Còn 'xem nhẹ' phổ biến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong sinh viên

Hiện nay,nhiều sinh viên chưa được trang bị kiến thức cũng như chủ động tìm hiểu về sở hữu trí tuệ, từ đó dẫn đến vi phạm cũng như thiệt hại đáng tiếc.

Còn nhiều hạn chế


Hàng ngày, sinh viên tiếp xúc với giáo trình, sách tham khảo khi học tập, cũng như nghiên cứu phải dựa vào các tác phẩm, sản phẩm đã nghiên cứu trước đó. Tuy nhiên, vấn đề sở hữu trí tuệ hiện nay chưa được coi trọng đúng mức. Gần đây nhất vào tháng 2/2017, sinh viên N.T.N.A (Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ và bị nhà trường xử lý kỷ luật, khi sinh viên này đã sao chép và chuyển giao trong trường trái phép 8 tài liệu photo vi phạm tác quyền cũng như quy định của nhà trường.


Đây là thực trạng không phải hiếm trong giới sinh viên hiện nay, khi sao chép vi phạm tác quyền diễn ra khá phổ biến. Sinh viên L.V.H (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, phần lớn sinh viên không có điều kiện để trang bị tất cả các tài liệu phục vụ việc học, nhất là sách tham khảo, mở rộng… vì kinh tế eo hẹp. Sinh viên thường photo các giáo trình, sách tham khảo này để về đọc, nghiên cứu mà không hề nghĩ tới vi phạm bản quyền.


Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo (Cục Sở hữu trí tuệ), đây là điều phổ biến trong sinh viên. Đúng là nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nhưng đây không phải lý do bao biện cho vi phạm. Bởi các trường đều có thư viện với nhiều tài liệu khác nhau để sinh viên nghiên cứu, học tập; trong đó có cho mượn sách về nhà đọc. Do vậy, chúng ta phải nâng cao hiểu biết và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Muốn mọi người tôn trọng tài sản trí tuệ của mình, trước hết mình phải tôn trọng tài sản trí tuệ của người khác.


Không chỉ xâm phạm tài sản trí tuệ của người khác, sinh viên hiện còn sao nhãng với chính tài sản trí tuệ của mình. Đứng ở góc độ doanh nghiệp khoa học công nghệ, đồng thời đang giảng dạy tại một số trường đại học, ông Ngô Đắc Thuần, Giám đốc Công ty Cổ phần Ipplus đánh giá, việc phổ biến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong giới sinh viên còn bị xem nhẹ. Do đó, sinh viên tập trung nhiều vào việc hoàn thiện và phát triển sản phẩm mà chưa chú trọng đến vấn đề sở hữu trí tuệ.


Theo ông Ngô Đắc Thuần, các sinh viên khi nghiên cứu, sáng tạo ra một ý tưởng nào đó thì rất ít chú ý đến sở hữu trí tuệ; đồng thời thường bộc lộ ý tưởng đó trước những đối tượng khác. Điều này rất dễ bị đánh cắp ý tưởng, dẫn đến mất quyền sở hữu trí tuệ của mình hoặc tranh chấp phức tạp để đòi lại quyền.


Lợi cả đôi đường


Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), chưa có đánh giá mức độ cụ thể nhưng nhìn chung nhận thức của sinh viên chưa được cao. Chỉ một số trường đại học có quan tâm đến sở hữu trí tuệ, đưa một số môn học và chủ đề này vào giảng dạy và bước đầu sinh viên có nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ.


Với quy mô đào tạo của các trường thành viên hơn 65 ngàn sinh viên chính quy, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là nguồn cung nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhận thức rõ vai trò của sở hữu trí tuệ trong hội nhập, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (IPTC) vào năm 2011 với mục tiêu thúc đẩy phổ biến kiến thức, đào tạo sở hữu trí tuệ, tạo lập tài sản trí tuệ; đồng thời tăng cường gắn kết với doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa tài sản trí tuệ.


Hiện nay, hoạt động sở hữu trí tuệ của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khá sôi động. Trong giai đoạn 2011 – 2016, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có 358 đơn đăng ký về sở hữu trí tuệ, trong đó nhiều nhất là đăng ký giải pháp hữu ích (khoảng 33%), sáng chế (26%), thiết kế bố trí (19%), bản quyền tác giả (15%)… Đến nay, 113 văn bằng đã được cấp, 147 đơn đang thẩm định hình thức và 98 đơn đang thẩm định nội dung.


Không chỉ hoạt động đăng ký bảo hộ, trong hai năm 2014 – 2015, IPTC đã đào tạo cho hơn 100 học viên các kiến thức về Quản trị tài sản trí tuệ nằm trong chương trình hỗ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông Lê Đăng Quang, Chánh Văn phòng IPTC, việc thành lập một trung tâm chuyên về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ là rất cần thiết trong trường đại học. Điều này giúp quảng bá xúc tiến thương mại, đưa các kết quả nghiên cứu của trường đến gần thị trường hơn, tiến tới hình thành các sản phẩm thương mại và phục vụ cộng đồng.


Từ những định hướng của nhà trường, vấn đề sở hữu trí tuệ đã dần lan tỏa ra giới sinh viên, tuy chưa nhiều nhưng đây là những tín hiệu khá tích cực. Việc tuyên truyền đã giúp sinh viên ý thức hơn trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Đây cũng là cơ sở để những ý tưởng sáng tạo được bảo hộ và thương mại hóa trong tương lai.


Đam mê nghiên cứu khoa học, sinh viên Phạm Minh Sang (Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thường xuyên lên mạng internet tìm hiểu về các luật liên quan tới sở hữu trí tuệ. Điều này giúp tránh được những vi phạm khi nghiên cứu, đồng thời bảo vệ thành quả của mình. Mong rằng, sẽ có thêm những cơ chế hỗ trợ nhằm tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, sở hữu trí tuệ của sinh viên, nhất là giúp sinh viên phát triển ý tưởng của mình một cách an toàn, đúng luật và đạt hiệu quả.


Theo ông Lê Ngọc Lâm, nếu các trường đều vào cuộc tuyên truyền sở hữu trí tuệ cho sinh viên thì chắc chắn nhận thức xã hội cũng sẽ tăng lên. Bởi lực lượng trẻ này khi hiểu rõ quyền sở hữu trí tuệ sẽ có thể khai thác quyền hợp lý, đóng góp cụ thể cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.


Tiến Lực (TTXVN)
WIPO sẽ tiếp tục giúp Việt Nam triển kai các dự án về sở hữu trí tuệ
WIPO sẽ tiếp tục giúp Việt Nam triển kai các dự án về sở hữu trí tuệ

Chiều 23/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Francis Gurry.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN