Bước tiến trong nghiên cứu, sản xuất thiết bị y tế ở Việt Nam

Ở Việt Nam, 80% thiết bị y tế trong các bệnh viện và cơ sở y tế được nhập khẩu từ nước ngoài với kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, trong khi nếu sản xuất được trong nước có thể giảm giá thành từ 60 - 80% so với thiết bị nhập ngoại.

 

Mới đây, thiết bị theo dõi bệnh nhân đa thông số dùng trong y tế đã được các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa - Bộ Công Thương chế tạo thành công mở ra bước tiến mới trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất thiết bị y tế phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh trong nước.


Thiết bị theo dõi bệnh nhân đa thông số hiểu một cách đơn giản là loại máy có màn hình hiển thị các thông số như sóng điện tim, nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể... giúp các y bác sĩ theo dõi biểu hiện lâm sàng trong quá trình theo dõi điều trị bệnh nhân. Máy được cấu tạo với bộ vi xử lý thông minh, hiển thị các thông số chính xác nên sẽ hỗ trợ đắc lực công tác khám, chữa bệnh tại các bệnh viện.


TS Nguyễn Thế Vinh (Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động - Bộ Công Thương) chủ nhiệm đề tài cho biết: Thiết bị đo được 5 thông số cơ bản gồm: điện tim đồ, theo dõi nhịp tim, nồng độ bão hòa ôxi trong máu, đo huyết áp và theo dõi nhiệt độ cơ thể.


Theo TS Nguyễn Thế Vinh, với kết nối wifi, nhân viên y tá có thể kiểm tra các thông số của bệnh nhân từ xa, qua đó điều chỉnh được thiết bị y tế để chăm sóc bệnh nhân tốt hơn. Ngoài ra, thiết bị theo dõi bệnh nhân đa thông số xách tay còn được thiết kế bộ lọc số để khử nhiễu sóng được sinh ra bởi các thiết bị tiêu thụ điện như máy photo, máy scanner, đèn huỳnh quang, đèn compact, máy điều hòa... có ảnh hưởng nhiễu đến sóng điện tim.


Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 1.000 bệnh viện và hàng trăm trung tâm y tế, phòng khám tại các huyện, thị nên nhu cầu sử dụng các thiết bị y tế nói chung và thiết bị theo dõi bệnh nhân đa thông số xách tay nói riêng rất lớn. Đặc biệt tại các trung tâm y tế tuyến huyện, phòng khám tư nhân... thường có kinh phí eo hẹp nên việc mua các trang thiết bị y tế cao cấp rất khó khăn.


TS Nguyễn Thế Vinh cho rằng: Hiện nay trên thị trường thiết bị y tế có thể chia làm hai dòng sản phẩm: Sản phẩm được đánh giá có chất lượng cao được nhập từ các nước như: Mỹ, Nhật, Đức... và các sản phẩm có chất lượng thấp hơn được nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc... với giá thành từ 5.000 - 8.000 USD. Trong khi đó, thiết bị được sản xuất tại Việt Nam chỉ có giá thành khoảng 1.000 USD, trong khi đó, chất lượng sản phẩm tương đương với các dòng do Hàn Quốc, Trung Quốc sản xuất. Bên cạnh đó, do chi phí lắp đặt thấp, dịch vụ bảo hành và hậu mãi tốt, linh kiện dễ lắp đặt, thay thế... nên có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người sử dụng.


Việc chế tạo thành công thiết bị theo dõi bệnh nhân đa phương tiện xách tay không những tạo tiền đề cho nghiên cứu, chế tạo các thiết bị y tế với nhiều tính năng và công dụng hiện đại khác mà còn mang lại hiệu quả kinh tế to lớn góp phần giảm bớt gánh nặng nhập khẩu. Tiếp đó, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa cũng đã chế tạo thành công nhiều thiết bị y tế khác như: máy đo điện não, chế tạo máy chụp X - quang thông thường dùng cho các cơ sở y tế; máy siêu âm Doppler xuyên sọ... nhằm phục vụ có hiệu quả công tác khám chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

 

Ngũ Hiệp

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN