Cần coi thực phẩm bẩn là "quốc nạn"

Đó là ý kiến của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội tại tọa đàm "Doanh nghiệp phải làm gì trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn" do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 4/5.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng chưa bao giờ vấn đề vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm lại đáng báo động như hiện nay. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm soát và mạnh tay xử lý đối với các trường hợp kinh doanh, vận chuyển… thực phẩm mất an toàn nhưng thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm hóa chất vẫn tiếp tục tràn vào nhà hàng, quán nhậu và mâm cơm mỗi gia đình với mức độ ngày càng đáng báo động.

Trong năm 2015, Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối 21 sản phẩm Việt Nam, 17 sản phẩm phải ngừng xuất khẩu để làm rõ thông tin chất lượng. Năm 2014, Việt Nam có tới 130 sản phẩm không được phép xuất khẩu trực tiếp vào EU; 51 lô hàng bị phát hiện chứa hóa chất, kháng sinh quá cao, tăng gấp 7 lần so với năm 2013.

Tọa đàm nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu rõ mối nguy hại của vấn nạn thực phẩm bẩn đối với cộng đồng cũng như hệ lụy tới sự phát triển kinh tế; đồng thời, nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn và đưa ra những giải pháp cần triển khai đối với vấn đề trên.

Theo TS Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Chúng ta đã có khung pháp lý để quản lý, tất nhiên là không tuyệt đối nhưng cũng là một giải pháp tốt cho người tiêu dùng. Người sản xuất, chế biến phải có ý thức, lương tâm trong sản xuất chế biến kinh doanh và người kinh doanh phải nghĩ tới sức khỏe của họ cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.

"Tôi nghĩ không thể có một cái máy để kiểm soát hết được tất cả sản phẩm. Chúng ta cần phải nâng cao khoa học kỹ thuật, đánh thức lương tâm của người chế biến sản xuất, phải xem xét lại hình thức truyền thông giáo dục để khai thác những hình thức hiệu quả nhất", ông Giang nói.

Theo ông Vũ Vinh Phú: Nếu chúng ta vẫn làm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” như hiện nay thì đến 10 năm nữa thực phẩm của chúng ta vẫn thế, và người chịu thiệt hại nhất vẫn chính là những người tiêu dùng. Song song với kiểm soát thực phẩm thì chúng ta phải nâng cao đời sống, sức mua cho nhân dân, nhất là những người nghèo, bởi vì họ nghèo sẽ dẫn tới mua hàng hóa một cách xô bồ, khó chọn lọc. Điều này hết sức quan trọng.

Ông Vũ Doãn Duy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hà Nội Food Việt Nam chia sẻ: Theo tôi, cần có một hiệp hội các nhà sản xuất liên kết với nhau cùng sản xuất sản phẩm sạch tự kiểm soát chéo lẫn nhau. Ví dụ: nước Úc có Hiệp hội Y học, các doanh nghiệp tham gia phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định và được cấp bằng tham gia hoạt động trong Hiệp hội. Ở Việt Nam cũng cần có những hiệp hội các nhà sản xuất với nhau, hiện tại chúng ta chưa bóc tách được công việc và chưa phân bổ trách nhiệm được cho ai. Vì vậy, về phía doanh nghiệp phải thay đổi tư duy sản xuất, cần xây dựng chuỗi cung ứng để có thể kiểm soát chất lượng sản phẩm trong khâu sản xuất.
Hoàng Dương
Thực phẩm bẩn “bủa vây” người tiêu dùng
Thực phẩm bẩn “bủa vây” người tiêu dùng

Thời gian gần đây, các cơ quan thông tin đại chúng liên tục đăng tải vấn đề thực phẩm đe dọa tới sức khỏe người dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN