, Phú Thạnh, Phú Đông, Tân Thạnh, Tân Thành và ao 6 ha Tân Thới. Tuy nhiên, đến đầu tháng 4 này thì các ao Phú Đông, Tân Thới, Tân Thạnh, Tân Thành đã hết nước. Hai ao Phú Thạnh và ao 6 ha Tân Thới dù còn nước nhưng cũng đang cạn dần, chỉ có thể cấp nước sinh hoạt trong thời gian ngắn.

Không chỉ ở cù lao Lợi Quan, hiện người dân ở các địa phương ven biển ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... cũng đang thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng. Nhiều nơi như huyện Bình Đại (Bến Tre) người dân phải mua nước ngọt (không phải nước sạch) với giá lên đến 130.000 đồng/m3.

Khẩn trương cứu lúa, cứu khát

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Giá Rai, huyện đã khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại cho bà con để có hướng hỗ trợ. Hiện diện tích lúa trên địa bàn huyện bị thiệt hại từ 30% trở lên khoảng 200 ha. “Giải pháp cứu lúa cho bà con là bơm chuyền, nạo vét các tuyến kênh, dẫn nước từ kênh Vĩnh Phong về. Hiện những địa phương thiếu nước ngọt cục bộ, huyện đã xử lý kịp thời”, ông Trương Văn Phương, Phó Chi cục Trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, cho biết. Theo ông Phương, xâm nhập mặn năm nay sớm hơn mọi năm và căng thẳng hơn. Giữa tháng 3, nhiều tuyến kênh ở Giá Rai đã trơ đáy, đúng thời điểm lúa trổ đòng. Thiếu nước, lúa không trổ đòng được hoặc trổ nhưng không kết hạt. Chi cục thủy lợi đã thực hiện đắp đập, bơm nước chuyền từ kênh lớn vào và hỗ trợ nhân dân bơm nước với kinh phí hơn 2 tỷ đồng để chống hạn.

Theo Chi cục thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, vụ đông xuân đã thu hoạch gần xong nên tình hình hạn mặn không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, một số địa phương trong tỉnh đang xuống giống vụ xuân hè. “Theo kế hoạch, vụ xuân hè chỉ xuống giống khoảng 38.000 ha nhưng hiện người dân đã xuống giống lên đến 57.000 ha mặc dù tỉnh đã có khuyến cáo người dân không nên xuống giống ở vùng thiếu nước ngọt. Hiện Chi cục đang theo dõi con nước để tiến hành bơm trữ lên kênh. Tuy nhiên trong tháng 4 này, khả năng con nước ngọt rất hiếm nên không thể lấy được. Chi cục cũng đã đề xuất lấy nước có độ mặn dưới 1,5%o để hòa vào lượng nước còn lại trên đồng nhằm đảm bảo nguồn nước cho sản xuất”, ông Hà Tấn Việt, Chi cục Trưởng Chi cục thủy lợi, cho biết.

Trong khi đó, để giải quyết nhu cầu cấp thiết cho người dân trên cù lao Lợi Quan, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang đã chỉ đạo ngành cấp nước tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công công trình nâng cấp tuyến ống chuyển tải nước thô từ ao 6 ha Tân Thới về các trạm cấp nước phía Đông để cung cấp cho các xã đã hết nước. Riêng đối với xã cù lao Tân Thạnh, tỉnh Tiền Giang đang khẩn cấp triển khai phương án thuê sà lan chở nước ngọt từ Mỹ Tho về cung cấp cho bà con. Trong tuần đầu tháng 4, đã có một sà lan chở 900 m3 nước từ nhà máy nước Đồng Tâm về tiếp ứng và việc tiếp nước này sẽ kéo dài cho tới cuối tháng 4 với kinh phí lên đến 1 tỷ đồng.

Ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết trước tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã yêu cầu các tỉnh tăng cường chỉ đạo, giám sát tình hình tại địa phương. Ngành nông nghiệp các tỉnh khuyến cáo người dân bố trí vụ hè thu 2015 thận trọng, tham khảo dự báo thủy văn thường xuyên. Nếu cần thì chuyển đổi cây trồng vật nuôi và điều chỉnh lịch thời vụ để chống hạn, mặn.

M.T
Hạn hán ở Trung Bộ kéo dài đến cuối tháng 8
Hạn hán ở Trung Bộ kéo dài đến cuối tháng 8

Do có mưa chuyển mùa nên tình trạng khô hạn tại Tây Nguyên, Nam Bộ đã được cải thiện. Riêng tại các tỉnh Trung Bộ, hạn hán được dự báo kéo dài đến cuối tháng 8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN