Cần sớm trả lại chức năng của Công viên Thủ Dầu Một

Từ một công viên công cộng, Công viên Thủ Dầu Một "lột xác" chuyển thành công viên của doanh nghiệp với tên gọi Công viên Văn hóa Thanh Lễ.

Công viên Văn hóa Thanh Lễ là tên doanh nghiệp tự đặt không thông qua các cấp có thẩm quyền ở tỉnh Bình Dương. Và cũng từ đây, công viên này không còn là nơi hoàn toàn dành cho hoạt động công cộng của người dân Thủ Dầu Một nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung.

Nhập nhằng tên gọi

Hơn 10 năm trước, tỉnh Bình Dương có chủ trương xã hội hóa hoạt động quản lý Công viên Thủ Dầu Một nhằm góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách địa phương.

Tuy nhiên phải đến năm 2010, tỉnh Bình Dương mới có văn bản về việc đầu tư, khai thác dự án công viên này. Theo đó, về chủ trương, tỉnh chấp thuận phương án đầu tư và khai thác dự án Công viên Văn hóa Thanh Lễ theo đề nghị của Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ. Cụ thể như điều chỉnh diện tích phần công viên từ 26 ha xuống 10 ha, bao gồm 8,74 ha đất của Công viên Thủ Dầu Một cũ và 1,26 ha đất mở rộng.

Công viên Thủ Dầu Một giờ là Công viên Văn hóa Thanh Lễ. Ảnh: baobinhduong.vn

Tỉnh Bình Dương cũng chấp thuận cho Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ được quy hoạch phần diện tích 14,5 ha; trong đó phần diện tích công viên điều chỉnh giảm để làm khu dân cư, đô thị và thương mại dịch vụ, tạo nguồn kinh phí đầu tư cho phần công viên công cộng. Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ có trách nhiệm làm đồ án quy hoạch chi tiết trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo quy định.

Đến tháng 5/2014, Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ mới lập thuyết minh tổng hợp về đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Công viên Văn hóa Thanh Lễ, đơn vị tư vấn thiết kế là Viện Quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương. Từ đó đến nay, đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 nói trên vẫn chưa được cấp có thẩm quyền của tỉnh Bình Dương phê duyệt theo quy định.

Trong khi quy hoạch 1/500 chưa được phê duyệt thì tại khu trung tâm được xem là vị trí đắc địa của Công viên Thủ Dầu Một bất ngờ xuất hiện một số công trình xây dựng lớn với chức năng phục vụ nhu cầu nhà hàng, tiệc cưới. Những công trình xây dựng hoành tráng mọc lên giữa trung tâm quan trọng của công viên Thủ Dầu Một khiến người dân không cảm thấy thoải mái khi đến đây vui chơi và giải trí.

Trước đây, Công viên Thủ Dầu Một thuộc quyền quản lý của UBND thị xã Thủ Dầu Một. Công viên Thủ Dầu Một có bộ máy quản lý nền nếp, trong công viên lúc nào cũng xanh, sạch, đẹp, mở cửa cho người dân ra vào cả ngày lẫn đêm.

Tuy nhiên, từ lúc giao Công viên Thủ Dầu Một về cho Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ quản lý, sử dụng và khai thác, công viên cửa đóng, then cài, giờ mở cửa cho người dân ra vào cũng bị hạn chế. Khu vực trung tâm công cộng của Công viên Thủ Dầu Một thiếu đi sự quan tâm cần thiết. Nước hồ trong công viên hôi thối, rác nổi lênh láng, đường vắng người đi…

Nên trả lại chức năng cho công viên

Từ khi công viên này có thêm chức năng phục vụ thực khách đến ăn uống trong các nhà hàng, việc sinh hoạt công cộng của người dân đã bị đảo lộn.

Trao đổi với phóng viên TTXVN về các vấn đề bất cập ở Công viên Thủ Dầu Một, ông Trần Sĩ Nam, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Thủ Dầu Một cho biết: Trong quá trình phát triển đô thị Thủ Dầu Một tiến lên đô thị loại 1, UBND thành phố tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết về phát triển đô thị giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo.

Trên cơ sở đó, thành phố Thủ Dầu Một đã có đề nghị Sở Xây dựng Bình Dương, Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ phối hợp với UBND thành phố Thủ Dầu Một sớm tháo gỡ khó khăn, tạo hài hòa công viên với các khu vực xung quanh. Đồng thời, trong hướng quy hoạch 1/500, phân rõ khu vực trong công viên như, khu vui chơi, giải trí, phục vụ thiếu nhi, tổ chức các sự kiện…

Mới đây, sau khi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Thủ Dầu Một, Tỉnh ủy Bình Dương đã có thông báo kết luận và chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam.

Thông báo nêu rõ: “Đôn đốc, phối hợp Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ khẩn trương lập quy hoạch chi tiết và đầu tư cải tạo chỉnh trang Công viên Thủ Dầu Một theo kiến nghị của thành phố Thủ Dầu Một ”. Việc đôn đốc và phối hợp theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương được giao về cho đơn vị thực hiện là Sở Xây dựng Bình Dương.

Trong khi Sở Xây dựng Bình Dương còn đang loay quay với việc đôn đốc, hiện công viên này đang có xu hướng chuyển nhiều về kinh doanh phục vụ thực khách đến ăn uống và các dịch vụ thu tiền của nhân dân.

Tại danh mục dự án, công trình sắp xếp, chỉnh trang được ban hành kèm theo Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Dương ngày 14/11/2016 là tiếp tục xây dựng và phát triển đô thị Thủ Dầu Một giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo đã khẳng định cải tạo chỉnh trang Công viên Thủ Dầu Một theo hướng không gian mở.

Tuy nhiên đến tháng 7/2017, cửa chính cho người dân ra vào Công viên Thủ Dầu Một ngay tại Đại lộ Bình Dương vẫn đóng chặt. Trong khi đó, người dân muốn vào công viên này phải đi vòng qua phía cổng lớn có hàng chữ Công viên Văn hóa Thanh Lễ cùng hàng chữ điện tử quảng cáo các dịch vụ đang kinh doanh trong công viên.

Thành phố Thủ Dầu Một đang từng ngày tiến lên trở thành là đô thị loại 1 của tỉnh Bình Dương. Đô thị loại 1 rất cần có công viên phục vụ miễn phí người dân đến dã ngoại, vui chơi, giải trí sau những giờ làm việc. Người dân Bình Dương mong muốn hãy trả lại chức năng cho Công viên Thủ Dầu Một như ban đầu.


Nguyễn Văn Việt (TTXVN)
Sử dụng gỗ cây xanh bị đốn hạ làm bàn ghế công viên
Sử dụng gỗ cây xanh bị đốn hạ làm bàn ghế công viên

Ngày 14/7, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã thống nhất giao cho các đơn vị chức năng triển khai thí điểm việc sử dụng gỗ từ cây xanh đô thị bị đốn hạ để chế tác ra các sản phẩm phục vụ trong các công viên, khu công cộng trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN