Chặn hiểm họa đèn phương tiện vận tải sai quy định

Một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây là xuất phát từ việc sử dụng hệ thống đèn pha chiếu sáng sai quy định của không ít lái xe thích “khác người”. Thực tế này cần sớm được kiểm soát, ngăn chặn!

Tai nạn giao thông tiềm ẩn


Sử dụng đèn chiếu sáng xa sai quy định ất phổ biến

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), tình trạng sử dụng đèn chiếu sáng không đúng quy định hiện nay rất phổ biến. Cứ trung bình 30 phương tiện tham gia giao thông thì có khoảng 5-7 phương tiện sử dụng đèn chiếu sáng xa sai quy định. Một số trường hợp thay đổi cả màu ánh sáng trắng vàng của đèn thành xanh trắng hoặc màu trắng sáng gây lóa mắt người tham gia giao thông ngược chiều. Thậm chí, có trường hợp vi phạm giao thông sau khi bị phát hiện bắt giữ, qua kiểm tra phát hiện chủ phương tiện đã lắp thêm nhiều đèn chiếu sáng sai quy định cả trước và sau xe. Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Hà Nội cũng cho biết: Hiện có rất nhiều người tham gia giao thông đã tự ý thay đổi kết cấu của đèn, trong đó nguy hiểm nhất vẫn là các trường hợp thay đổi màu sắc của đèn phía trước và phía sau, từ màu vàng sang màu trắng xanh, sáng trắng.

Còn trên các tuyến đường quốc lộ, ngoại vi các đô thị, tình trạng xe tải, xe đầu kéo rơmoóc, xe khách đường dài lắp thêm đèn chiếu sáng phía trước, đèn chiếu ngược sai quy định cũng đang trở nên phổ biến. Thực tế này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông cho các phương tiện khác cùng tham gia giao thông khi trời tối. Tuy nhiên, lực lượng CSGT các địa phương chưa thường xuyên quan tâm xử lý những lỗi vi phạm này hoặc thường bỏ qua trong quá trình kiểm tra, kiểm soát. Qua nhiều chuyến xe đêm trên hành trình công tác, phóng viên Tin Tức nhận thấy tình trạng lái xe khách, xe tải sử dụng đèn chiếu sáng sai quy định không hiếm. Vi phạm nhiều nhất là các xe lắp đèn có cường độ sáng hơn so với thiết kế, gây lóa mắt người điều khiển các phương tiện ngược chiều và loại đèn chiếu ngược lại phía sau được lắp thêm ở hai bên sườn xe, khiến các phương tiện khác không thể quan sát được phần đường phía trước. Khi đối mặt với những ánh sáng của các loại đèn này, không chỉ lái xe, mà cả những người ngồi trên xe cũng bị lóa mắt và ức chế tâm lý.

Các chuyên gia ngành giao thông vận tải cảnh báo: Việc sử dụng đèn pha tùy tiện còn góp phần gây ô nhiễm ánh sáng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhất là tác hại của ánh sáng chói. Ánh sáng chói chiếu thẳng vào mắt người đi đường làm cho lái xe khó nhận dạng những sự khác biệt trong ánh sáng và có thể bị hạn chế tầm nhìn trong đêm. Ánh sáng chói còn là tác nhân gây mất an toàn giao thông, điều này xảy ra bất ngờ có thể khiến người đi đường và lái xe gặp tai nạn. Lý thuyết là thế, nhưng không phải người đi đường nào cũng nắm rõ, vì qua khảo sát, nhiều chủ phương tiện chỉ cho rằng trời tối thì bật đèn cho sáng, còn không quan tâm đến thời điểm nào dùng đèn pha, đèn cốt, thậm chí còn trang bị thêm loại đèn xenon siêu sáng cho xe mình “trội” hơn xe khác.

Phải ngăn chặn từ gốc

Tất cả các chương trình đào tạo, cấp phép lái xe gắn máy hoặc ô tô hiện nay đều giảng dạy rất cụ thể về hệ thống chiếu sáng trên phương tiện. Xe nào cũng có đèn với hai chức năng "pha" và "cốt". "Pha" là ánh đèn chiếu ngang, có độ sáng trải dài. "Cốt" là ánh đèn chiếu chúc xuống đất, nên tầm phát sáng ngắn hơn. Chùm sáng mạnh của đèn pha được thiết kế nhằm giúp người điều khiển phương tiện nhìn rõ hơn khi đi đường trường, vào buổi tối và khi thời tiết xấu. Nhưng đi trong các khu đông dân cư và khi có người đi ngược chiều trong phạm vi chiếu sáng của đèn pha thì không được sử dụng đèn pha. Ánh sáng mạnh của loại đèn này có thể làm người đi ngược chiều bị "mù" tạm thời, dẫn đến mất khả năng quan sát và có thể gây ra tai nạn nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều người lại không thực hiện theo đúng quy định này.

Mặc dù các thiết bị “ngoài luồng”, trong đó có thiết bị chiếu sáng gắn thêm cho phương tiện vận tải khi tham gia giao thông không có trong “thực đơn” của nhà sản xuất, nhưng nó lại được bày bán công khai trên thị trường.

Dạo qua các phố “sa-lon ô tô” ở Hà Nội như Trần Duy Hưng, Trần Quang Khải, phố Huế hay chợ “trời”…, thượng đế có nhu cầu có thể tậu thêm cho xe của mình rất nhiều thiết bị đèn chiếu sáng halogen, đèn xenon (loại bóng đèn có ánh sáng xanh, chiếu xa), đèn xi nhan cực sáng… và thường được người bán tư vấn kỹ càng tùy theo mức độ chơi “trội”. Còn giải thích cho việc lắp các thiết bị ngoài quy định này, nhiều chủ phương tiện đơn giản cho rằng: Đây là sở thích. Ngoài việc mang lại sự độc đáo cho chiếc xe, các thiết bị này còn giúp tăng thêm cá tính cho chủ xe, để không bị “lép vế” hơn so với các xe khác. Rõ ràng, các sản phẩm ngoài luồng này được bày bán như rau trên thị trường đều xuất phát từ nhu cầu cá nhân của không ít người.

An toàn cho người tham gia giao thông đã được quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ với các điều khoản chi tiết có trong luật, nghị định. Tuy nhiên, do mức xử phạt các đối tượng vi phạm còn nhẹ, chưa đúng người, đúng lỗi vi phạm, nên chưa đủ sức răn đe. Nghị định 34/CP của Chính phủ mới ban hành cũng chỉ quy định mức xử phạt cao nhất cho hành vi vi phạm này từ 200.000 - 500.000 đồng.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần xử phạt nặng các hành vi lắp thêm hoặc lắp mới hệ thống đèn chiếu sáng sai quy định, thậm chí thu hồi phương tiện sai quy chuẩn an toàn, mới có thể chấn chỉnh, ngăn chặn hiểm họa tai nạn giao thông từ gốc; đồng thời siết chặt việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm gây mất an toàn cho phương tiện tham gia giao thông, tránh "mất bò mới lo làm chuồng".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN