Bờ biển xã Vinh Hải, Thừa Thiên - Huế sạt lở nghiêm trọng

Từ ngày 8- 11/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao, tại Thừa Thiên - Huế đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Chú thích ảnh
Sạt lở nghiêm trọng bờ biển ở xã Vinh Hải đoạn đi qua thôn 3. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Vùng ven biển có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng to, triều cường, kết hợp nước dâng làm nhiều đoạn bờ biển của một số địa phương trong tỉnh tiếp tục sạt lở nặng.  Trong đó, nghiêm trọng nhất là bờ biển xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc) bị sạt lở nặng với chiều dài  khoảng 3,3 km; biển xâm thực vào đất liền từ 5-7 mét, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân, đất sản xuất và vùng nuôi trồng thủy sản tại địa phương này.

Được biết, trong năm 2017, huyện Phú Lộc đã đầu tư trên 2,5 tỷ đồng xây dựng một kè mềm dài hơn 300 mét để chống xói lở bờ biển khu vực này nhưng hiện vẫn bị sóng biển đánh sạt lở, lộ ra 1/2 phần thân đập.

Ông Đặng Ngọc Trân, Bí thư Huyện ủy Phú Lộc cho biết, những năm gần đây, tuyến bờ biển xã Vinh Hải liên tục bị xâm thực vào đất liền, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của nhân dân. Đặc biệt, sau trận mưa lũ liên tiếp trong những ngày qua bờ biển trên địa bàn càng bị sạt lở nghiêm trọng. Tại các điểm sạt lở dọc tuyến bờ biển Vinh Hải, hàng loạt cây phi lao đã bị sóng biển xô ngã, bật gốc, bờ cát bị sạt lở dựng đứng "ăn" vào sát khu dân cư.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, bờ biển Vinh Hải liên tục bị sạt lở, nhất là vào mùa mưa bão; biển lấn sâu vào khu dân cư, đất sản xuất hiện chỉ còn cách bờ biển chừng 100 m, có nơi chỉ còn vài chục mét. Ông Lê Cu, trú tại thôn 4, xã Vinh Hải cho biết, bình quân mỗi năm, nước biển "ăn" vào đất liền từ 10 đến 15 mét, đe dọa trực tiếp đến hàng trăm hộ dân ven biển, rừng phòng hộ ven biển có nguy cơ bị sóng biển cuốn trôi. Đáng lo hơn, khi nước biển đã tràn vào đồng ruộng, hoa màu nơi đây bị nhiễm mặn, khiến người dân không thể canh tác như trước đây. 

Ngoài bờ biển xã Vinh Hải, hiện tại khu vực kè thôn An Dương, xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) bị sạt lở với chiều dài 2 km, xói sâu vào 5-8 m; bờ biển đoạn qua xã Phú Diên, Phú Hải  (huyện Phú Vang) sạt lở với tổng chiều dài khoảng 2 km. Khu vực sông Bù Lu (thôn Cảnh Dương, huyện Phú Lộc) tiếp tục sạt lở sâu vào khu dân cư 0,5 m, dài 100 m. 

Trên sông Hương, bờ sông đoạn qua tổ dân phố 3 phường Hương Hồ với chiều dài 300 m; bờ sông Bồ đoạn qua phường Tứ Hạ, thị xã Hương trà bị sạt lở "ăn" sâu vào sát mép đường bê tông với chiều dài 60m; đoạn qua thôn Hà Cảng-Quảng Phú, Quảng Thọ huyện Quảng Điền (khoảng 1km). Đê phân lũ tại xã Điền Hương, Điền Môn (huyện Quảng Điền) bị sạt lở với chiều dài 50 m, địa phương đã huy động 40 nhân công, 500 bao cát để gia cố tạm thời các điểm sạt lở...

Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ nay đến ngày 15/12 trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to đến rất to, tỉnh yêu cầu các địa phương thường xuyên ứng trực, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ để chủ động đối phó...

Quốc Việt  (TTXVN)
Đường lên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn
Đường lên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn

Ngày 11/12, ông Phan Minh Hải, Phó Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, mưa lớn trong những ngày qua đã làm tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) bị sạt lở nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN