Chuyên gia bật mí 'bí quyết' thành công của ca ghép phổi đầu tiên

Ghép phổi từ người cho sống là một kỹ thuật khó, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, đặc biệt là con người.Thiếu tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, đã trao đổi với phóng viên xung quanh các yếu tố tạo lên sự thành công cho ca ghép phổi đầu tiên này.

Ca ghép phổi đầu tiên cho bệnh nhi kéo dài trong 10 giờ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp


Giáo sư có thể cho biết chi tiết hơn về ca ghép phổi đầu tiên vừa được thực hiện thành công tại Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y?

Ngày 21/2, Bệnh viện Quân y 103, Học viện quân y, đã phối hợp với chuyên gia của Nhật Bản tiến hành thành công ca ghép phổi cho cháu Ly Chương Bình, 7 tuổi người dân tộc Dao, quê ở Hà Giang.


Cháu Bình mắc bệnh giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa 2 phổi, giống như trong phổi có những túi hình chùm nho, gây ứ đọng dịch tiết ở đó khiến cháu bé bị nhiễm trùng thường xuyên. Biểu hiện khởi phát của cháu đã xuất hiện từ khi bé được 2 tháng và kéo dài đến giờ là 7 tuổi. 


Do tổn thương kéo dài, phổi bệnh nhi bị phá hủy, chức năng phổi kém. Bên cạnh đó, bệnh còn ảnh hưởng đến tim và cả dinh dưỡng khiến cháu Bình nhỏ hơn so với độ tuổi.


Muốn điều trị cho cháu bé và thực hiện ca ghép, chúng tôi cần 2 lá phổi từ người cho để thay 2 phổi của cháu. Sau đó, chúng tôi đã có một lá phổi của bố, người mẹ cũng muốn cho con nhưng không hòa hợp về các yếu tố khi kiểm soát nên cuối cùng là xin phổi của người bác ruột. 


Phải nói tôi rất khâm phục bác ruột đó, anh đã rất thương cháu, tình nguyện cùng trải qua ca phẫu thuật để cứu chữa cho cháu.


Sau khi mọi công tác chuẩn bị xong, chúng tôi tiến hành ca mổ từ 7 giờ 30 sáng đến 17 giờ 30 ngày 21/3 và ca mổ đã thành công.


Cho đến giờ, hai người cho phổi đã hồi phục, tỉnh táo và nói chuyện bình thường, các chỉ số sinh tồn rất tốt. Đến hôm nay, các chỉ số của bệnh nhi nhận 2 lá phổi cũng tốt hơn hôm qua. Các chuyên gia đang theo dõi sát, tiếp tục điều trị cho cháu bé.


Để có thể tiến hành ca ghép này, đơn vị đã chuẩn bị từ bao giờ và như thế nào?


Chúng tôi đã phải chuẩn bị từ rất nhiều năm nay, việc thực hiện ca ghép phải trên nền của cơ sở vật chất, trang thiết bị và truyền thống, kinh nghiệm ghép tạng đã có từ nhiều năm của Học viện. 


Cụ thể, thành công đầu tiên trong ghép tạng của Học viện quân y bắt đầu từ 1992 với ca ghép thận đầu tiên; năm 2004 là ca ghép gan đầu tiên, 2010 ghép tim đầu tiên, năm 2014 là ghép tụy, thận đầu tiên, và nay là ghép phổi đầu tiên.


Từ sự tiếp nối đó, cùng với sự tiếp cận mới về những đặt thù trong triển khai kỹ thuật ghép phổi, chúng tôi cũng chuẩn bị rất kỹ về con người. Khâu chuẩn bị này rất quan trọng, phải chú trọng bồi dưỡng từ kiến thức lý thuyết, thực hành, lẫn cả việc cử nhân viên đi học tiếng Anh ở nước ngoài học. Đến nay, đội ngũ y tá và cả bác sĩ của chúng tôi đều có thể trao đổi với chuyên gia mà không cần đến phiên dịch.


Trong lần ghép tạng này, chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị kỹ về trang thiết bị, với sự hỗ trợ của các bệnh viện bạn như: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sở dĩ phải có sự hỗ trợ là vì bệnh nhân nhỏ tuổi, các thiết bị y tế đòi hỏi phải phù hợp; do đó, ngoài đi “mượn”, Học viện còn phải mua thêm một số trang thiết bị cần thiết cho ca ghép.


Ở ca ghép đầu tiên này, các y bác sĩ của Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ như thế nào từ chuyên gia Nhật Bản. Thành công này mở ra hy vọng như thế nào cho bệnh nhân, thưa Giáo sư?


Để thực hiện ca ghép, các y bác sĩ Việt Nam và các chuyên gia Nhật Bản đã phối hợp nhịp nhàng, ăn ý trong từng khâu. Chúng tôi xác định, cần học hỏi kinh nghiệm các chuyên gia Nhật và quan trọng là giữ lấy thành công của ca ghép, chính là tính mạng của người bệnh.


Tỷ lệ sống của bệnh nhân phụ thuộc nhiều tới bệnh gốc là bệnh gì, tại thời điểm ghép đã ảnh hưởng đến cơ quan khác chưa, sau ghép cũng cần chăm sóc tốt để chống nhiễm trùng, thải ghép…. Theo thông báo của các chuyên gia Nhật Bản, tỷ lệ sống thêm của các bệnh nhân sau 5 năm ghép phổi lên tới 85%.


Có thể khẳng định ghép phổi là một kỹ thuật khó nên giờ chúng ta mới có thể triển khai. Thực tế, có rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc ghép phổi. 


Phổi là cơ quan được thông qua với bên ngoài bằng chính đường dẫn khí để hít thở hàng ngày. Lá phổi sau khi được ghép vào cơ thể bệnh nhân rồi, vẫn phải tiếp xúc với môi trường bên ngoài gồm không khí, nhiệt độ và độ ẩm khác nhau, đặc biệt là vi khuẩn. 


Sau khi ghép, bệnh nhân phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch nên dễ bị nhiễm khuẩn, hay gọi là nhiễm trùng cơ hội. Trong trường hợp này, chất lượng cuộc ghép dễ ảnh hưởng xấu, gây nguy hiểm cho cuộc ghép.


Bên cạnh đó, phổi là 1 tạng, trong đó có hạch huyết là một cơ quan có chức năng miễn dịch; vì thế, bản thân nó sẽ phản ứng khi đưa vào cơ thể, việc chăm sóc dùng thuốc đòi hỏi cũng phải có lộ trình…


Thành công của ca ghép này đã tạo một phương pháp chữa bệnh mới, dù trên thế giới đã được nhưng đây là lần đầu tiên như ở Việt Nam. Các bác sĩ sẽ biết đến một thông điệp nữa, đó là còn một giải pháp mới cho bệnh nhân bị tim bẩm sinh như bệnh nhi Ly Chương Bình hoặc những bệnh nhân bị tổn thương dẫn đến phổi bị xơ, nhất là bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.


Giờ đây, các bác sĩ đã có thể khuyến cáo bệnh nhân tới chúng tôi để được xem xét ghép phổi, bởi Học viện Quân Y luôn mong muốn thực hiện được thêm nhiều cuộc ghép tạng để cứu sống, điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.


Phương Liên (ghi)
Lần đầu tiên, ghép phổi thành công cứu sống bệnh nhi 7 tuổi
Lần đầu tiên, ghép phổi thành công cứu sống bệnh nhi 7 tuổi

Sáng 22/2, Học viện Quân y tổ chức gặp mặt báo chí thông báo về thành công của ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam, cứu bệnh nhi 7 tuổi thoát khỏi nguy cơ tử vong vì căn bệnh giãn phế quản bẩm sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN