Các hộ dân trong vụ sập nhà cổ sẽ tạm cư tại Định Công

Thành phố đã giao Sở Xây dựng bố trí nơi tạm cư cho 16 hộ dân với 61 nhân khẩu bị ảnh hưởng do sự cố sập căn biệt thự Pháp cổ xảy ra tại số nhà 107 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), hiện không có nơi ở đến tạm cư tại Nhà CT1- khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai.


Bên trong hiện trường vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN


Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung, Sở đã chuẩn bị quỹ nhà 40 căn tại CT1 - Khu đô thị Định Công để bố trí cho các hộ dân nhà 107 Trần Hưng Đạo tạm cư, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hộ dân.

Liên quan đến sự cố sập căn biệt thự Pháp cổ xảy ra tại số nhà 107 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), tối 22/9, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố lãnh đạo Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, các cơ quan chức năng đã khẩn trương kiểm tra, di chuyển các hộ dân trong khu vực nguy hiểm, phong tỏa khu vực nguy hiểm, tổ chức chống đỡ không để công trình tiếp tục sập đổ và xảy ra thiệt hại về người và tài sản.

Đồng thời thành phố giao Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế Xây dựng Hà Nội tổ chức giám định, xác định nguyên nhân sự cố, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến công trình và các công trình liền kề, báo cáo UBND thành phố để chỉ đạo, giải quyết.

Đặc biệt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giải quyết, khắc phục và xử lý sự cố, chịu trách nhiệm giải quyết sự cố công trình theo quy định của pháp luật theo trách nhiệm của chủ quản lý sử dụng công trình.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, khu nhà 107 phố Trần Hưng Đạo có nguồn gốc là nhà vắng chủ, Nhà nước đã quản lý, trong quá trình Nhà nước thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà đất trước đây. Hiện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang trực tiếp quản lý, sử dụng ngôi nhà này.

Từ khi tiếp quản, được giao quản lý sử dụng, Tổng cục Đường sắt (nay là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) dùng làm Hội trường phục vụ hội họp thường xuyên và bố trí một số phòng làm việc của cơ quan Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hiện nay bố trí là trụ sở làm việc của Ban Quản lý dự án Đường sắt khu vực 1.

Hai dãy nhà 2 tầng khung ray là khối nhà 2 bên (tách riêng khỏi khối chính), 1 dãy nhà cấp 4 phía sau được Tổng cục Đường sắt xây dựng tạm từ những năm 1970 bằng nguồn vốn ngân sách, trong đó khoảng 60m2 nhà cấp 4 trước đây là phòng khám y tế của Đường sắt Việt Nam.

Do thay đổi tổ chức, Phòng khám y tế chuyển về Bệnh viện Giao thông vận tải (trước đây là Bệnh viện Đường sắt) đã chấp thuận giao lại nhà đất để Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sử dụng theo phương án được duyệt.

Do điều kiện khó khăn về nhà ở của cán bộ công nhân viên, cơ quan bố trí cho cán bộ công nhân viên của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ký Hợp đồng thuê nhà ở cho 62 hộ dân tại nhà số 107 Trần Hưng Đạo.

Trên cơ sở ý kiến của UBND Thành phố Hà Nội tại Văn bản số 6125/UBND-KT ngày 22/8/2013, ngày 20/9/2013, Bộ Tài chính có Văn bản số 12859/BTC-QLCS về việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý 2 cơ sở nhà đất của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cụ thể, đối với cơ sở nhà đất tại 107 phố Trần Hưng Đạo, Bộ Tài chính thống nhất giữ lại tiếp tục sử dụng làm trụ sở làm việc theo quy hoạch của thành phố; đồng thời đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam di dời, chấm dứt việc cho thuê tại cơ sở nhà đất để quản lý, sử dụng theo đúng quy định của Quyết định 09/2007/QĐ-TTg và liên hệ với Sở Xây dựng thành phố Hà Nội để được xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Quyết định việc giữ lại tiếp tục sử dụng theo thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 6 Quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo các đơn vị liên quan làm việc với các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội để hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật.

Cũng theo đề nghị của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tại Văn bản số 2217/ĐS-VP ngày 5/8/2015; căn cứ vào Nghị quyết 23/2003/QH11 ngày 26/11/20203 của Quốc hội về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1/7/1991; ngày 15/9/2015, Sở Xây dựng đã có Quyết định số 8533/QĐ-SXD về việc xác lập sở hữu toàn dân ngôi nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Về quản lý biệt thự, Sở Xây dựng cho biết, Sở đã chủ trì cùng liên ngành kiểm tra, rà soát lại danh mục do Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố lập năm 2011 và trình UBND thành phố ban hành quyết định số 7177/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 về danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố, trong đó biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo được đánh giá xếp loại 2.

Minh Nghĩa (TTXVN)
Nạn nhân thứ hai trong vụ sập nhà cổ đã tử vong
Nạn nhân thứ hai trong vụ sập nhà cổ đã tử vong

Lúc 17 giờ 45 phút cùng ngày 22/9, lực lượng chức năng đã phát hiện ra nạn nhân cuối cùng của vụ sập căn biệt thự Pháp cổ 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) là chị Trần Thị Nga (sinh năm 1979) đang bị mắc kẹt ở bên trong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN