Chuyên gia lên tiếng trước lời kêu cứu trẻ liệt chân vì trị… viêm phổi

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng chia sẻ clip một bé gái ở Bắc Ninh bò lết trên thềm nhà cùng bức thư kêu cứu của người cha gửi đến cơ quan chức năng, nhằm làm rõ nguyên nhân cháu bé vào viện điều trị vì viêm phổi nhưng lại bị liệt chân.

Ngày 17/2, trên trên facebook của anh Nguyễn Khắc Tạo, thôn Lạc Nhuế, xã Thị Hòa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, tiếp tục chia sẻ: Đã hơn 5 tháng nay, gia đình tôi đưa cháu đi chạy chữa khắp nơi mà bệnh tình cháu vẫn chưa hồi phục đi lại được mà bên chân bị liệt đang teo đi rất nhiều. Vì vậy, tôi đăng tải thông tin này để nhờ truyền tải đến các cấp có thẩm quyền. Đặc biệt, Sở Y Tế Bắc Ninh sớm đưa ra được nguyên nhân, kết quả do đâu mà cháu bị liệt. Nếu do tắc trách trong điều trị thì Bệnh viện Yên Phong phải có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ, bồi thường để chữa trị cho cháu bé.

Chuyên gia y tế nhận định cháu bé mắc phải hội chứng Guillain-Barré, hội chứng mà y học rất hạn chế trong việc điều trị. Ảnh:  Anh Khắc Tạo chia sẻ trên facebook

Trước đó, ngày 19/9/2016, gia đình anh Tạo đã đưa con gái là cháu Nguyễn Thị Hải Yến (SN 2014) đến Bệnh viện Đa khoa Yên Phong, Bắc Ninh, điều trị viêm phế quản phổi. Sau đó, chân phải cháu bé bị đau, đi tập tễnh và liệt hoàn toàn.


Do tình trạng của cháu không chuyển biến, cháu Yến được chuyển tuyến lên Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh. Lúc này, sức khỏe của Yến đã ổn định nhưng chân phải vẫn bị liệt nên tiếp tục chuyển lên Bệnh viện nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ cho cũng đã chẩn đoán cháu Yến bị Hội chứng Guillain-Barré thể sợi trục và chuyển sang khoa thần kinh để điều trị. Hội đồng chuyên môn Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cũng khẳng định các y bác sĩ làm đúng quy trình chuyên môn... Tuy vậy, gia đình vẫn đề nghị Bộ Y vào cuộc làm rõ nguyên nhân.


Theo BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, việc người cha tiếp tục kêu cứu là điều dễ hiểu, vì bất cứ ai ở trong hoàn cảnh đó đều có tâm trạng "của đau, con xót" và lo lắng cho tương lai của cháu bé.


Tuy nhiên, trước một vụ việc liên quan tới y khoa thì cộng đồng , nhất là thân nhân cháu bé cần bình tĩnh, lắng nghe ý kiến chuyên gia, tránh vội vàng đổ lỗi, mạt sát nhân viên y tế... Bởi lẽ, ngay chính bản thân cán bộ y tế cũng rất dằn vặt, trăn trở trước mỗi ca bệnh khó và có những diễn biến không thuận lợi.


“Tôi đã từng có rất nhiều người quen, người thân và bạn bè có con, có cháu bị viêm họng cấp, nhưng chỉ vài tuần sau tự dưng một vài khớp nhỡ (khớp gối, khớp cổ và khửu tay...) sưng lên, nóng, đỏ và đau, thậm chí có trường hợp sau nhiều năm xuất hiện hẹp hở van hai lá rồi suy tim. Tất cả các biểu hiện này đều xuất phát từ viêm họng cấp ban đầu do chủ quan không đi khám và điều trị, không dùng thuốc dự phòng đủ liều và thời gian”, BS Lương Quốc Chính chia sẻ.


Theo BS Lương Quốc Chính, viêm họng cấp do liên cầu khuẩn ở trẻ em, thiếu niên... rất dễ dẫn tới những biến chứng khó lường. Khi liên cầu khuẩn xâm nhập, cơ thể sẽ có phản ứng bảo vệ là sinh ra miễn dịch chống lại. Cứ mỗi lần nhiễm liên cầu khuẩn thì cơ thể lại có phản ứng miễn dịch mạnh hơn. Nhưng một điều không may mắn là ở một số người, ngoài việc chống lại vi khuẩn, phản ứng miễn dịch của cơ thể lại chống lại chính các mô liên kết ở khớp và tim của cơ thể để gây bệnh. Y học gọi bệnh này là thấp khớp, thấp tim hay dân gian gọi là “thấp khớp đớp vào tim”. Do đó, không phải sự cố y tế nào cũng có thể buộc tội nhân viên y tế.


“Qua tìm hiểu tài liệu và ý kiến của một số chuyên gia hàng đầu, tôi thấy cách lý giải về bệnh của cháu bé nêu trên là có cơ sở theo cơ chế đã phân tích nêu trên. Bệnh cảnh liệt chân sau viêm phổi của cháu bé tương tự với diễn biến của Hội chứng Guillain-Barré. Một trong những nguyên nhân khá thường gặp của hội chứng Guillain-Barré là do vi khuẩn và/hoặc vi-rút gây viêm họng, viêm phổi, và sau một vài ngày thì liệt có thể xuất hiện do đáp ứng miễn dịch quá mức đã tấn công chính hệ thần kinh ngoại vi của cơ thể. Hiện nay y học còn rất hạn chế trong việc điều trị hội chứng này”, BS Lương Quốc Chính nhận định.


Các triệu chứng gợi ý cần chú ý gồm: Tê hoặc ngứa ở bàn tay hoặc chân, và đôi khi ở xung quanh miệng và lưỡi; Yếu cơ ở chân, tay và hai bên mặt; Nói, nhai và nuốt khó; Sụp mi mắt, không thể chuyển động mắt; Đau lưng. Các triệu chứng thường bắt đầu bằng tê hoặc ngứa ở ngón tay và ngón chân. Qua một vài ngày, xuất hiện yếu cơ ở chân và tay. Sau khoảng 4 tuần, phần lớn người bệnh có thể hồi phục dần nhưng ở một số trường hợp, bệnh gây biến chứng nặng nề.


Hội chứng Guillain-Barré là một bệnh tự miễn được kích hoạt bởi một số yếu tố môi trường (ví dụ như các yếu tố gây bệnh hoặc yếu tố căng thẳng). Một vài loại nhiễm trùng thường do virút Epstein-Barr, virút Varicella-Zoster gây bệnh thủy đậu, virút Herpes, vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae gây viêm phổi, vi khuẩn Campylobacter jejuni gây nhiễm trùng đường tiêu hóa… Đôi khi, phẫu thuật cũng được ghi nhận là yếu tố kích hoạt. Hội chứng Guillain-Barré có nhiều thể khác nhau đều cùng gây tổn thương vỏ myelin của các dây thần kinh. Tuy nhiên, gần đây, hội chứng Guillain-Barré thể trục được cho là hậu quả/xuất hiện sau tình trạng tiêu chảy/nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn Campylobacter jejuni (mầm bệnh phổ biến nhất liên quan tới hội chứng này).


BS Lương Quốc Chính khuyến cáo, với trẻ nhỏ, sau bất cứ loại nhiễm trùng nào như mô tả ở trên mà xuất hiện các triệu chứng gợi ý tới hội chứng Guillain-Barré thì cần phải đi khám bác sĩ ngay hoặc cần phải giữ trẻ tại bệnh viện để theo dõi và điều trị vì hội chứng này có thể gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề.


Phương Liên
Bộ Y tế yêu cầu xác định rõ trách nhiệm vụ 2 bệnh nhân tử vong tại BV Trí Đức
Bộ Y tế yêu cầu xác định rõ trách nhiệm vụ 2 bệnh nhân tử vong tại BV Trí Đức

Bộ trưởng Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh vừa đề nghị Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan để xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong của hai bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN