Bình Thuận: 'Hỏa tốc' yêu cầu di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu khỏi khu dân cư

Ngày 13/12, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các Sở, ngành khẩn trương triển khai di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư và di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm đang hoạt động trong khu dân cư.

Chú thích ảnh
Một cơ sở chế biến ruốc gây ô nhiễm môi trường ở phường Phú Hài. Ảnh: baobinhthuan.com.vn

Đối với việc di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hoàn thành việc di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư chậm nhất ngày 31/12/2018, nếu địa phương nào chưa hoàn thành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời, xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại cá nhân Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị không hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2018.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Công thương trực tiếp làm việc, thường xuyên giám sát, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đồng thời, phải chịu trách nhiệm khi các địa phương không hoàn thành theo đúng thời gian quy định.

Đối với việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm đang hoạt động trong khu dân cư, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, thống kê và lập danh sách các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động trong khu dân cư, trong đó cần phân loại xác định cụ thể: Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cơ sở tồn tại lâu đời, cơ sở có cấp phép, cơ sở không cấp phép, cơ sở không phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt; trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện di dời theo thời gian quy định; đồng thời, thông báo cho các cơ sở này biết và thực hiện. Thời gian hoàn thành chậm nhất ngày 31/12/2018.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan không cấp mới đối với các cơ sở (cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm đang hoạt động trong khu dân cư) hoạt động không phép, không gia hạn đối với các cơ sở (các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm đang hoạt động trong khu dân cư) hết thời gian cấp phép. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm hoặc chấm dứt hoạt động theo quy định đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; các cơ sở không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, đến đầu tháng 12/2018, toàn tỉnh có 204/440 điểm thu mua phế liệu đã chấm dứt hoạt động, chuyển đổi nghề nghiệp hoặc di dời ra khỏi khu dân cư, trong đó thành phố Phan Thiết di dời được 114/120 điểm, thị xã La Gi di dời được 42/43 điểm, huyện Hàm Tân di dời được 17/24 điểm, huyện Hàm Thuận Nam di dời được 14/57 điểm, huyện Đức Linh di dời được 07/30 điểm…; tại các huyện Hàm Thuận Bắc, huyện đảo Phú Quý, Tuy Phong, Bắc Bình việc di dời rất hạn chế.

Nguyễn Thanh (TTXVN)
Người dân bất chấp nguy hiểm đứng livestream đám cháy lớn từ xưởng chứa phế liệu
Người dân bất chấp nguy hiểm đứng livestream đám cháy lớn từ xưởng chứa phế liệu

Mặc dù lực lượng chức năng khuyến cáo người dân tránh xa khu vực cháy nhưng hàng chục người vẫn bất chấp nguy hiểm, tiếp cận để livestream, chụp ảnh up lên mạng xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN