Cùng học nhạc với con

Nhiều bố mẹ đã trải qua thời thơ ấu chỉ học chữ mà không học nhạc, giờ mong ước con mình ngay từ nhỏ đã có thể “mắt lim dim đàn một bản nhạc”. Chỉ có điều, nên cho con học nhạc từ tuổi nào, học ra sao là điều không phải ai cũng biết.

Phát sốt vì sợ học đàn

Trước khi có bầu thằng cu Tí, hai vợ chồng chị Thu Hà (Nghĩa Tân, Hà Nội) chẳng bao giờ biết nhà soạn nhạc Mozart là ai. Quanh năm anh chị chỉ chạy ngược chạy xuôi với công ty của nhà, rồi tiệc tùng cảm ơn đối tác đã hết ngày, hết tháng. Thế rồi, cuộc cách mạng đã xảy ra khi chị có mang. Nghe bạn bè tư vấn, chị Hà tha về xấp lớn xấp bé đĩa nhạc không lời, trong đó có Mozart để nghe, và cho bé nghe.

Học nhạc cùng con cũng là cách thư giãn.

“Ra hàng đĩa, tôi mua đủ thứ nhạc không lời. Ai bảo cái gì dễ nghe là mua tất tần tật. Chỉ cốt để cho con thông minh. Ngày nào cũng áp cái tai nghe vào bụng, rồi lại tự mình phải nghe thêm nữa”, chị Hà nhớ lại.

“Thằng cu nghe có vẻ thấy dễ chịu. Mỗi lần thai đạp là tôi cho cháu nghe nhạc, thế là yên. Nhưng với mình thì là cả một cực hình. Nghe cũng không hiểu gì, càng cố hiểu càng thấy căng thẳng. Chỉ được cái, mệt quá tôi đâm dễ ngủ, đặt lưng xuống là ngủ ngon lành”.

Chính vì nhận thấy sự “yếu kém” của mình như thế nên chị Hà đã “nung nấu” từ khi có mang rằng sẽ cho con mình học đàn sớm. “Học để đỡ ngớ ngẩn như bố mẹ. Nghe nói trẻ con học nhạc sớm sẽ thông minh, nhớ lâu. Nhìn mấy đứa trẻ con bạn tôi học đâu nhớ đấy mà mình lại thèm”.

Nhưng việc cho con học nhạc của chị Hà không suôn sẻ như con cái mấy người bạn chị. Cu Tí mới chỉ sáu tuổi đã chống đối việc học đàn ra mặt. Cứ nhác thấy cô giáo đến là Tí lủi đi đâu mất, thậm chí có lần, chui cả vào gầm giường. Lúc học, bé không cãi, chỉ cúi gằm mặt và phải hỏi tới mấy lần mới trả lời. Đôi tay lướt trên phím đàn chuệch choạc - nhìn đã biết thiếu tập trung.

“Nhiều lúc, thấy con sợ học đàn cũng thương. Nhưng nghĩ đến tương lai của nó, lại phải ép”, chị Hà thở dài nhớ lại. Việc ép đó kéo dài đến khi cháu có biểu hiện lên cơn sốt trước mỗi buổi học nhạc. Đưa con đi bác sĩ tâm lý, gia đình chị được giải thích, đó chính là phản ứng của cơ thể cháu trước việc bị ép làm điều không thích. Thế là cuối cùng việc học đàn organ của cu Tí được... giải tán.

Học cảm thụ trước khi học đàn

Một nhà xã hội học giấu tên cho biết: Không tiếc tiền dạy con là tâm lý của nhiều người khi kinh tế vững vàng hơn. Không chỉ muốn con khỏe mạnh, họ còn ấp ủ con mình phải thật cao lớn và tài năng. Chính vì thế, để “văn võ song toàn”, bao giờ các cháu cũng được học “kèm” một loại hình nghệ thuật. Có thể là múa, cũng có lúc là vẽ hoặc đàn, phổ biến là đàn organ. Bà cũng cho biết không ít trẻ phản ứng như bé Tí ở trên.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục âm nhạc, nhạc giao hưởng, nhạc không lời hay bất cứ một thể loại âm nhạc lành mạnh nào, đều có tác dụng tốt tới tinh thần và kích thích sự phát triển não của bé. Ngoài ra, cũng chỉ nên để con tiếp cận âm nhạc qua cảm thụ. Việc học đàn hay không tùy thuộc vào cảm xúc của bé. Chưa kể, việc dạy trẻ học đàn cũng cần có phương pháp riêng vì các bé không thể đủ nhận thức và kiên nhẫn để học cách chơi đàn theo cách giảng dạy thông thường cho người lớn.

Với các bé còn nhỏ (dưới 7 tuổi), học theo nhóm là cách học lý tưởng và tự nhiên nhất. Các bài học được hướng dẫn theo từng nhóm trong đó trẻ em nghe, hát và chơi với bạn bè cùng trang lứa. Thông qua việc cùng chơi nhạc với nhau (đồng tấu, hòa tấu), giúp đỡ khuyến khích lẫn nhau, trẻ sẽ có cơ hội quý giá trong việc nuôi dưỡng tinh thần hợp tác và hòa nhập trong xã hội.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể giúp con mình nâng cao khả năng cảm thụ và phát triển tư duy âm nhạc bằng một số phương pháp như: Cho trẻ nghe đĩa, xem băng ca nhạc phù hợp lứa tuổi, kết hợp với các trò chơi. Ví dụ, cho trẻ nghe một đoạn nhạc trong một bài hát quen thuộc (nếu có phần nhạc không lời càng tốt) và để trẻ đoán xem đoạn nhạc đó nằm trong bài hát nào. Bố mẹ cũng có thể giúp con nhớ những giai điệu tiêu biểu của các bộ phim nổi tiếng bằng cách cho cháu xem đi xem lại những đoạn có nhạc hay. Tại một số trường dạy nhạc, phụ huynh vẫn thường được yêu cầu đi học cùng con là vì thế.

Cùng học với bố (mẹ) hoặc người thân (ông, bà) giúp trẻ có cảm giác hạnh phúc và an toàn, chủ động hơn trong học tập. Bên cạnh đó, cha mẹ còn nắm được những kiến thức tổng quát về âm nhạc với nhận thức của người lớn để có thể giúp con mình học tập, hòa nhập tốt hơn cũng như giúp bé làm bài tập ở nhà, rà soát lại kiến thức âm nhạc có vẻ khá trừu tượng trong suốt quá trình học...

C.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN