Chặt cây xanh - quy hoạch và trách nhiệm

Trong cuộc tọa đàm “Từ đề án chặt, trồng thay thế 6.700, nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội”, do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức chiều ngày 23/3, tại Hà Nội, các nhà khoa học, chuyên gia đưa ra yêu cầu, làm rõ trách nhiệm của người ra quyết định chặt cây Hà Nội.

Cây xanh chặt hạ từ đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh… được chuyển về bãi tập kết của Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội tại Cầu Diễn (Hà Nội).


Vi phạm nhiều quy định

Tính pháp lý của đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn 2014-2015 với việc chặt hạ, trồng thay thế 6.708 cây xanh trên 190 tuyến phố (gọi tắt là Đề án 6700) được nhiều đại biểu đưa ra phân tích. Theo GS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội: Việc chặt hạ hàng loạt cây xanh trên tuyến đường Nguyễn Trãi để phục vụ cho tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là không có cơ sở khoa học. “Tôi là thành viên Hội đồng khoa học thẩm định những tác động của dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, nhưng không có bất kỳ báo cáo nào nêu việc chặt cây xanh hai bên đường. Nếu đúng là hàng cây xanh trên đường Nguyễn Trãi có tác động đến dự án đường sắt trên cao, thì ban quản lý dự án phải làm báo cáo bổ sung đánh giá tác động về môi trường và an toàn của tuyến đường sắt”, GS Đăng khẳng định.

Còn GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng: Đề án 6700 vi phạm điều 10 và điều 14 của Luật Thủ đô. Theo Luật Thủ đô, việc lập quy hoạch đô thị 4 quận trung tâm Hà Nội, bao gồm cả cây xanh đô thị, phải do Thủ tướng quyết định. Trong khi đó 1 loạt cây xanh vừa chặt hạ nằm trên các tuyến phố nội đô như Nguyễn Chí Thanh, Hàng Bài, Kim Mã…; mà không phải theo Quyết định của Thủ tướng.

TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Đề án 6700 vi phạm Nghị định 64 về quản lý cây xanh đô thị. Việc chặt hạ cây trong đô thị phải có hồ sơ chụp ảnh từng cây xanh, nêu lý do phải chặt. Tuy nhiên, đề án này chưa thành lập hồ sơ theo quy định và chỉ nói chung chung cây xanh phải chặt hạ là do cong nghiêng, xấu, sâu mục… Đây là đánh giá cảm quan, bởi trên thực tế nhiều cây chặt trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây thẳng, vẫn xanh tốt.

Đồng tình với ý kiến này, luật sư Trần Vũ Hải, Công ty luật Hà Nội cho rằng: Để chặt cây xanh đô thị, cơ quan chức năng phải lập hồ sơ cấp phép. Tuy nhiên tại đề án này mới chỉ có công văn của Sở Xây dựng cho phép chặt hạ cây trên một số tuyến phố theo Đề án 6700.

Về mặt kỹ thuật, ông Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm Môi trường đô thị và công nghiệp cho rằng: Nghị định 64 nêu rõ cây trồng trong đô thị không được làm ô nhiễm, gây mùi khó chịu, nhưng thực tế hoa cây vàng tâm mùi ban đầu tỏa hương thơm dễ chịu, nhưng sau bốc mùi hắc khó chịu. Trong danh mục quy hoạch trồng cây đô thị cũng không có tên cây vàng tâm.

Từ phân tích tính pháp lý Đề án 6700, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, việc thanh tra chặt cây theo Đề án 6700 cần do Thủ tướng Chính phủ thành lập để đảm bảo tính khách quan. Trong khi đó, luật sư Trần Vũ Hải khẳng định: Đoàn thanh tra của Hà Nội vừa mới thành lập cần có thêm các nhà khoa học để tư vấn về mặt chuyên môn cũng như giám sát quá trình thanh tra được công bằng, minh bạch.

“Đối với việc chặt hạ hàng loạt cây xanh trong đô thị Hà Nội vừa qua, theo tôi cần làm rõ trách nhiệm của người ra quyết định và phê duyệt đề án này. Rõ ràng đề án chưa đảm bảo tính khoa học và pháp lý đã vội vàng ra quyết định nên gây bức xúc trong nhân dân. Những người thực hiện cũng chỉ làm theo nhiệm vụ được giao. Còn nhà tài trợ cũng chỉ mong muốn góp tiền để phát triển cây xanh, chứ không nghĩ nhiều cây xanh có tuổi đời lâu năm bị đốn hạ như thời gian qua”, GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.

Cây trồng trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ vàng tâm

Tại cuộc tọa đàm này, một vấn đề được nhiều người quan tâm là cây trồng trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh là cây gì? Ông Nguyễn Tiến Hiệp khẳng định: “Với hơn 40 năm gắn bó với việc phân loại thực vật, tôi có thể khẳng định cây trồng trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ hay được trồng vùng Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ… là nguyên liệu để làm giấy. Thân cây này gỗ xốp, đường kính tầm 20 cm đã được chặt hạ. Hoa nở tầm từ tháng 2 - 4, vào giai đoạn cuối, hoa có mùi hắc, khó chịu. Người dân địa phương miền núi phía Bắc hay gọi cây mỡ là cây mỡ vàng tâm bởi khi chặt hạ, lõi cây có màu vàng. Cây mỡ chỉ thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi độ cao trên 300 m, ở vùng đồi rừng; trong khi Hà Nội chỉ ở độ cao hơn 6 m trên mực nước biển, ẩm, nên tôi dự đoán những cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh tỷ lệ chết sẽ cao. Nếu sống cũng còi cọc”, ông Nguyễn Tiến Hiệp nhận xét.

Cùng suy nghĩ này, Tiến sĩ Phó Đức Tùng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn lâm nghiệp đô thị, Đại học Lâm nghiệp cho rằng: Trồng cây đô thị chỉ cần 4-5 loại, nhưng cần phải nghiên cứu kỹ, trồng thử nghiệm trước vài năm xem có hợp thổ nhưỡng hay không, khả năng thích ứng với môi trường đô thị ra sao? Nếu đưa một cây lâm nghiệp từ rừng về trồng thành phố sẽ rất khó phát triển. Việc trồng cây vàng tâm hay mỡ vàng tâm tại đường Nguyễn Chí Thanh sẽ khiến cây khó phát triển xanh tốt.


Bài và ảnh: Xuân Minh

Công khai điểm tập kết gỗ sau chặt hạ tại Hà Nội
Công khai điểm tập kết gỗ sau chặt hạ tại Hà Nội

Tổng số gỗ, củi sau chặt hạ, thay thế cây trên các tuyến phố ở Hà Nội những ngày qua thu được là 186,932 m3 gỗ xà cừ; 31,699 m3 gỗ khác và 23,425 m3 củi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN