Chung sức bảo vệ chủ quyền biển đảo

Bên lề Quốc hội, đại biểu Phan Văn Quý (đoàn Nghệ An) cho biết đề xuất thành lập Quỹ xã hội từ thiện về biển đảo để hỗ trợ ngư dân bám biển.


Đại biểu Phan Văn Quý, đoàn Nghệ An


Ông có đề xuất thành lập Quỹ xã hội từ thiện về biển đảo, vậy việc lập quỹ này sẽ hỗ trợ ngư dân cụ thể như thế nào?


Theo tôi, chúng ta cần sớm có chủ trương thành lập Quỹ xã hội từ thiện về biển đảo, để kết nối những tấm lòng của người dân đất liền và kiều bào ta ở nước ngoài;hỗ trợ, giúp đỡ và động viên những tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt những trường hợp bị rủi ro trong khi thực hiện nhiệm vụ. Đây cũng sẽ là nơi thể hiện chính kiến và tấm lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Vậy tiêu chí của Quỹ sẽ hoạt động ra sao, thưa ông?


Từ khi Trung Quốc ngang nhiên đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã dấy lên sự phản đối của người dân Việt Nam trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, có những trẻ em nhịn ăn sáng, người bán ve chai… sẵn sàng dành đồng tiền tích góp được ủng hộ lực lượng chấp pháp trên biển và ngư dân đang bám biển tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan. Do đó, Quỹ xã hội từ thiện về biển đảo sẽ tiếp sức thêm cho lực lượng này. Trước tiên, quỹ sẽ huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp trên cả ba miền đất nước và cả Việt kiều, bạn bè quốc tế. Quỹ sẽ hỗ trợ những ngư dân bám biển gặp rủi ro, động viên tinh thần lực lượng chấp pháp đang bám biển.


Cùng với đề xuất thành lập Quỹ xã hội từ thiện về biển đảo, theo ông để có thể phát triển kinh tế biển bền vững, chúng ta tập trung vào vấn đề cụ thể nào, thưa ông?


Tôi cho rằng cần tập trung đầu tư cho kinh tế biển một cách hợp lý, có chính sách đồng bộ và cơ chế đặc thù cho kinh tế biển và ngư dân bám biển. Tôi nhất trí cao với Nghị quyết của Chính phủ về gói tín dụng ưu đãi cho ngư dân đóng thuyền vỏ sắt thay cho thuyền vỏ gỗ để bám biển, khai thác hải sản trên vùng biển chủ quyền.


Chúng ta cũng cần có kế hoạch tập huấn, đào tạo cho ngư dân đi biển có kiến thức cơ bản về pháp luật quốc tế, kiến thức chuyên môn và quản lý khi thay đổi từ thuyền vỏ gỗ sang thuyền vỏ sắt. Tuy nhiên, để  chuyển từ quản lý mô hình nhỏ lên quản lý mô hình lớn, cần phải có quá trình tập huấn và đào tạo.Như chúng ta đã từng biết, quan hệ sản xuất phải luôn luôn đi đôi với lực lượng sản xuất. Đồng thời, phổ biến cho ngư dân nắm bắt được đầy đủ chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là phát triển kinh tế biển đi đôi với kiên trì đấu tranh hòa bình để giữa vững an ninh, chủ quyền biển đảo.


Bên cạnh đó, cần ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các vùng biển đảo để thu hút dân cư sinh sống và làm việc; xây dựng các vùng neo đậu để làm nơi hậu cần sửa chữa tàu thuyền, trú bão cho ngư dân bám biển. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân với các lực lượng trên biển như cảnh sát biển, kiểm ngư, các đơn vị quân đội... nhằm khai thác có hiệu quả kinh tế biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và bầu trời của Tổ quốc.


Để giảm lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, ông có đề xuất giải pháp nào, thưa ông?


Theo tôi, thông qua chương trình Cánh đồng mẫu lớn trong nông nghiệp, cần tạo ra các vùng trồng nguyên liệu để cung cấp cho các nhà máy công nghiệp như may mặc, giày da... mà lâu nay chúng ta phải nhập khẩu. Tuy nhiên để thực hiện việc này cần có thời gian và quy hoạch tổng thể.


Xin cám ơn ông!


Xuân Cường

(thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN