Cần 340 tỷ đồng khắc phục sạt lở kè đê biển Bạc Liêu

Chiều 9/5, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi làm Trưởng đoàn đã đến khảo sát tình trạng sạt lở bờ sông, bờ kè đê biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (áo xanh) khảo sát tình trạng sạt lở tuyến đê kè Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

Tại các điểm khảo sát, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình sạt lở trên địa bàn trong thời gian qua. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, Bạc Liêu là tỉnh có tiềm năng rất lớn về kinh tế biển, với bờ biển dài 56 km, với khoảng 100.000 người dân sinh sống ven biển.

Tuy nhiên, đây cũng là khu vực chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, đặc biệt là hiện tượng xói lở bờ biển, sạt lở đê biển, kè cửa sông ven biển, do thay đổi dòng chảy, sóng to gió lớn gây thiệt hại nặng nề.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, tại tuyến kè đê biển Gành Hào (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) và kè Nhà Mát (phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu) liên tục bị sạt lở, vỡ đê nghiêm trọng, đe dọa đến cuộc sống, tính mạng của hàng nghìn hộ dân nơi đây.

Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do tác động của dòng chảy ven bờ biển, tác động của thủy triều và đặc biệt là tác động của sóng to, gió lớn...

Để sớm khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Bạc Liêu đã mời các nhà khoa học, các Viện nghiên cứu, trường Đại học đến tìm hiểu, nhằm tìm ra giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để xử lý vấn đề này. Trong đó, công tác khắc phục trước mắt là phá sóng gần bờ, khắc phục vị trí sạt lở nhằm trả lại vị trí ban đầu, với vốn đầu tư bước đầu khoảng 150 tỷ đồng.

Về lâu dài, UBND tỉnh đã thống nhất chọn Liên doanh Công ty TNHH Một thành viên Trường Đại học Thủy lợi và Viện Khoa học thủy lợi miền Nam là đơn vị tư vấn khảo sát, lập dự án, thiết kế bản vẽ thi công cho dự án công trình giảm sóng từ xa, gây bồi tạo bãi để trồng rừng. Phương án công trình được chọn là đê ngầm và kè mỏ hàn hình chữ “T”, với vốn đầu tư khoảng 190 tỷ đồng.

Tuyến đê kè Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu bị sạt lở nghiêm trọng.

Để sớm có điều kiện khắc phục sạt lở trước mắt, cũng như đầu tư xây dựng mới mang tính lâu dài, UBND tỉnh Bạc Liêu đã đề xuất với đoàn công tác và các bộ, ngành có liên quan hỗ trợ kinh phí cho Bạc Liêu với mức hỗ trợ là 340 tỷ đồng.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối trong việc khảo sát, đánh giá, nghiên cứu tình hình tổng thể về sạt lở bờ biển, bờ sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng để địa phương nắm và có giải pháp chủ động ứng phó.

Thay mặt lãnh đạo đoàn công tác, ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đánh giá cao công tác khắc phục sạt lở kè đê biển của địa phương trong thời gian qua. Theo ông Hoài tuy bước đầu địa phương đã làm tốt công tác khắc phục sạt lở, nhưng tỉnh cần đề phòng, theo dõi và có biện pháp ứng phó, nhất là hiện nay chuẩn bị vào mùa mưa bão; đồng thời ghi nhận những ý kiến đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh Bạc Liêu.

Tin, ảnh: Huỳnh Sử (TTXVN)
Công bố lệnh khẩn cấp về thiên tai gây sạt lở kè đê biển Bạc Liêu
Công bố lệnh khẩn cấp về thiên tai gây sạt lở kè đê biển Bạc Liêu

Ngày 3/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã ký Quyết định số 354/QĐ-UBND về việc công bố Lệnh khẩn cấp về thiên tai gây sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp an toàn đối với kè Gành Hào, huyện Đông Hải và kè Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN