Cảnh báo việc dùng lưu huỳnh trong chế biến măng khô

Trao đổi với Tin Tức ngày 25/9, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT) cho biết: Ngày 15/10 mới công bố kết quả kiểm tra cuối cùng.

 

Măng sử dụng chất lưu huỳnh để sấy khô bị thu giữ tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa.

 

Nhưng bước đầu lấy mẫu kiểm tra cho thấy lượng lưu huỳnh dùng để chế biến măng khô chưa đến mức khiến người tiêu dùng lo ngại. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra với mặt hàng măng khô.

 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật trực thuộc Bộ tiến hành kiểm tra thông tin về việc măng tẩm lưu huỳnh.


Trước đó, ngày 18/9/2012, nhiều cơ quan chức năng đã phát hiện một số cơ sở chế biến ở xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm khi dùng lưu huỳnh để sấy măng. Các loại măng khô bị ẩm mốc được rửa qua nước rồi sấy khô bằng lưu huỳnh. Khai với cơ quan chức năng, người sản xuất cho biết họ không hoàn toàn sấy bằng lưu huỳnh, mà chỉ dùng lưu huỳnh xông khói cho măng bớt mùi mốc rồi phơi nắng cho khô và lượng lưu huỳnh sử dụng là không đáng kể. Hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa có kết quả xét nghiệm các thành phần và tỷ lệ lưu huỳnh có trong các sản phẩm măng khô.


Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), lâu nay, có thực tế việc người dân sử dụng lưu huỳnh và hợp chất lưu huỳnh để sấy, bảo quản măng khô. Hiện nay, Cục đang chỉ đạo các Chi cục Bảo vệ thực vật tiến hành lấy mẫu măng khô tại các cơ sở sản xuất và các địa điểm buôn bán để kiểm tra.


“Theo nhận định trước mắt của chúng tôi, hàm lượng lưu huỳnh có trong các mẫu sản phẩm phát hiện được vẫn ở giới hạn an toàn. Người tiêu dùng không nên quá lo lắng. Người sản xuất không dại gì mà dùng hàm lượng lưu huỳnh nhiều bởi vừa tốn kém vừa gây mùi khó chịu cho sản phẩm sau khi chế biến”, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết.


Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hồng, việc kiểm tra không chỉ tập trung vào chất lưu huỳnh mà sẽ kiểm tra toàn diện, nhiều loại hóa chất. Việc kiểm tra sẽ được cơ quan chức năng tiến hành đột xuất và tập trung chủ yếu tại các tỉnh khu vực phía Bắc, những tỉnh sản xuất nhiều măng khô, những thành phố tiêu thụ măng khô nhiều. Đến giữa tháng 10/2012 sẽ có kết quả và công bố cho người tiêu dùng.


Theo một nhà khoa học của Viện Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), việc sử dụng lưu huỳnh trong chế biến và bảo quản thực phẩm rất nguy hại. Đây là biện pháp cổ truyền được sử dụng trong dân gian. Tuy nhiên trước đây, nếu sử dụng với hàm lượng ít thì khả năng gây độc không cao nhưng hiện nay với việc sản xuất quy mô lớn theo hướng công nghiệp, hàm lượng lớn lưu huỳnh thì rất nguy hiểm. Nếu tích lũy lâu dài trong cơ thể, lượng lưu huỳnh này sẽ có thể gây ra nhiều tác hại đối với các hệ cơ quan, đặc biệt là gây ngộ độc thần kinh.


Trong khi Cục Bảo vệ thực vật vào cuộc kiểm tra măng tẩm lưu huỳnh, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cũng đang ráo riết triển khai lấy mẫu thịt bò khô để kiểm tra. Cuối tháng 8/2012, lực lượng liên ngành thú y huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) đã phát hiện một cơ sở chế biến bò khô từ nguyên liệu là lòng bò bẩn ngâm tẩm hóa chất. Những túi thịt bò khô này sau khi được chế biến đã tung ra thị trường, không nhãn mác và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Một tuần sau chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Phó Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, các đơn vị của Cục Thú y đã lấy mẫu và đang tiến hành xét nghiệm. “Chúng tôi đang yêu cầu các đơn vị có kết quả sớm”, ông Phạm Văn Đông thông tin.


Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN