Cải tạo chợ truyền thống ở Hà Nội - Bài 2: Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm

Hiện nay, các chợ truyền thống vẫn đáp ứng hơn 60% nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân. Chợ không chỉ là nơi làm ăn sinh sống của hơn hàng chục nghìn hộ kinh doanh mà còn là nét văn hóa, điểm du lịch đặc sắc của thành phố.

Trung tâm thương mai Chợ Cửa Nam. Đây là Trung tâm thương mại đầu tiên kết hợp với chợ truyền thống ở Hà Nội. Ảnh: Bùi Tường/TTXVN

Do đó, chợ truyền thống cần được quan tâm đầu tư, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nhấn mạnh, thực trạng chợ trên địa bàn thành phố đã ở mức “báo động đỏ” lâu rồi. Nhiều chợ xuống cấp nặng nề, không đủ tiêu chuẩn, không đáp ứng các điều kiện, nhất là trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Do đó, cần có những quyết sách mạnh của thành phố và những giải pháp tháo gỡ nhanh các vướng mắc, nút thắt hiện nay, trong đó, vẫn phải lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, động lực phát triển chứ không thể giữ cơ chế bao cấp mãi.

Ông Lê Vinh Sơn, Ủy viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội đề xuất, thành phố cần tìm mô hình quản lý hiệu quả nhất cho chợ truyền thống. Theo ông Sơn về mặt quản lý hành chính nhà nước, nên giao hết các chợ về cho chính quyền cấp quận huyện, xã phường để địa phương chủ động, sát sao trong giải quyết những vướng mắc của chợ.

Đối với vấn đề kêu gọi xã hội hóa, thành phố phải có cơ chế công khai, tìm kiếm các nhà đầu tư có chuyên môn, năng lực. Có thể cân đối, điều chỉnh các khoản mà doanh nghiệp phải nộp cho nhà nước như tiền thuê đất, thuế, phí… để giúp doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận tối thiểu dựa trên các khoản thu từ chợ. Như vậy thì xã hội hóa mới khả thi.

Bên cạnh đó, ông Lê Vinh Sơn cũng cho rằng, khi doanh nghiệp bỏ nguồn vốn lớn vào đầu tư chợ mà các khoản thu lại không đủ thì chắc chắn dẫn đến nợ đọng, phương án kinh doanh thất bại. Khi đã tìm được chủ đầu tư, có cơ chế hỗ trợ mà trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí, hạ tầng của chợ, thiếu năng lực thì thành phố sẽ thu hồi quyền quản lý khai thác chợ, tiếp tục quay lại tái đấu thầu trên tinh thần hết sức hỗ trợ.

Với một số chợ ở khu vực nông thôn không đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp thì thành phố nên bỏ ngân sách đầu tư cơ bản trước, rồi tiến hành đấu thầu giao cho doanh nghiệp quản lý, vận hành. Chúng ta phải trao về cho doanh nghiệp, họ vừa làm, vừa quản lý, vừa bảo vệ cơ sở vật chất, tài sản đó.

Đồng quan điểm với ông Lê Vinh Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Hà Nội Nguyễn Đình Khuyến kiến nghị thêm, qua thực hiện mô hình chuyển đổi 5 chợ trên địa bàn quận cho thấy, trách nhiệm của các chủ đầu tư được giao quyền quản lý, kinh doanh, khai thác chợ không thực hiện đúng theo cam kết và phương án dự thầu về công tác đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nâng cấp chợ, kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Vì vậy, cần có chế tài chặt chẽ, mạnh mẽ hơn để xử lý và giải quyết dứt điểm các vi phạm của chủ đầu tư, nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư khi tham gia dự thầu và trúng thầu. Đồng thời, nên giao cho cấp quận, huyện tổ chức đấu thầu và mời thầu các dự án chợ hạng 2, hạng 3 thay cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố.


Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, thành phố cần tiếp tục chỉ đạo rà soát quy định về phân cấp quản lý nhà nước về chợ (đặc biệt là trong việc đầu tư, kêu gọi đầu tư, tổ chức đấu thầu, quản lý hoạt động của các chợ trên địa bàn) theo hướng phân cấp quản lý triệt để, toàn diện trên nguyên tắc: cấp nào thực hiện thuận lợi, hiệu quả thì giao cho cấp đó thực hiện.

Trường hợp Chính phủ chưa sửa đổi Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về quản lý chợ hạng 1 thì UBND thành phố xem xét ủy quyền cho một số quận, huyện quản lý toàn diện, triệt để chợ hạng 1.

Thành phố cần sớm triển khai cơ chế sử dụng ngân sách cho đầu tư, cải tạo, khai thác kinh doanh chợ thông qua phương thức hợp tác công - tư (PPP). Trong trường hợp các chợ trước đây được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nay đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo hoạt động mà không kêu gọi xã hội hóa được thì báo cáo Chính phủ cho phép sử dụng ngân sách địa phương đầu tư, cải tạo. UBND cấp huyện khẩn trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ, trọng tâm vẫn là doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của Chính phủ.

“Thực trạng xuống cấp và những vướng mắc trong quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tồn tại đã lâu, cần những giải pháp xử lý, giải quyết triệt để. Có như vậy chợ mới hoạt động tốt, ổn định, bảo đảm đời sống dân sinh và an ninh trật tự trên địa bàn” – bà Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh.

Phương Trang (TTXVN)
Cải tạo chợ truyền thống ở Hà Nội- Bài 1: Mỏi mòn chờ... kinh phí
Cải tạo chợ truyền thống ở Hà Nội- Bài 1: Mỏi mòn chờ... kinh phí

Hiện nay, các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội hầu như đều đã xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời còn làm mất mỹ quan đô thị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN