Cần ngăn chặn tàn phá cây dừa lấy đọt

Trong thời gian gần đây, ở tỉnh Cà Mau xuất hiện tình trạng nhiều người dân chặt cây dừa, lấy đọt non đi bán (gọi là củ hủ), hiện tượng này làm cho cây dừa vốn bị thu hẹp về diện tích nay lại đứng trước nguy cơ bị mai một.

Gỏi đọt dừa, một món ăn được nhiều người ưa thích. Đây cũng là lí do khiến đọt dừa bị chặt nhiều ở Cà Mau. Ảnh TTXVN


Nhiều người dân ở huyện Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời tự ý chặt cây dừa lấy củ hủ ra chợ Cà Mau bán với giá 100.000 đ/đọt, nên người ta tranh nhau mua. Do “ hút hàng” nên ngày càng nhiều người chặt dừa bán củ hủ.

Củ hủ dừa ăn rất ngon: Làm nhân bánh xèo, hầm với các loại thịt, xào với tôm, tép, hoặc để tủ lạnh ăn hàng ngày không phải chế biến. Trước đây, củ hủ dừa khan hiếm, vì không ai chặt cây dừa đi bán củ hủ, một kiểu ăn xổi ở thì như hiện nay.

Dừa Cà Mau. Ảnh: camauonline

Một thời, tỉnh Cà Mau là “vương quốc” dừa với tổng diện tích trên 30.000 ha. Nhiều nông dân sở hữu 3 -4 ha dừa. Cơm dừa khô xuất khẩu tận Liên Xô cũ nên nghề trồng dừa phát đạt. Tuy nhiên, kể từ năm 2000 đến nay, do Cà Mau chuyển phần lớn diện tích đất sang nuôi trồng thủy sản, từ đó diện tích dừa bắt đầu thu hẹp dần, vì cây dừa không chịu được nước mặn. Nơi nào nuôi tôm thì nơi đó cây dừa chết dần chết mòn, hoặc người ta chặt cây dừa bỏ đi để dành đất trống nuôi tôm hiệu quả kinh tế cao hơn.

Diện tích dừa hiện nay còn khoảng 3.000 ha, tập trung vùng quy hoạch ngọt hóa. Dừa là cây công nghiệp nhưng lại không xuất khẩu được như trước đây nên càng không có giá trị kinh tế. Tuy nhiên, dừa tươi hiện nay khan hiếm, giá 1 trái dừa tươi từ 4.000 đ nay đã tăng lên 12.000 đ. Đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ diện tích dừa hiếm hoi còn lại, nhất là ngăn chặn tình trạng chặt dừa bán củ hủ như hiện nay ./.

Trần Thành Nên
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN