Bỏ trống tư vấn tâm lý học đường

Những vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây, lại một lần nữa khiến xã hội tiếp tục đặt ra câu hỏi về giáo dục tâm lý trong trường học, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên. Việc giáo dục tâm lý trong trường học lâu nay vẫn chưa thành bộ môn và thực hiện bằng việc dạy lồng ghép, chưa có giáo viên chuyên trách...

Bạo lực học đường chỉ là bề nổi trong mặt trái tính cách của học sinh hiện nay.


Chưa có giáo viên chuyên trách


Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, lứa tuổi học sinh hay gặp những khúc mắc trong học tập, trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè... Nếu không được tư vấn, định hướng, giải tỏa kịp thời dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Nhẹ thì chán hoặc bỏ học, nặng thì trầm cảm, bạo lực học đường...

Cô N.T.N là một giáo viên dạy tiếng Anh THPT ở Ninh Bình, với 10 năm giảng dạy và 6 năm làm công tác chủ nhiệm, cô N. cho biết: “Bạo lực học đường chỉ là bề nổi của tảng băng phản ánh phần nào mặt trái tính cách của học sinh ngày nay. Phần chìm chính là những biến đổi tâm sinh lý gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Tôi đang đau đầu với một học sinh nữ chỉ vì cha mẹ ngăn cấm không được yêu mà cháu bỏ nhà đi 4 ngày nay chưa về”.

Cô N. cho biết, những trường hợp “dạt nhà” do bố mẹ mắng nhiếc, do kết quả học tập không như ý hay những trách phạt từ chính giáo viên, yêu đương bị ngăn cấm... không còn là chuyện lạ ở trường học. “Có những buổi, tôi vừa bê bát cơm tối lên đã nghe thấy tiếng khóc của phụ huynh ở ngoài cổng. Hỏi ra thì con gái nhắn tin nói sẽ “đi tìm lại chính mình” với bạn trai. Hoặc có trường hợp một bạn gái thích bạn trai nhưng bạn trai này lại thích một bạn khác, thế là bạn gái được bạn trai thích bị đánh... Có thời điểm, vừa làm chuyên môn vừa làm chủ nhiệm, tôi phải lên phòng hiệu trưởng xin thôi chủ nhiệm để được nghỉ ngơi”, cô N. chia sẻ.

Không riêng gì trường phổ thông nơi cô N. dạy, tại hầu hết các trường THPT trên toàn quốc, công tác tư vấn tâm lý trường học vẫn do các giáo viên kiêm nhiệm. Hiện nay, việc tư vấn tâm lý, tìm hiểu học sinh đều được giao cho giáo viên chủ nhiệm. “Nhưng áp lực từ công việc chuyên môn cùng với những gánh vác khác, giáo viên không thể sâu sát hết mọi sự việc, trong khi mọi thành viên trong lớp học ở lứa tuổi vị thành niên đều cần được quan tâm. Trong trường sư phạm, tôi có được học những kỹ năng sư phạm, nhưng chưa đủ. Cần có giáo viên tâm lý chuyên sâu để vừa sát sao sự việc vừa đưa ra những định hướng đúng đắn cho học sinh”, cô N. phân tích.

Trong một khảo sát gần đây của Bộ GD - ĐT, có hơn 93% học sinh, sinh viên khi gặp khó khăn trong tâm lý học đường không biết tìm đến ai để chia sẻ. Hiện nay, ngành giáo dục vẫn chưa có những bố trí cụ thể với giáo viên chuyên trách tư vấn tâm lý trong trường học. Lãnh đạo một số trường THPT và Sở GD - ĐT cho biết, các nhà trường vẫn khuyến khích các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên văn, thể, mỹ tham gia vào công tác tư vấn tâm lý cho học sinh.

Sẽ xây dựng phòng tư vấn tâm lý

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), (trường đầu tiên trên cả nước có phòng tư vấn tâm lý học đường hoạt động hiệu quả), muốn hoạt động tư vấn tâm lý trong trường có hiệu quả thì trước hết người tư vấn phải biết tôn trọng, lắng nghe học sinh chứ không phải bắt các em làm cái này, cái kia. Lắng nghe xong phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của học sinh, từ đó mới đưa ra gợi ý cho học sinh những giải pháp để vượt qua khó khăn. Phòng tư vấn tâm lý sẽ là nơi cung cấp những kiến thức, kỹ năng hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm để tự giải quyết nhiều tình huống khác nhau.


Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên cho biết, Bộ GD - ĐT đang trong quá trình đánh giá tổng hợp các mô hình thực hiện công tác tư vấn trong học đường. Dự kiến cuối năm nay, Bộ GD - ĐT tổ chức hội thảo về việc xây dựng mô hình tư vấn tâm lý tại các trường học, từ đó sẽ có định hướng về giáo viên tâm lý trong trường học.

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD - ĐT cho biết, hiện nay Bộ GD - ĐT đã bắt tay vào việc nghiên cứu, rà soát, khảo sát để có những tổng kết, đánh giá về tư vấn tâm lý trong trường học. Theo kế hoạch, cuối năm nay sẽ có hội thảo về việc xây dựng mô hình tư vấn tâm lý tại các trường học. Từ nay đến khi đó sẽ có những chương trình kế hoạch cụ thể để khảo sát, đánh giá thực trạng.

Trong thời gian tới, Bộ GD - ĐT xác định rõ nhiệm vụtriển khai công tác tư vấn tâm lý học đường đối với các Sở GD - ĐT, các trường ĐH, CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp. Theo đó, sẽ tập trung tư vấn tâm lý, tư vấn các mối quan hệ trong xã hội, tư vấn lứa tuổi vị thành niên, tư vấn các mối quan hệ trong xã hội, tư vấn tâm lý học giới tính và sức khỏe sinh sản, tư vấn tâm lý gia đình, tư vấn tâm lý học nghề nghiệp, tư vấn những vấn đề của xã hội hiện đại, tư vấn phương pháp học tập tốt. Đặc biệt, sẽ đa dạng hóa các hình thức tư vấn để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động tư vấn tâm lý. Coi trọng công tác tư vấn riêng cho cá nhân để giúp các em có sự tự tin và khả năng giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, tạo ra sự cân bằng tâm lý, học tập đạt kết quả tốt, mở rộng giao lưu và hoàn thiện nhân cách. Thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề giữa các chuyên gia tư vấn với học sinh, sinh viên. Bằng nguồn lực xã hội hóa, các nhà trường chủ động xây dựng các phòng tư vấn tâm lý có không gian riêng, kín đáo tạo tâm lý thoải mái gần gũi cho học sinh.


Lê Vân
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm vụ bạo lực học đường tại Phú Thọ

Học sinh Quyền Thị Phương Hà đã bị căng thẳng tâm lý, không nói được, chỉ ra hiệu trong suốt 5 tháng sau một vụ bạo lực học đường nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN