Công chúng trẻ đang tiếp cận thông tin theo loại hình báo chí, truyền thông nào?

Theo khảo sát của TS Nguyễn Thị Thúy Hằng, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, chỉ 5,5% trong số 183 sinh viên được hỏi tiếp nhận tin tức thời sự qua báo in; 21,3% qua phát thanh; 73,8% qua truyền hình; 86,3% qua báo điện tử và 86,9% qua mạng xã hội.

Tại hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam – một số vấn đề lý luận và thực tiễn” mới đây, TS Nguyễn Thị Thúy Hằng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) công bố khảo sát “Những đặc điểm của xã hội số và cơ hội, thách thức đối với chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam từ góc nhìn độc giả”.

“Mặc dù mẫu khảo sát còn rất nhỏ (183 sinh viên), mẫu ngẫu nhiên và chưa đủ tính đại diện, nhưng cũng cho thấy sự thay đổi trong hoạt động truyền thông và giải trí của giới trẻ ở Việt Nam hiện nay” TS Nguyễn Thị Thuý Hằng cho biết.

Sự phát triển về công nghệ và tăng trưởng mạnh mẽ số lượng người dùng internet ở Việt Nam là một cơ hội cho việc chuyển đổi số của báo chí Việt Nam. Ngày 19/11 /1997, internet chính thức được cung cấp cho người dân cả nước, tuy nhiên dịch vụ được cung cấp trên hạ tầng mạng điện thoại cố định, tốc độ truy cập còn hạn chế. Đến năm 2003, internet băng thông rộng ADSL (MegaVNN) có mặt trên thị trường. Năm 2009, internet cáp quang FTTH được triển khai với tốc độ truy cập mạng tăng đáng kể so với ADSL. Đây cũng là thời điểm VinaPhone khai trương mạng 3G, mở ra thời kỳ bùng nổ internet cho di động tại Việt Nam. Từ năm 2010, internet Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với xu hướng chuyển dịch từ dịch vụ cáp đồng sang cáp quang. Năm 2016, dịch vụ 4G chính thức được triển khai tại Việt Nam. Năm 2020, dịch vụ 5G đã được đưa vào thử nghiệm tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hiện tại, 3 nhà mạng đang thử nghiệm thương mại 5G với quy mô nhất định.

Sự phát triển công nghệ đã làm tăng trưởng mạnh mẽ số lượng người dùng Internet tại Việt Nam. Nếu vào năm 2000, chỉ 0.25% dân số sử dụng Internet thì 20 năm sau, số người sử dụng internet đã chiếm 73,2% dân số. Theo Báo cáo Digital 2022 của WeAreSocial and Hootsuite, Việt Nam là một trong 20 quốc gia có người sử dụng internet cao nhất thế giới với 72,1 triệu người (chiếm 73,2 % dân số) tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Chú thích ảnh
Biểu đồ cho thấy thời gian dùng internet của các sinh viên.

Khảo sát từ 183 sinh viên trong độ tuổi từ 18 đến 22 cho thấy chỉ 25.1% sinh viên sử dụng internet dưới 6 giờ mỗi ngày, còn 35% sinh viên dành 6-7 tiếng mỗi ngày, 31.1% sinh viên dành 8-9 tiếng mỗi ngày, và có 8.7% sinh viên dành trên 10 tiếng mỗi ngày trên internet. Như vậy 75% các bạn trẻ trong diện khảo sát sử dụng internet hơn 6 giờ mỗi ngày, đó là điều kiện rất thuận lợi để cho thị trường báo chí số

Từ góc nhìn độc giả, đang có một sự dịch chuyển trong thói quen sử dụng phương tiện truyền thông của các bạn trẻ hiện nay. Truyền thông xã hội là phương tiện truyền thông yêu thích nhất của các bạn sinh viên. Khi được hỏi “Phương tiện truyền thông nào bạn ưa thích sử dụng nhất và vì sao?”, phần lớn sinh viên được hỏi đã trả lời là truyền thông xã hội “vì nó được cập nhật liên tục và nhanh chóng”, “vì tính tương tác của các bài đăng cao hơn giúp người đọc có thêm nhiều góc nhìn về một vấn đề”, “do dễ thao tác, kết nối và có thể cập nhật thông tin đồng thời cả giải trí”, “trong thời đại công nghệ số như ngày nay thì mạng xã hội ngày càng phát triển với những trang nổi tiếng cùng những nội dung được đăng tải vô cùng phong phú, đa dạng, vừa thuận lợi cho học tập, vừa cho giải trí hay chăm sóc sức khỏe, kết nối với bạn bè bốn phương”...

Theo TS Nguyễn Thị Thuý Hằng, đây thực sự là một thách thức đối với những người làm báo khi phải cạnh tranh với truyền thông xã hội. Mục đích sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của các bạn trẻ chủ yếu để giải trí (96,2%), cập nhật thông tin (95,6%), học tập (89,6%) và kết nối (88,5%).

Tiếp đó, mạng xã hội đã vượt lên các phương tiện truyền thông đại chúng như báo in, truyền hình, phát thanh và báo điện tử để trở thành kênh tiếp nhận tin tức thời sự phổ biến nhất với các bạn sinh viên. Mạng xã hội được dùng phổ biến nhất trong sinh viên được khảo sát là Facebook (99.5%), tiếp đó là Youtube (84.7%), Instagram (77.6%), Zalo (70.5%), Tiktok (63.4%) và các mạng xã hội khác như Lotus, Viber, WhatsApp... (13.7%). Mặc dù Tiktok là một mạng xã hội mới nhưng đã phát triển rất nhanh và được sử dụng khá phổ biến trong các bạn trẻ.

Đáng chú ý, chỉ có 5,5% trong số 183 sinh viên được hỏi tiếp nhận tin tức thời sự qua báo in và 21,3%  qua phát thanh, trong khi 73,8% qua truyền hình, 86,3% qua báo điện tử và 86,9% tiếp nhận tin tức thời sự qua mạng xã hội.

Chú thích ảnh
Phương tiện tiếp cận thông tin của sinh viên.

Báo điện tử và mạng xã hội được sinh viên lựa chọn nhiều nhất vì tốc độ cập nhật thông tin nhanh chóng và tiện lợi, có tính tương tác cao. Đây cũng là một thách thức đối với những người làm báo Việt Nam từ góc nhìn độc giả.

Khảo sát cũng chỉ ra thách thức từ nguồn nhân lực cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí. Vai trò của nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao trong chuyển đổi số là rất quan trọng, nhưng có thể nói đây cũng là một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số của báo chí Việt Nam. “Riêng về công nghệ thông tin, năm 2020 Việt Nam thiếu 400.000 nhân sự, năm 2021 con số này rơi vào khoảng 500.000 nhân sự” . Để chuyển đổi số thành công, không chỉ cần đội ngũ phóng viên, biên tập viên có chuyên môn nghiệp vụ giỏi mà cần cả những hiểu biết công nghệ mới. Điều đó đặt ra những thách thức đối với việc đào tạo nhân sự báo chí truyền thông trong các trường đại học ở Việt Nam, cũng như thách thức với đội ngũ nhà báo trong việc đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.

Theo TS Nguyễn Thị Thuý Hằng, chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết đối với báo chí Việt Nam. Yêu cầu đó có nhiều thuận lợi, từ quyết tâm chính trị và chủ trương thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở cấp chiến lược. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí, trong đó hỗ trợ 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số: Nền tảng Quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; Nền tảng Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí kịp thời nắm bớt thông tin, dư luận xã hội; Nền tảng Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho các cơ quan báo chí nhằm bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.

Dẫu còn nhiều những thách thức, nhưng khi báo chí Việt Nam hiểu về công chúng, hiểu về nhân lực, hiểu về công nghệ và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương thành những quy định cụ thể trong các hoạt động chuyển đổi số, báo chí Việt Nam sẽ vượt qua, thực hiện chuyển đổi số thành công.

XC/Báo Tin tức
Báo chí thích ứng với chuyển đổi số
Báo chí thích ứng với chuyển đổi số

Trong dòng chảy chuyển đổi số, báo chí chắc chắn không thể nằm ngoài cuộc. Khi người đọc đã có sự thay đổi nhu cầu và thói quen, thì chuyển đổi số là điều bắt buộc, để giúp báo chí gần gũi và phục vụ công chúng tốt hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN