Cần quan tâm hơn tới sáng tạo, lao động của phóng viên

Giải Báo chí quốc gia đã bước vào mùa thứ 8 và ngày càng uy tín hơn. Năm nay, lễ trao Giải báo chí quốc gia 2013 sẽ vẫn diễn ra đúng dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. Năm nay Giải báo chí quốc gia có số lượng tác phẩm tham dự giải cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, việc tham dự Giải báo chí quốc gia hàng năm vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Giải báo chí quốc gia năm nay có số lượng tác phẩm cao hơn mọi năm. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN



Nhiều đơn vị báo chí chưa tự tin


Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất ở nước ta nên hoạt động báo chí tại đây cũng khá sôi động. Ngoài các tờ báo Trung ương đóng trên địa bàn, hiện nay Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý khoảng 1.500 hội viên làm việc ở hơn 40 tờ báo.

Về tình hình tham gia Giải báo chí quốc gia của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời là Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo, ông Huỳnh Dũng Nhân cho biết: Hàng năm đến mùa Giải báo chí quốc gia, Hội đều thông báo thể lệ cuộc thi đến từng chi hội và tập hơn các tác phẩm chất lượng để dự thi. Qua các mùa Giải báo chí quốc gia hàng năm, nhiều tác phẩm của các tờ báo thuộc Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh luôn giành được giải cao, đã có năm giành được giải A ở thể loại đặc biệt như phóng sự điều tra, phóng sự truyền hình, phát thanh. Mảng báo chí của thành phố luôn được Hội đồng chấm giải ghi nhận là chất lượng tốt, các tác phẩm được đầu tư công sức nhiều, cách thể hiện linh hoạt, sinh động.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Dũng Nhân, việc tham dự Giải báo chí quốc gia đối với các cơ quan báo chí ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp phải một số khó khăn. Trong đó, có một số đơn vị báo chí chưa tự tin gửi bài dự thi, thậm chí có đơn vị chưa đánh giá đúng tính chất Giải nên gửi tác phẩm tham dự chưa đúng quy định. Đồng thời, số lượng tác phẩm có đề tài mang tính bao quát, tầm quốc gia tham dự giải cũng không nhiều. Ảnh báo chí là một thể loại báo chí lớn nhưng số lượng tác phẩm ảnh tham dự Giải còn khá khiêm tốn.

Chia sẻ về những khó khăn khi tham dự một giải thưởng lớn như Giải báo chí quốc gia, ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Bình cho biết: Gần như năm nào, Quảng Bình cũng có tác phẩm tham gia dự giải. Không ít tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả được lọt vào vòng chung khảo và đặc biệt hằng năm, có những tác phẩm chất lượng đã nhận được các giải thưởng lớn của Giải báo chí quốc gia.

Tuy nhiên, ở nhiều chi hội, các phóng viên, cộng tác viên chưa thực sự quan tâm nhiều đến Giải báo chí quốc gia. Một số còn giữ tâm lý ngần ngại, rụt rè, chưa mạnh dạn đưa tác phẩm dự Giải. Vì thế, số lượng tác phẩm gửi về Hội cũng ít nên gây khó khăn trong công tác tuyển chọn tác phẩm đi dự giải. Thêm vào đó, Quảng Bình là tỉnh nghèo và còn gặp nhiều khó khăn, do đó đề tài cho các tác giả khai thác còn "nghèo". Tham dự Giải báo chí quốc gia lần thứ 8 năm 2013, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Bình đã tuyển chọn và gửi 14 tác phẩm (thuộc 3 thể loại: hình, phát thanh và viết) của 13 tác giả, nhóm tác giả. Trong só đó có 2 tác phẩm của 2 nhóm tác giả thuộc Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Bình đoạt giải. Đó là tác phẩm “Quê hương ngày về mãi mãi” của nhóm tác giả Sỹ Hùng, Hồng Hiếu, Thái Phương, Thanh Cao và tác phẩm “Quê hương nghĩa nặng tình sâu” của nhóm tác giả Thanh Nhàn, Phương Thảo. Thành công này là niềm cỗ vũ và động viên rất lớn cho những người làm báo ở Quảng Bình.

Nên thực hiện sơ tuyển từ cơ sở


Để nâng cao chất lượng Giải báo chí quốc gia, đồng thời khuyến khích cơ sở tham dự Giải, thời gian tới, ông Huỳnh Dũng Nhân, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Mỗi khi có kế hoạch Giải báo chí quốc gia, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam cần thông báo rộng rãi thể lệ, chủ đề cuộc thi sâu rộng hơn nữa. Trung ương Hội cần có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí hoạt động thực hiện công tác tuyển chọn, sơ tuyển, từ đó nhằm góp phần nâng cao chất lượng giải, đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức.

Đặc biệt, nên có chế tài cụ thể nhằm khuyến khích, động viên người làm báo phát huy được năng lực, tìm tòi sáng tạo, phát huy khả năng của người người cầm bút, từ đó mới có những tác phẩm hay, có tính phát hiện, tính thời sự và chuẩn xác, đáp ứng nhu cầu của độc giả.

Hội Nhà báo tỉnh Quảng Bình cũng đồng tình cho rằng: Công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về Giải báo chí quốc gia cần được chú trọng hơn và nên tăng thời lượng, tần suất quảng bá về Giải trên các phương tiện báo chí trung ương cũng như các địa phương. Thêm vào đó, cũng cần tính đến việc có quy định đồng bộ đối với Hội nhà báo tỉnh để khi nhận được chủ trương của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam về Giải báo chí quốc gia mỗi địa phương sẽ đều thực hiện đồng loạt, đúng hướng dẫn. Đồng thời, động viên thành lập các tiểu ban báo chí, tiểu ban sơ tuyển và thẩm định tại địa phương.

Theo ông Huỳnh Dũng Nhân: Các tác phẩm dự thi hiện nay chủ yếu là qua các Hội và chi hội ở địa phương, phóng viên tự do, cộng tác viên chưa được nhiều. Bên cạnh đó, cần kéo dài thời gian nhận bài thi đến giữa tháng 5 chứ không phải cuối tháng 4 như hiện nay, để tránh lọt các sự kiện nóng, tiêu biểu của đất nước. Cụ thể như sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương -981 ở vùng biển của nước ta đầu tháng 5 vừa qua, một số báo đã đưa phóng viên ra hiện trường ghi nhận, có nhiều tác phẩm phản ánh tinh thần đoàn kết của nhân dân cả nước phản đối Trung Quốc... Tuy nhiên, do thời gian nhận bài dự thi đã khép lại nên sự kiện này nếu để sang mùa giải năm sau sẽ không còn tính thời sự. Bên cạnh đó, Giải báo chí quốc gia cũng cần có chủ đề cho mỗi năm để các tác phẩm dự thi tập trung hơn, thu hút sự tham gia nhiều hơn của các báo địa phương, báo ngành.

Mặt khác, đối với việc chấm bài thi, bên cạnh tầm quan trọng của đề tài, cần quan tâm đến sự sáng tạo và lao động của phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Bên cạnh đó, nên tận dụng các ứng dụng công nghệ để tổng hợp bài dự thi để gửi đến các thành viên Hội đồng chấm giải, tiết kiệm chi phi in ấn, thời gian cho các thành viên chấm. Cũng theo ông Huỳnh Dũng Nhân, nhiều ý kiến của thành viên hội đồng chấm giải cho biết đối với bài dự thi của báo điện tử, cần in luôn cách trình bày của báo điện tử. Vì mỗi thể loại báo chí có cách trình bày, thể hiện khác nhau nên nếu chỉ in bài báo điện tử như một văn bản bình thường thì sẽ không thể hiện hết sự độc đáo của các tờ báo này một cách chính xác...


Hứa Chung - Võ Dung
Nên có giải báo chí dành riêng cho dân tộc miền núi và biển đảo
Nên có giải báo chí dành riêng cho dân tộc miền núi và biển đảo

Ông Phạm Ngọc Quyết, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang đề xuất nên có giải báo chí dành riêng cho dân tộc miền núi và biển đảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN