Chuyện những người lính ở đội K: Bài 4 - Nửa đời binh nghiệp đi tìm hài cốt liệt sỹ

Các đội K được giao nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt trên nước bạn Campuchia thường luôn biến động lực lượng từng giai đoạn tìm kiếm. Tuy nhiên, có những người đã gắn bó với công việc này từ những ngày đầu thành lập đội cho đến nay.

Trên mỗi chặng đường của các đội K, họ luôn đồng hành và trở thành chỗ dựa vững chãi cho đồng đội, đặc biệt là những người lính trẻ.

Thất hứa với vợ vì … mải đi tìm đồng đội


Gắn bó với Đội K70 ngay từ ngày đầu thành lập, năm 2001 đến nay, Đại tá Lê Văn Hợp, Đội trưởng Đội K70 là một trong những cán bộ kỳ cựu nhất của lực lượng chuyên trách tìm kiếm, cất bốc hồi hương liệt sỹ của Quân khu 7. Một nửa thời gian trong quân ngũ của Đại tá Trần Văn Hợp gắn với công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia.

Lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia. Những hài cốt này do 2 đội K70 (Quân khu 7) và K71 (Bộ Chỉ huy quân sự Tây Ninh) tìm kiếm được trong mùa khô 2016. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, sau khi tốt nghiệp học khóa đào tạo Trợ lý quận huyện, anh Hợp dự định xin về công tác tại địa phương (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh), để tiện cho việc chăm sóc gia đình. Nhưng đúng thời điểm đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 có chủ trương thành lập các đội chuyên trách công tác tìm kiếm, hài cốt liệt sỹ hy sinh tại Campuchia. Với kinh nghiệm gần 10 năm công tác tại Campuchia, biết tiếng Khmer, hiểu phong tục tập quán và thông thạo địa bàn, nên Trần Văn Hợp lúc đó với hàm Thiếu tá được chọn làm Đội phó Đội K70 thuộc Cục Chính sách, Bộ Tư lệnh Quân khu 7.

Chấp hành lệnh điều động của cấp trên, anh Trần Văn Hợp động viên người vợ trẻ ở nhà chuyên tâm chăm sóc con nhỏ (lúc đó cháu lớn 10 tuổi, nhỏ mới 4 tuổi); rồi xách ba lô về hội quân cùng các chiến sỹ Đội K70, bắt tay ngay vào việc lên kế hoạch huấn luyện, xây dựng phương án triển khai công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ tại Campuchia. Kể lại câu chuyện này, Đại tá Trần Văn Hợp tâm sự: “Ngày đó hứa với vợ là đi một hai đợt rồi sẽ về quê cho gần gia đình. Thế mà, 16 năm rồi, tôi thất hứa với bà ấy, vẫn nguyên ở Đội K70”.

Chia sẻ về những ngày đầu về Đội K70, Đại tá Trần Văn Hợp cho biết: Mọi cái đều mới lạ. Cũng toàn những người trước thì cầm cuốc, sau thì cầm súng, đâu có ai biết gì về việc tắm rửa, mai táng hài cốt. Lần đầu tiếp xúc với hài cốt liệt sỹ, không chỉ chiến sỹ, ngay cả cán bộ cũng hồi hộp lúng túng. Vừa làm vừa tìm hiểu, học hỏi, rút kinh nghiệm nên mọi cái rồi cũng quen.

“Điều phần quan trọng là, cán bộ và các lớp chiến sỹ trong đội đều rất nỗ lực, phấn đấu làm tốt công việc của mình vì xác định đây không chỉ là nhiệm vụ cấp trên giao mà còn là một việc làm nhân đạo cao cả, rất có ý nghĩa trong cuộc sống, mang lại niềm vui, giảm bớt nỗi buồn cho gia đình các bác, các chú, các anh đã ngã xuống nơi xứ người”, Đại tá Hợp chia sẻ.

Nhìn lại quá trình hơn 16 năm đi tìm đồng đội, Đại tá Trần Văn Hợp cho rằng, việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt các liệt sỹ chưa bao giờ là dễ dàng cả. Ngoài những khó khăn chung như khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, làm việc ở địa bàn nước ngoài, thì mỗi thời kỳ đều có những cái khó khăn riêng đòi hỏi tất chiến sỹ các đội K phải vượt qua, xứng đáng là anh bộ đội Cụ Hồ, thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của người lính trong thời bình với các thế hệ cha anh đi trước.

Người chính trị viên và 2.338 hài cốt liệt sỹ

Tiếp chúng tôi sau khi vừa cùng anh em chiến sỹ của Đội K71, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh đi khảo sát, nắm thông tin vệ khu mộ liệt sỹ ở huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, Đại tá Lê Văn Mỹ, Chính trị viên Đội K71, nói: Ngay sau khi từ Campuchia về, nắm được thông tin có khu mộ liệt sỹ là anh em lại xuống địa bàn khảo sát, tìm hiểu ngay. Ngay trong tuần sau chúng tôi xuống làm việc với chính quyền địa phương, bắt tay ngay vào công việc.

Câu chuyện giữa chúng tôi và Đại tá Lê Văn Mỹ cùng những người đồng đội của anh xoay quanh những câu chuyện, kỷ niệm xúc động về hành trình của những người lính đi tìm hài cốt liệt sỹ hy sinh trên đất bạn, đưa về quê hương, đặc biệt là những kỷ niệm gắn liền với quá trình tìm, quy tập hơn 2.338 hài cốt liệt sỹ mà anh trực tiếp tham gia.

Quang cảnh nghi lễ an táng hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam tại Nghĩa trang Liệt sỹ Đồi 82, huyện Tân Biên (Tây Ninh). Trong đó có 347 bộ hài cốt quân tình nguyện Việt Nam được hai đội K70, K71 tìm kiếm, cất bốc, hồi hương trên đất Campuchia về. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Đội K71 đảm nhận nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sỹ trên địa bàn 5 tỉnh của Campuchia gồm Kampong Cham, Siem Reap, Battambang, Oddar Meanchey và Banteay Meanchey. Đây là địa bàn rất rộng, địa hình phức tạp, thế nhưng trên mọi hành trình của Đội K71, Đại tá Lê Văn Mỹ đều có mặt, cùng với anh em chiến sỹ vượt núi, băng rừng, tìm hài cốt liệt sỹ trên đất bạn Campuchia. “Nhiều khi đi có thông tin mà tìm nhiều ngày không thấy mộ, mình luôn cảm thấy thiếu cái gì đó, bồn chồn trong người. Lúc đó, phải động viên anh em chiến sỹ tiếp tục đào tìm”, Đại tá Lê Văn Mỹ bộc bạch.

Khi bắt tay vào công việc, Đại tá Lê Văn Mỹ luôn xác định với bản thân và anh em, quyết tâm “làm dứt điểm, phát hiện đến đâu, làm ngay đến đấy, không phân biệt địa bàn được phân công. Chủ động sáng tạo, linh hoạt, tập trung rà soát kỹ địa bàn được phân công, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện, trang bị, giữ vững mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau với người dân địa phương”.

Với thời gian dài gắn bó với công việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, Đại tá Lê Văn Mỹ đã trực tiếp thực hiện quy trình, bắt đầu từ tìm kiếm, phát hiện được hài cốt, cất bốc đưa về nước, tìm người thân, bàn giao cho gia đình. Mỗi lần như vậy, để lại cho người chính trị viên này những cảm xúc đặc biệt.

Đến bây giờ, Đại tá Lê Văn Mỹ thuộc lòng, nắm rõ từng đặc điểm của hài cốt cũng như vị trí hài cốt của liệt sỹ do Đội K71 quy tập và đang được án táng tại các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Chia sẻ về cảm xúc của mình, Đại tá Lê Văn Mỹ tâm sự: Tuy quá trình tìm kiếm có nhiều vất vả, khó khăn nhưng mỗi lần bàn giao hài cốt, thấy niềm vui của thân nhân liệt sỹ, những vất vả trong chúng tôi như tan biến và có thêm động lực để tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng này.

Trong những câu chuyện kể với chúng tôi, các anh Trần Văn Hợp, Lê Văn Mỹ, đều không nói nhiều về khó khăn, vất vả mà luôn có chung một nỗi băn khoăn: Thời gian không đợi chúng ta. Các nhân chứng phần lớn đã chết hoặc nếu còn thì đã già, yếu, nên các thông tin về liệt sỹ ngày một ít và không còn chuẩn xác.

Theo các anh, một ngày trôi qua là thêm một ngày nguy cơ địa hình, địa vật bị thay đổi và các di vật, hài cốt có nguy cơ bị hủy hoại, mất dần đi. Vì thế có những nơi, có những trường hợp, anh em phải tìm kiếm không chỉ một lần, mà nhiều lần, không chỉ một năm mà nhiều năm, cho đến khi nào tìm thấy hoặc đủ yếu tố xác định đó là thông tin chưa chính xác. “Chúng tôi luôn nỗ lực, đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình để sớm tìm được và đưa các bác, các chú, các anh về quê hương sớm ngày nào, hay ngày đó”, các anh chia sẻ.

(Còn tiếp bài 5 - Tìm lại tên liệt sỹ qua những bài báo).

Anh Tuấn - Xuân Khu (TTXVN)
Chuyện những người lính ở đội K: Bài 3 - Hóa giải nhiều tình huống khó
Chuyện những người lính ở đội K: Bài 3 - Hóa giải nhiều tình huống khó

Với anh em chiến sỹ đội K, sau khi có thông tin, địa điểm hài cốt liệt sỹ rõ ràng nhưng việc triển khai cất bốc hài cốt nhiều lúc cũng rất nan giải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN