Cần sớm tháo gỡ khó khăn cho chủ tàu vỏ thép bị sự cố

Tiếp tục tìm hiểu về sự cố tàu vỏ thép tại tỉnh Bình Định, phóng viên cảm nhận được những khó khăn chồng chất và kể cả nguy cơ dễ bị phá sản của các chủ tàu khi những con tàu vừa mới bàn giao. Hoặc chỉ mới ra khơi vài ba chuyến đã phải nằm bờ sửa chữa dài ngày và không thể tiếp tục ra khơi đánh bắt.

Trong khi đó, những món nợ từ nguồn vốn vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) cả gốc lẫn lãi chủ tàu chưa trả được hoặc đã đến kỳ phải trả tạo thêm nhiều khó khăn cho ngư dân.

Ngư dân Lê Văn My, quê thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát buồn rầu cho biết, gia đình ông đã huy động vốn tự có cùng với vay vốn theo Nghị định 67 với tổng số tiền 17,9 tỷ đồng để hợp đồng với Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng tàu dịch vụ trên biển.

Các tàu vỏ thép lúc đóng mới bàn giao cho ngư dân đang neo đậu tại cảng Tam Quan, Hoài Nhơn (Bình Định).

Nhưng kể từ khi nhận tàu đến nay, gia đình đã phát hiện có nhiều lỗi về kỹ thuật nên phải nằm bờ chờ khắc phục hơn 3 tháng nay tại Cảng cá Đề Gi. Tàu chưa ra khơi nhưng đã đóng bảo hiểm 31,5 triệu đồng. Sắp tới, sau khi khắc phục xong sự cố để cho tàu ra khơi thì Ngân hàng yêu cầu chủ tàu phải đóng bảo hiểm đã đến kỳ hạn mới. Nếu không đóng bảo hiểm thì tàu không được rời bến.

Cùng cảnh ngộ, ông Trần Đình Sơn, quê ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ là chủ tàu vỏ thép đang bị sự cố vào sửa chữa tại Cảng Mũi Tấn, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn. Chủ tàu Nguyễn Đình Sơn rầu rĩ cho biết, theo thiết kế tàu đóng làm nghề lưới vây, nhưng sau khi đi chuyến đầu tiên do lỗi kỹ thuật thiết kế tàu không hoạt động được.

Lỗi là do lưới bị cuốn vào đuôi tàu và chân vịt làm hư hỏng và mất lưới nên phải kéo lên bờ cải tiến chuyển sang làm nghề lưới chụp. Nhưng khi đi chuyến thứ 2 từ ngày 28/4 đến ngày 8/5 thì máy chính bị gãy trục chính và vẫn chưa khắc phục xong sự cố để ra khơi. Trong khi đó, theo phân kỳ ông Sơn phải trả vốn vay cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng mỗi năm 1,25 tỷ đồng và mỗi quí phải trả trên 300 triệu đồng.

"Bây giờ lấy đâu ra tiền để trả nợ, khi 2 chuyến biển vừa qua mới đi thử nghiệm và bị thua lỗ nặng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Công ty Nam Triệu và Ngân hàng có giải pháp hỗ trợ ngư dân tháo gỡ khó khăn, nếu không dễ bị phá sản." - ông Sơn lo âu.

Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, sự cố tàu vỏ thép hiện nay là một điều đáng tiếc và gây bức xúc, khó khăn cho ngư dân. Tuy nhiên, tất cả các sự cố tàu vỏ thép là do yếu chủ quan, chứ không nằm trong yếu tố bị ảnh hưởng của thiên tai, rủi ro trên biển và vì thế theo qui định của Nhà nước thì các Ngân hàng không thể cho giãn nợ, khoanh nợ.

"Nếu chủ tàu không thanh toán tiền vay cả vốn lẫn lãi theo phân kỳ hợp đồng tín dụng thì buộc các Ngân hàng sẽ chuyển thành các khoản nợ “khó đòi” và tất nhiên số nợ ấy sẽ không được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 67". - ông Dương nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Hồ Quốc Dũng cho biết, khi sự cố tàu vỏ thép xảy ra, ông đã giao trách nhiệm cho Phó chủ tịch UBND tỉnh tiến hành ngay cuộc họp giữa lãnh đạo các sở, ngành chức năng tỉnh và một số địa phương, cùng các chủ tàu vỏ thép bị sự cố và các đơn vị đóng tàu liên quan, để đánh giá kết quả sơ bộ và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự cố tàu vỏ thép.

Ông Dũng cho biết, sắp tới, tỉnh sẽ khẩn trương thành lập Tổ công tác chuyên ngành để tiến hành kiểm tra lại toàn bộ sự cố của tàu vỏ thép. Trên cơ sở đó, phân tích kết luận về trách nhiệm hư hỏng tàu là do đâu, để từ đó có biện pháp xử lý.

Theo ông Dũng, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp ngành trước mắt nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ ngư dân gặp khó khăn và đề nghị ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ để giúp ngư dân vượt qua khó khăn khi tàu bị nằm bờ dài ngày do không sản xuất.

Tỉnh cũng đề nghị các cơ sở đóng tàu để xảy ra sự cố phải có trách nhiệm cao trong việc sửa chữa khắc phục đảm bảo chất lượng với thời gian ngắn nhất để ngư dân ra khơi sản xuất.

Cũng theo ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tất cả các cơ sở đóng tàu đều nằm cách xa ngoài địa bàn tỉnh, việc đi lại khó khăn nên công tác giám sát của các chủ tàu và kể cả cơ quan chức năng tỉnh gặp nhiều bất lợi.

Ông Dũng cho biết thêm, nhiều cơ sở đóng tàu đã không thực hiện đúng theo cam kết hợp đồng dẫn đến chất lượng đóng tàu kém, gây sự cố…đó là một bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý khi triển khai thực hiện một chủ trương lớn của Nhà nước.

Trong thời gian tới Bình Định sẽ thành lập, hoặc thuê một tổ chức giám sát độc lập giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và ngư dân thực hiện tốt chủ trương đóng tàu vỏ thép, nâng cao chất lượng tàu để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Bài và ảnh: Viết Ý (TTXVN)
Làm rõ trách nhiệm đóng tàu vỏ thép kém chất chất lượng cho ngư dân
Làm rõ trách nhiệm đóng tàu vỏ thép kém chất chất lượng cho ngư dân

Thời gian qua, hàng loạt tàu vỏ thép ở các tỉnh miền Trung đã bị hư hỏng chỉ sau vài chuyến đánh bắt. Có hay không việc các nhà máy đóng tàu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ngư dân rồi làm thiếu trung thực, cho ra đời những con tàu không đảm bảo?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN