Chọn chủ đầu tư để chỉnh trang đô thị và tái định cư

Trong nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng lại được một số chung cư cũ hư hỏng nặng và di dời, tái định cư nhiều hộ dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng kết quả còn rất thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu tái định cư cũng như chỉnh trang đô thị của TP Hồ Chí Minh.

 Nguyên nhân chủ yếu là do thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành mất rất nhiều thời gian, chưa hợp lý.

Nhiều chung cư cũ xuống cấp trầm trọng

Tại buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh sáng ngày 6/6, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), cho biết đã có nhiều chung cư tái định cư mới đã được xây dựng và di dời được nhiều hộ dân từ những chung cũ đang gặp nguy hiểm sang chung cư khác, điển hình đã di dời tái định cư toàn bộ hộ dân chung cư lô IV, lô VI Thanh Đa; di dời hơn 98% hộ dân của chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 5) đang trong tình trạng nguy hiểm sang chung cư 109 Nguyễn Biểu kế cận… Nhưng hiện nay, thành phố vẫn còn khoảng 474 chung cư cũ cần được kiểm định, phần lớn được xây dựng từ giữa những năm 1960 cho đến nay và có đến 106 chung cư, nhà tập thể đã bị xuống cấp nặng, trong đó có những chung cư đang trong tình trạng nguy hiểm như chung cư Cô Giang, quận 1; chung cư 727 Trần Hưng Đạo, quận 5 còn 10 hộ dân chưa chịu di dời; chung cư lô 4, lô 6 Thanh Đa, quận Bình Thạnh bị nghiêng lún cần tháo dỡ ngay…  

Các hộ dân ở Chung cư Thanh Đa, một trong những chung cư xuống cấp trầm trọng đã được di dời đến nơi ở mới.

Theo kế hoạch 2016 - 2020, thành phố sẽ di dời, tháo dỡ khoảng 70 chung cư cũ với hơn 7.249 hộ dân đang sinh sống và sửa chữa 03 lô chung cư cũ với quy mô 10.000 m2 sàn; đồng thời, sẽ khởi công xây dựng mới thay thế 61 lô chung cư cũ với quy mô khoảng 9.870 căn hộ, tương đương 901.696 m2 sàn. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, tiến độ công tác xây dựng mới các chung cư cũ hư hỏng nặng vẫn còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu công tác chỉnh trang đô thị của thành phố, và chưa giải quyết được nhu cầu bức thiết của người dân đang cư ngụ trong các chung cư này. Mặt khác, do chưa có cơ chế, chính sách phù hợp nên các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chưa mặn mà tham gia.


Nếu tính các khu dân cư ở ven kênh rạch, như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; kênh Ruột Ngựa - Tàu Hủ; kênh Tân Hóa - Lò Gốm, các khu đang chỉnh trang như kênh Tham Lương - Bến Cát và dự án khôi phục lại kênh Hàng Bàng… đã được chỉnh trang sau hơn 20 năm thực hiện, nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn còn khoảng 22.000 căn nhà lụp xụp nằm trên và ven kênh rạch bị ô nhiễm nặng. Trong đó, Quận 8 chiếm tỷ lệ lớn nhất với 9.503 căn, riêng kênh Đôi - kênh Tẻ là 5.300 căn với 32.000 nhân khẩu; tiếp theo là Quận Bình Thạnh tập trung tại khu vực rạch Xuyên Tâm - rạch Lăng, rạch Văn Thánh, rạch Bùi Hữu Nghĩa với khoảng 2.500 căn nhà.


Cần có cơ chế lựa chọn chủ đầu tư


Theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, quy định tại khoản 1 Điều 5 cho phép các chủ sở hữu nhà chung cư được quyền lựa chọn doanh nghiệp BĐS làm chủ đầu tư dự án xây dựng lại nhà chung cư thông qua đại hội nhà chung cư. Phương thức này có nhược điểm là khó tìm được sự đồng thuận của các chủ sở hữu nhà chung cư và mất rất nhiều thời gian, không đáp ứng được yêu cầu cấp bách để xử lý các chung cư bị hư hỏng nặng cũng như yêu cầu chỉnh trang đô thị.


Thế nhưng, đối với nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ, xây dựng lại, các chủ sở hữu không được lựa chọn doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Nguyên nhân, Nhà nước thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ để trực tiếp đầu tư xây dựng lại chung cư, hoặc đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) để phục vụ nhu cầu tái định cư cho các chủ sở hữu nhà chung cư; và tại khoản 3, Điều 9 quy định Sở Xây dựng báo cáo UBND Thành phố quyết định lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, phương thức này có nhược điểm là mất rất nhiều thời gian vì chỉ sau khi các chủ sở hữu nhà chung cư không lựa chọn được nhà đầu tư thì Nhà nước mới tham gia.


Để đẩy mạnh việc thực hiện tốt chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X về chỉnh trang đô thị; xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ, hư hỏng; chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, Ông Châu đề nghị cần triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (PPP), hoặc hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT); đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, quyết định lựa chọn nhà đầu tư các dự án chỉnh trang đô thị; xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ, hư hỏng; chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn Thành phố, thay vì từng dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư như đã quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu 2013.



Hải Yên
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN