Xóa lò gạch thủ công ở Mộc Bắc, Duy Tiên (Hà Nam):

Chính quyền tự đưa mình vào thế khó.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xóa bỏ lò gạch thủ công, trong một thông báo mới nhất, UBND tỉnh Hà Nam đã yêu cầu phải xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn trước 15/9/2011. Xét một cách tổng thể, các huyện đã có nhiều nỗ lực, thực hiện nghiêm kế hoạch của UBND tỉnh nhưng quá trình đôn đốc, xử lý đã bộc lộ nhiều bất cập. Đơn cử như tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, các doanh nghiệp được phép hoạt động đến hết tháng 4 năm 2013, quá thời hạn Chính phủ quy định. 


Huyện Duy Tiên cao điểm có tới 106 lò gạch thủ công hoạt động thường xuyên, chủ yếu tập trung trên địa bàn hai xã Mộc Nam và Mộc Bắc với công suất phổ biến trên dưới 30 vạn viên/lò. Đến thời điểm này, Duy Tiên mới tháo dỡ xong 40 lò, 31 lò đang được tháo dỡ và còn tới 35 lò chưa tháo dỡ, thậm chí có những chủ lò vẫn cho sản xuất gạch mộc chờ đưa vào lò đốt. Số lò gạch chưa tháo dỡ nằm rải rác trên địa bàn huyện, nhưng tập trung chủ yếu tại xã Mộc Bắc.

Ông Phạm Hồng Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên cho biết: Trong tổng số 35 lò chưa được tháo dỡ, có tới 21 lò thuộc doanh nghiệp Hoàn Dương. Nguyên nhân của sự chậm trễ này do UBND xã đã ký hợp đồng cho doanh nghiệp sản xuất đến năm 2013. Vướng mắc ở chỗ, khi ký hợp đồng, chính quyền cơ sở đã thu nhận hết tiền thầu cho cả hợp đồng với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Số tiền này đã được địa phương đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, trạm y tế, trường học, nhà văn hoá thôn... 


Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Cảnh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Mộc Bắc cho biết: Trước đây trên địa bàn có 2 khu khai thác và sản xuất gạch thủ công là bãi Yên Hoà và bãi Hoàn Dương , với tổng diện tích khoảng 20 ha, với sự hoạt động chủ yếu của hai công ty lớn là Công ty TNHH Việt Hùng (bãi Yên Hoà) và Công ty TNHH Hoàn Dương (bãi Hoàn Dương). Để thực hiện chủ trương của Chính phủ cũng như chỉ đạo của UBND huyện, kỳ họp HĐND xã Mộc Bắc cuối năm 2010 đã điều chỉnh thời hạn hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, thời gian khai thác và sản xuất của Công ty TNHH Việt Hùng trên địa bàn được rút ngắn từ hết năm 2013 xuống đến hết tháng 6/2011, Công ty TNHH Hoàn Dương khai thác đến hết năm 2011.

Trước đó, theo QĐ số 44 và 45/GP-UBND tỉnh Hà Nam ban hành ngày 13/4/2010 lại cấp phép cho hai công ty này khai thác đất làm gạch tại hai bãi trên trong thời hạn 3 năm, đến hết tháng 4/2013, trên diện tích 19 ha. Nếu chiếu theo Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xoá bỏ lò gạch thủ công vào năm 2010 thì UBND tỉnh Hà Nam đã làm trái với Quyết định này. 



Ông Hoàng Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Dương cho biết: "Trong thời gian hoạt động tại địa phương, công ty đã đầu tư máy móc, thiết bị, chi phí xây dựng lên đến 24 tỷ đồng, chưa kể tới 4,5 tỷ đồng tiền thầu khoán đã đóng góp cho UBND xã Mộc Bắc. Nếu dừng sản xuất vào thời điểm này, tính sơ sơ công ty bị thiệt hại đến 5 tỷ đồng". Với tâm lý được lò nào hay lò đấy, Công ty TNHH Hoàn Dương vẫn tiếp tục cho đốt 10/21 lò. 


Giải quyết vấn đề trên, nhiều lần UBND xã Mộc Bắc cho mời lãnh đạo Công ty TNHH Hoàn Dương đến để thoả thuận thanh lý hợp đồng, lần gần đây nhất vào ngày 28/8/2011 với mức đền bù 505 triệu đồng cho 4 tháng cuối năm. Tuy nhiên, Công ty TNHH Hoàn Dương không chấp nhận với phương án trên, và cho rằng số tiền UBND xã đền bù chỉ là số tiền do doanh nghiệp đóng thầu, chưa tính đến tiền đầu tư máy móc, thiết bị đã đầu tư và khoản lợi nhuận thu được nếu doanh nghiệp được hoạt động trong 4 tháng còn lại của năm 2011. Trao đổi với phóng viên, ông Dũng bày tỏ quan điểm đồng tình và ủng hộ chủ trương của Chính phủ, tuy nhiên ông Dũng cũng đề nghị chính quyền cấp cơ sở và cấp tỉnh tạo điều kiện cho công ty được chuyển đổi hoạt động sản xuất từ sản xuất gạch bằng lò thủ công sang công nghệ lò tuynel hoặc công nghệ tương đương để công ty tiếp tục hoạt động và giải quyết việc làm cho lao động địa phương./. 


Đức Phương- TTXVN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN